Thêm nhiều tư liệu khẳng định chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa

Ngày 7-9, Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên - Huế cho biết, thực hiện đề tài khoa học cấp Nhà nước “Tổ chức và hoạt động bảo vệ biển đảo Việt Nam dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802 - 1885” và sưu tầm tư liệu để biên soạn tập sách “Lý Sơn - Hoàng Sa trong lịch sử Việt Nam”, hội vừa tổ chức chuyến khảo sát điền dã tại đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi).

(SGGP). – Ngày 7-9, Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên - Huế cho biết, thực hiện đề tài khoa học cấp Nhà nước “Tổ chức và hoạt động bảo vệ biển đảo Việt Nam dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802 - 1885” và sưu tầm tư liệu để biên soạn tập sách “Lý Sơn - Hoàng Sa trong lịch sử Việt Nam”, hội vừa tổ chức chuyến khảo sát điền dã tại đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi).

Kết quả, hội đã sưu tầm được nhiều tài liệu Hán Nôm quý hiếm từ thời chúa Nguyễn đến triều vua Bảo Đại của các dòng họ Phạm, Võ, Nguyễn, Trương, Dương, Đặng… Đây là những dòng họ có công khai phá lập làng tại Lý Sơn vào thời chúa Nguyễn Hoàng và cũng là những dòng họ có nhiều đời được các chúa Nguyễn, Tây Sơn và triều Nguyễn giao làm Cai đội Hoàng Sa. Đồng thời, hội nghiên cứu về đình làng An Hải - dấu tích người Việt đến lập làng từ năm 1603; Âm Linh tự - nơi thờ các vong hồn hải đội Hoàng Sa; lăng mộ Chánh đội trưởng Cai đội Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật (1804 - 1854) - người được triều đình Huế giao tổ chức khảo sát, vẽ bản đồ, cắm mốc chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa vào năm 1836 dưới triều vua Minh Mạng, cùng một số dấu tích liên quan. PGS-TS Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên - Huế đã trao bằng Tưởng niệm Lịch sử Cai đội Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật cho UBND huyện Lý Sơn và ông Phạm Thoại Tuyền là hậu duệ Cai đội Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật.

Trong số những văn bản, tài liệu quý giá phải kể đến một văn bản pháp lý khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam được lập cách đây hơn 250 năm, hiện lưu giữ tại đình làng Mỹ Lợi. Văn bản này có từ năm Quý Hợi 1743, được viết trên giấy dó, có nội dung xử lý một vụ kiện giữa phường Mỹ Toàn - nay là làng Mỹ Lợi và phường An Bằng - nay là làng An Bằng về việc nộp thuế vỏ tàu khai thác sản vật liên quan đến Hải đội Hoàng Sa... Ngoài ra, hai tờ Châu bản có chữ ký của vua Bảo Đại (1926 - 1945) viết trên giấy cỡ 21,5 x 31cm. Đây là những chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền về quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam do nhà nghiên cứu Phan Thuận An tìm thấy trong tủ sách gia đình ở phủ Ngọc Sơn Công chúa (31 Nguyễn Chí Thanh, TP Huế). Hai tờ Châu bản này đều có bút tích Ngự phê của vua Bảo Đại, với nội dung liên quan đến việc ban thưởng cho các cá nhân, tổ chức có công trong việc gìn giữ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục