Sự kiện Tập đoàn hàng không Nhật Bản ANA Holdings Inc. (Tập đoàn ANA) vừa chính thức ký hợp đồng mua 8,771% cổ phần của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Công ty cổ phần (Vietnam Airlines - VNA) với giá trị 2.431 tỷ đồng (tương đương 109 triệu USD) đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Vì sao tập đoàn hàng không lớn nhất Nhật Bản lại muốn trở thành cổ đông chiến lược của VNA và sự hợp tác này sẽ mang lại điều gì cho VNA nói riêng, cho ngành hàng không trong nước nói chung?
Vì sao ANA Holdings nhắm đến VNA?
Tập đoàn ANA được biết đến là tập đoàn hàng không hoạt động toàn cầu với tổng cộng 63 công ty con hợp nhất và 18 chi nhánh. Với đội máy bay lên tới khoảng 240 chiếc, khai thác 88 điểm đến và vận chuyển khoảng 47 triệu lượt hành khách/năm, ANA đang là hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản về doanh thu và sản lượng hành khách. Với tầm nhìn trở thành tập đoàn hàng không hàng đầu thế giới, ANA đương nhiên không thể bỏ qua thị trường hàng không châu Á khi rất nhiều chuyên gia đánh giá cao về tiềm năng phát triển của thị trường này. Nhận xét về tiềm năng của châu Á hiện tại và trong những thập kỷ tới, Tổng giám đốc Airbus, ông Fabrice Brégier, đã rất lạc quan: “Nếu giao thông hàng không thế giới tiếp tục tăng trung bình 4%/năm trong vòng 20 năm tới, thì tăng trưởng hàng không châu Á sẽ đạt đến 6%, thậm chí 10%/năm tại các khu vực năng động nhất như Việt Nam”. Chính vì vậy, không khó để hiểu vì sao ANA lại coi châu Á là thị trường trọng điểm trong chiến lược mở rộng quy mô hoạt động quốc tế. Với mạng đường bay kết nối tới 20 điểm nội địa, 29 điểm đến quốc tế và hiện đang khai thác 66 chuyến bay mỗi tuần tới Nhật Bản bao gồm: sân bay Narita, Haneda (Tokyo), sân bay Chubu (Nagoya), sân bay Kansai (Osaka) và sân bay Fukuoka, VNA được nhắm đến như một đối tác lý tưởng.
Lễ ký kết giữa Tập đoàn hàng không Nhật Bản ANA Holdings Inc. với Vietnam Airlines
Theo đại diện ANA, việc hợp tác này có nhiều thuận lợi bởi hai bên có những tương đồng về trình độ phát triển ở mức cao, cách thức tiếp cận khách hàng và hoạt động hiệu quả. Hợp tác với VNA sẽ giúp ANA tăng cường mạng bay của ANA giữa châu Á và Bắc Mỹ, tận dụng được sự phát triển của thị trường châu Á, đặc biệt là tiểu vùng Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV). Hơn thế nữa, ANA hoàn toàn có thể yên tâm với vị thế chủ lực của hãng hàng không quốc gia và mục tiêu vào nhóm hãng hàng không đứng đầu khu vực ASEAN về quy mô, giữ vị trí chủ chốt trong vận tải hàng không tiểu vùng CLMV. Thương vụ với VNA là một khoản đầu tư quan trọng của ANA ở thị trường châu Á và là số tiền đầu tư có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Điều đó đồng nghĩa, lợi ích thu được từ việc phát triển hơn ở châu Á có ý nghĩa rất lớn với ANA.
Hàng chục triệu hành khách được hưởng lợi
Theo đánh giá của các chuyên gia hàng không, ANA đã rất khôn ngoan khi quyết định trở thành cổ đông chiến lược của VNA, nhưng ngược lại VNA cũng sẽ được hưởng lợi rất lớn từ mối quan hệ hợp tác chiến lược này. Theo ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT VNA: “Tìm kiếm đối tác và tăng nguồn vốn cho doanh nghiệp là một phần quan trọng trong nỗ lực của VNA nhằm tái cơ cấu và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Việc hợp tác với Tập đoàn ANA, đang sở hữu một trong những hãng hàng không có chất lượng dịch vụ hàng đầu khu vực và thế giới, sẽ giúp chúng tôi tự tin hơn trong việc đổi mới đội tàu bay bằng những dòng máy bay thế hệ mới nhất, mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ và hoạt động hiệu quả hơn”. Theo cam kết, Tập đoàn ANA sẽ cử đại diện tham gia HĐQT của VNA, chia sẻ các kinh nghiệm quản trị hỗ trợ VNA nâng cao chất lượng dịch vụ, tối ưu hóa hoạt động khai thác. Cụ thể, Tập đoàn ANA và các công ty con của ANA sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho VNA và các công ty con của VNA trên các lĩnh vực gồm: Quản trị nguồn nhân lực; hỗ trợ xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển đội bay, mạng bay, lịch bay; hỗ trợ công tác điều hành khai thác bay; hỗ trợ công tác kỹ thuật bảo dưỡng máy bay; công nghệ thông tin; hỗ trợ công tác đào tạo (bao gồm tiếp viên).
Về lợi ích cho các hành khách, trước mắt, sự hợp tác này sẽ mang lại những lợi ích rất đáng kể khi những chương trình khách hàng thường xuyên sẽ được bắt đầu từ ngày 30-10-2016. VNA và ANA sẽ hợp tác liên danh trên 30 đường bay nội địa tại Nhật Bản và Việt Nam, cùng 10 đường bay quốc tế giữa hai quốc gia nhằm mang lại sự thuận tiện hơn nữa cho khách hàng. Ngoài ra, khách hàng thường xuyên của mỗi hãng có thể tích lũy dặm khi bay trên các chuyến bay hợp tác liên danh giữa hai hãng và được trả thưởng trên các chuyến bay do hai hãng vừa là hãng tham gia vừa là hãng khai thác. Có 26 triệu hội viên của ANA và 850.000 hội viên của VNA sẽ là những khách hàng được hưởng lợi từ hợp tác này. Đặc biệt, từ tháng 8 năm nay, hai bên sẽ dần triển khai cung cấp dịch vụ cho nhau tại các điểm đến giữa Việt Nam - Nhật Bản, ví dụ như: check-in hành khách, xuất nhập hàng hóa, hỗ trợ dịch vụ mặt đất, suất ăn, bảo trì tàu bay… Theo các chuyên gia hàng không, sự hợp tác này cũng sẽ tác động tích cực đến thị trường hàng không trong nước, thúc đẩy các hãng hàng không trong nước phát triển theo hướng mở rộng quy mô, sẵn sàng liên doanh liên kết để nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khách hàng.
BÍCH QUYÊN