Điều này được thể hiện khá cụ thể trong buổi làm việc giữa ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM 2013 - 2020, với phái đoàn Nhật Bản gồm SIIQ (Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn và công nghệ điện tử Kyushu) và Công ty RADRIX vừa diễn ra tại TPHCM.
Cùng đặt lòng tin
Đại diện SIIQ cho biết, Kyushu là một hòn đảo ở Nhật Bản, có khoảng 13 triệu dân và là nơi tập trung toàn bộ sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn Nhật Bản. Công ty về bán dẫn đầu tiên được thành lập ở đây từ năm 1967 và trải qua 47 năm hình thành và phát triển, tại Kyushu hiện có khoảng 1.000 công ty. Với quy mô như trên, Kyushu chiếm 5% doanh thu về bán dẫn trên toàn thế giới.
Ông Lê Mạnh Hà bày tỏ sự rất ấn tượng trước những thành công của Kyushu, đồng thời cho rằng TPHCM có ý định trở thành trung tâm lớn nhất cả nước về vi mạch và có những cơ sở để biến điều đó thành hiện thực. Cụ thể, việc phát triển vi mạch tại TPHCM đã được tiến hành cách đây từ nhiều năm và đến cuối năm 2012, đầu năm 2013 đến nay đã phát triển mạnh. Điều kiện để phát triển bắt nguồn từ việc TPHCM có trung tâm nghiên cứu vi mạch mạnh nhất cả nước là ICDREC và đã cho ra đời những sản phẩm về vi mạch đầu tiên của Việt Nam từ năm 2008.
Một điều kiện thuận lợi nữa để TPHCM phát triển công nghiệp vi mạch là có khu công nghệ cao được xây dựng từ nhiều năm trước; có các công ty hàng đầu thế giới về công nghệ, trong đó có cả vi mạch, đầu tư và hoạt động tại đây như Intel hay các công ty đến từ Nhật Bản…
Cũng ghi nhận thêm, đây không phải lần đầu tiên các doanh nghiệp vi mạch hay Hiệp hội Công nghệ vi mạch Kyushu nói riêng và Nhật Bản nói chung hay các doanh nghiệp, tổ chức bán dẫn của Mỹ đến TPHCM để tìm hiểu, tìm kiếm cơ hội hợp tác vi mạch…
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, Chủ tịch Hội Vi mạch bán dẫn TPHCM (HSIA), điều này cho thấy đối tác nước ngoài đang đặt lòng tin rất lớn vào chương trình phát triển vi mạch TPHCM và TPHCM đang đầy quyết tâm song cũng cẩn trọng chọn cho mình con đường phát triển ngành vi mạch một cách hợp lý nhất.
Hợp tác cụ thể
Trong buổi làm việc này, ngoài việc ký kết hợp tác trong quản lý, đào tạo nhân lực… giữa SIIQ với HSIA thì việc ICDREC và RADRIX ký kết hợp tác thực hiện một Design Project để thiết kế và sản xuất chip đã thể hiện sự quyết tâm phát triển vi mạch của TPHCM. Theo đó, hai bên sẽ hợp tác để thực hiện các dự án thiết lế LSI mẫu. Các chip mẫu hướng đến là chip MPW (Multi-project-wafer) ở công nghệ 65nm.
Được biết mục tiêu đầu tiên (giai đoạn 1) của dự án thiết kế là nghiên cứu thiết kế chip mẫu IEEE 802.11n 2x3 MIMO wireless LAN (chuẩn 4G). Sau đó hướng tới thiết kế Chip IEEE 802.11ac (chuẩn 5G) cũng như thành lập doanh nghiệp liên doanh nhằm thương mại hóa sản phẩm. Trong dự án này hai bên thể hiện sự tin tưởng nhau tuyệt đối vì ICDREC đóng góp bằng các lõi IP VN1632LP CPU, Ethernet MAC 10/100, các ngoại vi và đảm nhận phần ghép nối hệ thống, kiểm tra (mô phỏng và trên FPGA), Demo hệ thống... và RADRIX đóng góp các lõi IP Wifi MAC/PHY, trình điều khiển (driver), software và các nhiệm vụ phối hợp khác để tạo ra sản phẩm.
Theo ông Ngô Đức Hoàng, giám đốc ICDREC, Tổng thư ký HSIA, khi sản phẩm ra đời, thị trường Việt Nam sẽ do ICDREC chịu trách nhiệm, còn RADRIX sẽ khai thác thị trường Nhật Bản và các quốc gia khác trên thế giới. “Hiện trị giá tài sản công nghệ của 2 bên ước chừng 8 triệu USD và 2 bên đang đánh giá giá trị đóng góp công nghệ của mỗi bên để làm cơ sở tỷ lệ góp vốn cho mô hình công ty liên doanh”, ông Hoàng cho biết.
Qua đây cũng cần nói thêm, trong dự án thiết kế nói trên, hai bên đưa cho nhau công nghệ và cùng “trộn” lại với nhau, để tạo ra sản phẩm thương mại hoàn chỉnh. Tức ranh giới “bí mật công nghệ” đã không còn giữa hai bên. Phải tin nhau mới làm được điều này!
| |
BÁ TÂN