Thêm lợi thế cho hạt gạo Việt Nam

Thêm lợi thế cho hạt gạo Việt Nam

22 năm sau khi Việt Nam tham gia trở lại thị trường gạo quốc tế, vai trò và vị trí của hạt gạo Việt Nam đã có sự thay đổi theo hướng tích cực. Không chỉ là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới về sản lượng mà chất lượng hạt gạo của Việt Nam cũng từng bước được nâng lên...  

Thay đổi cơ cấu gạo xuất khẩu

Từ năm 2008, gạo đã trở thành một thứ hàng hóa nhạy cảm hơn và giá thị trường biến động thường xuyên do tác động của biến đổi khí hậu (thiên tai mất mùa trên diện rộng), ảnh hưởng đến cân đối cung cầu. Bên cạnh đó, yếu tố đầu cơ của các tập đoàn tài chính cũng tác động lên mặt hàng này. Đỉnh điểm là cơn đột biến giá gạo vào năm 2008, giá gạo trắng 100% của Thái Lan đã lên mức cao nhất 1.080USD/tấn (tháng 4-2008), gạo 5% tấm Việt Nam cũng tăng tương đương thời điểm đó, gây ra khủng hoảng lương thực và bất ổn ở một số nước thiếu gạo. Do vậy, sự mất cân đối cục bộ và tác động tâm lý đã tạo ra những biến động thị trường khu vực, mặc dù cân đối cung cầu vẫn ở mức an toàn.

Gạo được đưa xuống tàu để xuất khẩu.

Gạo được đưa xuống tàu để xuất khẩu.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ năm 2006 đến nay, bình quân lượng xuất khẩu tăng 33,7% nhưng trị giá lại tăng hơn 165% so với giai đoạn 2001-2005. Loại gạo cao cấp (5% tấm) chiếm bình quân khoảng 33% và có xu hướng tăng dần. Gạo cấp thấp (25% tấm) chiếm khoảng 30%, đang có xu hướng giảm dần, nhường thị phần hạt gạo này cho Pakistan, Myanmar, Ấn Độ. Riêng gạo thơm chiếm gần 3% tổng lượng xuất nhưng tốc độ tăng bình quân mỗi năm rất cao, gần 35% trong 5 năm qua. Theo TS Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, mặt hàng gạo thơm Jasimine, do Viện Lúa gạo quốc tế IRRI lai tạo nhưng Việt Nam là quốc gia ứng dụng thành công cả về sản xuất và thị trường xuất khẩu.

Trong bối cảnh chính phủ của tân Thủ tướng Yingluck Shinawatra (Thái Lan) cam kết sẽ mua hạt lúa của nông dân với giá cao, khoảng 15.000 bath/tấn lúa bắt đầu khi vụ thu hoạch vào tháng 11-2011, thì giữa tháng 9 này, các doanh nghiệp hàng đầu và lãnh đạo VFA sẽ gặp gỡ (định kỳ 2 lần/năm) với đối tác Thái Lan để thảo luận và trao đổi thông tin hợp tác về thị trường thế giới. Dù VFA tỏ ra dè đặt, nhưng Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan Chookiat Ophaswongse nhận định, đây là cơ hội cho cả hai nước điều chỉnh chiến lược giá gạo. Tất nhiên chiến lược này sẽ khiến giá gạo Thái 5% tấm tăng lên khoảng 800 USD so với mức 550 USD/tấn như hiện nay. Điều đó sẽ giúp hạt gạo Việt Nam có giá cao hơn và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu, bởi nhà đầu tư sẽ chuyển hướng sang những nước xuất khẩu gạo giá rẻ hơn trong khi chất lượng xấp xỉ gạo Thái như Việt Nam, Campuchia... 

Trung Đông - Thị trường tiềm năng

Vừa qua, tại buổi làm việc với các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam, TS Faisal Ali Mausa, Chủ tịch Rice Dubai – đơn vị tổ chức hội nghị, triển lãm về gạo thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), đánh giá cao hạt gạo Việt Nam về chất lượng, giá. Nhưng lượng gạo VN vào thị trường Trung Đông còn quá khiêm tốn, chỉ có 1,8 triệu USD (năm 2010) so với doanh số hơn 2 tỷ USD giao dịch tại thị trường UAE. Dubai hiện là một trung tâm trung chuyển nhiều hàng nông sản đi các nước khác ở vùng Trung Đông, Bắc Phi, kể cả Mỹ, trong đó, mặt hàng gạo chiếm tới 93% lượng gạo tái xuất toàn cầu.

Lý do gạo VN chưa thâm nhập thị trường này do điều kiện địa lý khá xa, chiến lược tiếp thị và quảng bá còn yếu, cũng như chưa có sự tương thích về nhu cầu giữa 2 bên. Rice Dubai mong muốn nhà xuất khẩu gạo VN tham gia triển lãm gạo tại Dubai, sự kiện được Bộ Ngoại thương UAE bảo trợ, sẽ diễn ra ngày 3 đến 5-11-2011 để có dịp tiếp thị, quảng bá về hạt gạo VN, tận dụng cơ hội xuất khẩu gạo vào Trung Đông và Bắc Phi. Các nhà đầu tư tại UAE đang có xu hướng chuyển dần hướng đầu tư sang lĩnh vực nông nghiệp và VN có nhiều điều kiện hấp dẫn các nhà đầu tư UAE.

Theo kế hoạch, tháng 1-2012 sẽ có một đoàn doanh nhân nước này đến khảo sát đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại các tỉnh ĐBSCL. Theo ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch VFA, Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm An Giang (Anfiex), vùng Trung Đông và Bắc Phi tiêu thụ chủ yếu loại gạo Basmati và gạo đồ nhập từ Ấn Độ và Pakistan vì có chung tập quán kinh doanh, lại có lợi thế về khoảng cách địa lý, giảm được chi phí vận chuyển. Khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp VN đã và đang đầu tư nhà máy, thiết bị chế biến gạo đồ, gạo VN sẽ từng bước xâm nhập vào thị trường Trung Đông nhiều tiềm năng.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục