Như Báo SGGP đã thông tin, vừa qua tại vùng núi xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) xuất hiện một đàn trâu hoang (tiếng địa phương gọi trâu “lung”) điên cuồng tấn công người dân, phá hoại hoa màu của họ. Sau đó, một nhóm thợ săn được UBND xã Cam Tuyền giao nhiệm vụ luồn rừng “cột chân” đàn trâu để đưa chúng ra khỏi rừng. Chúng tôi đã theo chân nhóm thợ săn thâm nhập vùng được xem là “lãnh địa” của đàn trâu hoang...
Trâu hoang bị sập bẫy được đưa lên xe chở ra khỏi rừng
Lãnh địa trâu điên
Theo sau xe anh Hoàng Thanh Lâm, Trưởng Công an xã Cam Tuyền, chạy dọc theo con đường hầm hố hun hút luồn vào rừng, bánh xe chúng tôi không “ăn đất” nên cứ trợt lên trợt xuống mãi. Đến điểm hẹn, anh Lâm dặn dò: “Các anh đợi ở đây, lát nữa sẽ có người ra đón vào vùng đặt bẫy. Nhớ là đừng tự ý vào rừng kẻo bị trâu tấn công. Do thời hạn bắt trâu chỉ còn vài ngày nữa nên anh em trong nhóm thợ săn rất căng thẳng và hơi kín lời, vì vậy các anh cũng không nên hỏi nhiều”. Đợi khoảng 30 phút thì một người đàn ông trạc 55 tuổi bất ngờ xuất hiện sau khoảnh rừng rậm khiến chúng tôi giật mình. Đó là ông Lê Minh, trưởng nhóm thợ săn, ngụ tại thị trấn Ái Tử (Triệu Phong, Quảng Trị). Không nói gì nhiều, ông Minh ra hiệu cho chúng tôi đi theo.
Cất vội chiếc xe sang bụi cây rậm bên kia đường, chúng tôi lao theo mới kịp bước chân nhanh như sóc của người thợ rừng. Ông Minh cứ đi một quãng lại đưa ánh mắt soi xét kỹ từng vạt cây rậm, ánh mắt hết sức nghiêm trọng như đang có mối nguy hiểm rình rập khiến tôi cũng có tâm trạng rờn rợn khó tả.
Ông Minh nói nhỏ: “Đàn trâu này là hệ quả từ việc chăn thả du mục của người dân sống ven rừng. Những năm trước, khi mới lên vùng này, trâu cũng hiền lắm chứ không dữ tợn như bây giờ. Sau quá trình cứ “ăn rừng, ở rú” suốt thành ra hung tính, ai đụng tới là bạng (húc), trâu sinh đàn đẻ lứa rồi hóa thành trâu hoang. Khi núi rừng bị khai thác nhiều thì đàn trâu không còn nơi ẩn nấp, đành đi kiếm ăn ở gần nơi có dân, gặp dân vào đốn củi là tấn công…”.
Người dân mỗi khi đi làm qua những vạt rừng được cho có trâu hoang luôn hết sức lo ngại. Bởi không chỉ mới đây mà trước đó đã có nhiều người dân bị trâu hoang điên cuồng tấn công, dẫn đến tử vong. Theo anh Nguyễn Văn Dũng (Đội trưởng Đội Bắc sông Hiếu 2, thuộc 2 tiểu khu 604, 605 - Công ty Lâm nghiệp Đường 9) khoảng 10 năm về trước, tại vùng rừng này có một phụ nữ ở thôn Tân Hiệp (Cam Tuyền) khi đang đốn củi vô tình gặp đàn trâu và bị trâu tấn công đến chết. Sự việc khiến dân làng hết sức hoang mang nên mỗi khi gặp đàn trâu là tránh sang hướng khác.
Theo vết phân trâu
Càng vào sâu phạm vi đặt bẫy, cử chỉ của ông Lê Minh càng kỳ lạ hơn. Đến gần một rách cạn giữa bạt ngàn rừng cao su, ông Minh đứng khựng lại nhưng tôi vẫn nghe trong làn gió rừng từng hơi thở của ông. Lúc này ông Minh tựa như một con thú săn vậy, sống mũi đung đưa như phát hiện ra dấu vết lạ.
- “Mấy chú có ngửi thấy mùi chi không?”, nhìn thẳng vào mắt tôi, ông Minh hỏi.
- “Có! Hình như mùi phân trâu”, tôi trả lời.
Người thợ săn không đáp lại mà lặng lẽ luồn người vào rách cạn, tay mò xuống vạt đất đầy phân trâu, mũi vẫn liên hồi “đánh hơi”. Chợt gương mặt như sáng bừng lên, không thể giấu nổi cảm xúc, ông trầm trồ: “Đây rồi, dấu chân còn ấm lắm, chắc đàn trâu ở gần đâu đây thôi, chúng ta phải nhanh chóng đi qua rách cạn ni trước, không thì nguy hiểm lắm. Để bẫy được đàn trâu này cần phải xác định được từng dấu chân, dấu phân và hơi ấm của đàn trâu để lại”.
Ông Lê Minh (55 tuổi - bìa trái), trưởng nhóm thợ bắt trâu
Vừa đi, ông Minh vừa vỗ tay, miệng cất tiếng “hự... hự…” âm vang vọng khắp vùng rừng. Ông bật mí: “Mình phải làm cho trâu biết rằng có người đang ở đây. Giống trâu là vậy, làm chúng giật mình là chúng tấn công liền. Còn biết mình đang ở đây thì chúng sẽ lần lừa đi chỗ khác. Đàn trâu này tinh ranh lắm, chúng có thể ngửi được hơi người mà né sang nơi khác, chúng còn giỏi tránh bẫy nên không dễ gì bắt được đâu”.
Theo ông Minh, trước khi nhóm thợ bẫy của ông nhận bắt đàn trâu này thì đã khảo sát thực địa vùng rừng rất kỹ. Loại bẫy nhóm ông sử dụng có tên bẫy “tôi đó” tự chế bằng thép, trên cơ sở chỉ giữ chân con trâu khi bị vướng phải rồi từ từ cột chân chúng lại. “Đặt bẫy cũng cần nắm rõ quy luật, nghĩa là nên chọn những cửa rừng hoặc cửa suối đàn trâu thường qua lại. Khi đặt xong bẫy phải lấp lá ủ và đất, làm sao cho mọi thứ trở lại như trước kia. Những hôm trời mưa rất tiện cho việc đặt bẫy bởi khi đặt xong, mưa xuống là hơi người tan rất nhanh, dấu đất cũng trơ phẳng lại như trước…”.
Đi bộ gần 1 giờ, chúng tôi mới đến điểm tập kết của nhóm ông Minh. Sự có mặt của chúng tôi khiến vài thành viên trong nhóm không mấy hài lòng, bởi đang trong cao điểm phải bẫy và gấp rút bắt cho kỳ được cả đàn trâu hoang. Ông Minh phá tan bầu không khí tĩnh mịch khi lên tiếng: “Giờ phải chuyển sang cách đánh “du kích” thôi, cứ mỗi nơi đặt 5 - 7 cái bẫy. Hiện tất cả các nẻo rừng chúng tôi đã khóa chặt và vẫn đang tiếp tục đặt hết số bẫy còn lại”.
Những phương án cuối
Như đã thông tin, để tiện cho quá trình bắt gọn đàn trâu thì nhóm thợ săn yêu cầu UBND xã Cam Tuyền cho họ thời hạn 10 ngày. Theo hợp đồng, nhóm thợ săn sẽ hưởng 60% “lại quả” từ đàn trâu khi thanh lý, 40% còn lại sung công quỹ. Nếu không bắt được trâu thì nhóm thợ săn chấp nhận về tay không.
Hôm chúng tôi đến cũng là ngày cuối cùng trong hợp đồng thời hạn 10 ngày nhưng chỉ có 3 con trâu (trong đó, có một con nghé mới sinh sau hợp đồng đầu tiên - PV) bị sập bẫy và vẫn còn 6 con trong rừng. Đến lúc này, nhóm thợ bẫy phải xin chính quyền gia hạn thêm vài ngày nữa.
Bẫy “tôi đó”
Ông Lê Minh cho biết: “Do đàn trâu này trước kia từng bị dính bẫy nhiều lần nên rất giỏi né bẫy. Đặc biệt, chúng có thói quen đi ăn ban đêm, còn ban ngày tìm bụi rậm để ngủ. Trong đàn có con đầu đàn, có thể là trâu “tiền bối” (sống lâu năm) hoặc trâu đực nổi (trâu đực khỏe nhất, cai trị cả đàn) rất hung dữ. Thường mỗi lần đặt bẫy chỉ bắt được 1 - 3 con chứ không thể bắt được cả đàn. Bởi khi một con bị mắc bẫy là cả đàn tháo chạy tán loạn vào khu rừng xa phía bên kia liền”.
|
Cũng theo những thành viên trong nhóm của ông Minh, những ngày cuối cùng này nhóm thợ săn quyết định đội đèn luồn rừng cả ngày lẫn đêm để lùng sục đàn trâu, đeo mặt nạ để dọa trâu, dồn trâu vào vùng đặt bẫy. Tuy phương án này rất nguy hiểm nhưng ông Lê Minh khẳng định: “Chúng tôi đã có gần 10 năm theo nghề bắt trâu thuê nên có nhiều kinh nghiệm đón đường dồn ép trâu vào vùng đặt bẫy”.
Theo ghi nhận mới nhất của nhóm thợ săn, tại vùng rừng có cả thảy 10 con trâu hoang, hiện đã thu phục được 8 con (tính cả con nghé mới sinh vào ngày 12-8). Đến thời điểm này, chỉ còn lại 2 con trâu hoang tại vùng rừng, trong đó 1 con đã đi xa vùng kiểm soát của nhóm thợ săn. “Hiện tại chúng tôi đã chuyển sang đặt bẫy dưới nước hoặc giữa các đầm lầy. Bởi đây là 2 con trâu tinh ranh nhất trong đàn trâu, bẫy đặt ở trên cạn không thể qua mắt được chúng”, ông Lê Minh cho hay.
Trong những ngày này, tin vui từ lãnh địa trâu hoang liên hồi báo về UBND xã Cam Tuyền. Trên những khuôn mặt hoang mang trước kia của người dân xã Cam Tuyền mỗi khi vào rừng, nay đã khấp khởi hẳn lên. Đâu đó cũng có những người sẽ phải chạnh lòng khi nhìn lại cuộc theo dấu bắt trâu hoang. Vì nếu vẫn cứ giữ phong tục thả hoang gia súc trên vùng rừng thì mai sau sẽ còn nhiều trâu “điên” như thế này.
Chiều về trên những nẻo rừng loang lổ chìm dần trong bụi mưa dai dẳng. Ở nơi “lãnh địa” trâu hoang, nhóm thợ săn vẫn miệt mài tra từng cửa bẫy, họ vẫn thoắt ẩn thoắt hiện cho đến lúc siết chặt tay từ biệt chúng tôi…
NGỌC OAI