Theo đến cùng vấn đề, truy đến cùng trách nhiệm

Ngày 18-5, Hội nghị triển khai Nghị quyết 19/2016 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã được Văn phòng Chính phủ (VPCP), Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với USAID Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Triển khai Nghị quyết 19/2016 về cải thiện môi trường kinh doanh

Ngày 18-5, Hội nghị triển khai Nghị quyết 19/2016 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã được Văn phòng Chính phủ (VPCP), Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với USAID Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Doanh nghiệp hãy chủ động yêu cầu bộ máy công quyền thay đổi

Nhấn mạnh điểm khác biệt của Nghị quyết 19/2016 so với các nghị quyết 19/2015 và 19/2014 cùng về cải thiện môi trường kinh doanh, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cho biết: “Nghị quyết 19/2016 không chỉ được bổ sung nhiều nội dung mới mà còn có sự khác biệt về tổ chức thực hiện. Điều dễ nhận thấy trước tiên là sự đồng hành, theo dõi, đánh giá sát sao của Chính phủ, VPCP. Cam kết của Thủ tướng đã “thấm” xuống bộ máy, từ VPCP đến tất cả các cơ quan, cấp ngành có liên quan với tinh thần theo đến cùng vấn đề, truy đến cùng trách nhiệm”.

TS Nguyễn Đình Cung cũng thúc dục cộng đồng doanh nghiệp chủ động tham gia tích cực hơn nữa vào tiến trình cải thiện môi trường kinh doanh. “Doanh nghiệp đừng chỉ chờ đợi, hãy chủ động, kiên quyết yêu cầu bộ máy công quyền thay đổi, lấy người dân làm đối tượng phục vụ chứ không coi người dân là đối tượng kiểm tra, kiểm soát”. Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) đã tóm tắt những kết quả đạt được thông qua việc triển khai các nghị quyết 19/2014 và 19/2015; mục tiêu và những nội dung cơ bản của Nghị quyết 19-2016; những nhiệm vụ, giải pháp và cách thức triển khai thực hiện đối với từng bộ, ngành cụ thể.

Áp lực lớn đòi hỏi nỗ lực cao

Rất cụ thể, tại Nghị quyết 19/2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao 8 nhiệm vụ, Bộ Tài chính được giao 10 nhiệm vụ, Bộ Công thương được giao 8 nhiệm vụ… Theo ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Nghị quyết 19/2016/NQ-CP vẫn là thách thức mới trong cải cách hành chính. “Hiện nay, có 35% hàng hóa xuất nhập khẩu phải thực hiện kiểm tra trong quá trình thông quan tại cửa khẩu, nhưng sẽ phải giảm xuống 15% vào cuối năm nay, đây là công việc khổng lồ, không dễ thực hiện, là áp lực rất lớn đối với ngành hải quan”, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nêu.

Đại diện cho địa phương, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM thẳng thắn nhìn nhận, tuy đã có nhiều nỗ lực, nhưng thành phố vẫn chưa tạo được đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, năng lực cạnh tranh cũng chưa thật sự ổn định, thiếu bền vững. Ông Minh cho biết, với kinh nghiệm của TPHCM, sự quyết tâm của lãnh đạo, chính quyền địa phương các cấp thông qua các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp; cộng với sự chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp có ý nghĩa rất lớn quyết định năng lực cạnh tranh. “Đặc biệt, chất lượng của đội ngũ cán bộ công chức trực tiếp giải quyết công việc liên quan đến doanh nghiệp là hết sức quan trọng, vì chủ trương đúng nhưng không được thực thi nghiêm túc thì cũng không tới được doanh nghiệp”, ông Minh nói.

Công cụ cực kỳ quan trọng là Chính phủ điện tử

Phát biểu kết luận hội nghị, TS Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp khẳng định, Văn phòng Chính phủ sẽ đồng hành cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các tổ chức khác trong việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, sẵn sàng làm việc trực tiếp với các bộ về từng vướng mắc của doanh nghiệp, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, của Thủ tướng. TS Lê Mạnh Hà nhắc lại thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp ngày 29-4 vừa qua. Theo đó, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, là động lực của phát triển kinh tế.

Cùng với đó, sau vụ quán cà phê Xin Chào, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra tuyên bố rất mạnh mẽ về việc không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, giúp doanh nghiệp yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh. Theo TS Lê Mạnh Hà, các Nghị quyết 19 cùng với Nghị quyết 35 vừa được ban hành và Nghị quyết 36a năm 2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử có mối quan hệ mật thiết với nhau. Hai nghị quyết sau kế thừa và được ban hành trên nền tảng của Nghị quyết 19. “Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết 19, kinh nghiệm thành công cũng có, kinh nghiệm cho thấy hiệu lực thực thi chưa cao cũng có. Các nhiệm vụ được giao rất cụ thể, nhưng các ý kiến tại hội nghị hôm nay phản ánh là cơ chế giám sát chưa đủ mạnh”, TS Lê Mạnh Hà nhận định.

Theo TS Lê Mạnh Hà, muốn tăng cường giám sát để thúc đẩy công khai, minh bạch, thì một công cụ cực kỳ quan trọng là chính phủ điện tử; bởi “nếu không thì sẽ không có công cụ để người dân và doanh nghiệp giám sát và nếu không có giám sát thì rất dễ xảy ra tiêu cực, nhũng nhiễu”. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo yêu cầu ngay trong tháng 6, các cơ quan phải trả lời, xử lý các kiến nghị mà doanh nghiệp đã nêu tại cuộc đối thoại với Thủ tướng cuối tháng 4 vừa qua. TS Lê Mạnh Hà phát biểu: “Sau hội nghị giữa Thủ tướng và doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ đã nhận được rất nhiều kiến nghị. Tại hội nghị này, chúng tôi được nghe thêm rất nhiều ý kiến. Chúng tôi sẽ chuyển tới các cơ quan để giải quyết theo thẩm quyền và báo cáo Thủ tướng. Hy vọng các doanh nghiệp sẽ cùng theo dõi, giám sát việc trả lời, giải quyết các kiến nghị” .

 Kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết 19/2014 và 19/2015

Về chỉ tiêu khởi sự kinh doanh, Việt Nam đã cải thiện thứ hạng được 6 bậc; thời gian tiếp cận điện năng giảm được 56 ngày, cải thiện 27 bậc (dù thứ hạng vẫn thấp so với các nước ASEAN 4); nộp thuế và bảo hiểm xã hội giảm 102 giờ, tăng 4 bậc (song thứ hạng cũng còn thấp)… Đáng lưu ý, giao dịch thương mại qua biên giới giảm 1 bậc do những bất cập trong quản lý chuyên ngành, thời gian thực hiện thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu dài hơn nhiều so với Singapore, Malaysia và Thái Lan.

Riêng cấp phép xây dựng kéo dài thêm tới 52 ngày, trong khi hầu hết các chỉ số khác đều giảm thời gian hoặc cải thiện thứ bậc. Đăng ký quyền sở hữu và sử dụng tài sản cũng tăng thêm 1 thủ tục, tốn nhiều thời gian (57,5 ngày), nhiều hơn đáng kể so với các nước ASEAN 4 và còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu của Nghị quyết 2016 (14 ngày). Tiêu chí bảo vệ nhà đầu tư chưa có sự cải thiện về điểm số và thứ bậc; thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng chưa được rút ngắn (vẫn là 400 ngày), còn cách khá xa mục tiêu của NQ19/2016 là 200 ngày. Việc giải quyết phá sản doanh nghiệp cũng ở thứ hạng thấp (123/189), thời gian chưa được rút ngắn (vẫn là 5 năm), nhiều hơn đáng kể so với các nước ASEAN 4 và cách xa mục tiêu của NQ19/2016 (2 năm)…

(Trích báo cáo của CIEM)

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục