Theo dõi bé yêu từ trong bụng mẹ

Theo dõi bé yêu từ trong bụng mẹ

Bạn đang mang trong mình một mầm sống với tất cả niềm hạnh phúc, yêu thương, kỳ vọng, mong ngóng từng ngày... Ắt hẳn bạn rất muốn biết bé yêu đang lớn lên như thế nào và bạn phải làm gì để có một thai kỳ hoàn toàn thuận lợi, em bé chào đời khỏe mạnh nhất.

Bé lớn lên như thế nào trong bụng mẹ?

Thụ thai là kết quả của sự kết hợp giữa tinh trùng người cha và noãn người mẹ để tạo thành một hợp tử gọi là trứng. Thụ thai xảy ra ở 1/3 ngoài của vòi trứng, sau 3-4 ngày trứng đó di chuyển dần vào tử cung để làm tổ, khởi đầu cho sự phát triển của bào thai. Tuổi thai được tính từ ngày đầu của chu kỳ kinh cuối cùng đến ngày sinh dự kiến, trung bình là 280 ngày hay 40 tuần, hay 9 tháng 10 ngày. Thời gian mang thai chia làm 3 giai đoạn quan trọng liên quan sự phát triển và trưởng thành của thai nhi.

Thời kỳ trứng: Trong vòng 2 tuần lễ đầu, trứng sau khi được thụ tinh di chuyển vào buồng tử cung và ổn định bám chắc vào thành tử cung, tiếp tục thực hiện hoạt động phân chia một tế bào thành nhiều tế bào để tạo phôi.

Thời kỳ phôi thai: Từ tuần thứ 3 đến tuần thứ 8 sau khi thụ thai. Đây là thời kỳ sắp xếp tổ chức, hình thành các phần của thai nhi, mắt, mũi, miệng, tai ngoài, tứ chi, hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, hệ tiêu hóa đã được thành lập nhưng ít phát triển về kích thước. Bào thai 8 tuần chỉ nặng 5g, chiều dài không quá 3cm.

Thời kỳ thai nhi: Từ tuần thứ 9 sau thụ thai đến khi sinh. Đây là thời kỳ hoàn chỉnh tổ chức. Thai nhi đã có đủ các bộ phận, chỉ còn việc lớn dần lên, cân nặng tăng từ 5g cho đến 1.100g vào tháng thứ 7 và sau đó mỗi tháng tăng khoảng 700g để đến cuối thai kỳ thai nhi nặng 3.000-3.200g.

Khám thai định kỳ, cách chăm sóc bé yêu tốt nhất

Đây là một công việc vô cùng quan trọng, giúp bạn biết được sự phát triển của thai nhi cũng như sự thay đổi thể chất của chính mình. Khi có dấu hiệu mang thai, bạn nên thử thai và nên gặp bác sĩ để nhận được những hướng dẫn khoa học trong chăm sóc, theo dõi.

Theo quy định của ngành y tế, một thai kỳ bình thường cần phải được khám thai ít nhất 3 lần vào 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối. Tuy nhiên, nếu có điều kiện bạn nên khám thai đầy đủ theo lịch hẹn của bác sĩ chuyên khoa vào các mốc thời gian quan trọng, với những thai kỳ nguy cơ cao như tim sản, cao huyết áp… thì số lần khám thai còn nhiều hơn phụ thuộc tình trạng sức khỏe của mẹ và bé.

Lần khám đầu tiên: Sau khi chậm kinh, bạn cần đi khám để xác định có thai hay không, siêu âm xác định thai vào tử cung chưa, mấy thai, có tim thai chưa? Đồng thời bạn sẽ được khám tổng quát, làm một số xét nghiệm, phát hiện những bệnh lý của mẹ kèm thai như tim sản, tiểu đường, cao huyết áp… hoặc những bệnh lý phụ khoa kèm thai như khối u buồn trứng, u xơ tử cung, ung thư cổ tử cung... để được tư vấn đầy đủ cách dưỡng thai, thời gian khám thai tiếp theo, cách điều trị bệnh của mẹ (nếu có)...

Lần khám thứ 2: Không nên bỏ qua, vào giữa tuần 11-13, thời điểm siêu âm tính tuổi thai đúng nhất
(nếu thai phụ không nhớ rõ ngày kinh chót, kinh không đều...), đồng thời đo độ mờ da gáy để tầm soát bệnh Down.

Lần khám tiếp theo: Lúc thai khoảng 15-16 tuần, thăm khám các chỉ số thông thường, cân nặng, huyết áp của mẹ... theo dõi phát triển thai nhi, xét nghiệm sàng lọc Triple test để dự đoán nguy cơ bệnh Down và dị dạng nhiễm sắc thể của thai.

Vào tuần 21-22 thai kỳ: Khám và siêu âm 3D, 4D nhằm phát hiện những dấu hiệu bất thường (nếu có) về hình thể của thai nhi như sứt môi, hở hàm ếch, dị dạng các cơ quan, nội tạng. Sau giai đoạn này thai nhi quá lớn, khó phát hiện các bất thường.

Từ tháng thứ 6-7 thai kỳ: Ngoài việc thăm khám như những lần trước, theo dõi tăng cân mẹ, phát triển thai nhi, người mẹ sẽ được tiêm phòng uốn ván.

Khi thai được 31-32 tuần: Bạn sẽ được làm xét nghiệm công thức máu, thử nước tiểu, siêu âm đánh giá phát triển thai nhi. Khám chẩn đoán ngôi thai, sự tương xứng giữa cân nặng thai nhi và khung chậu người mẹ… giúp tiên lượng cuộc sanh sắp tới dễ hay khó, có nguy cơ gì...?

Bước sang tuần 36: Siêu âm màu theo dõi doppler động mạch rốn, động mạch não, động mạch tử cung, kiểm tra nước ối, dây rốn, tình trạng bám của nhau thai, dự đoán cân nặng thai nhi... Tùy tình trạng thực tế, có thể bác sĩ sẽ hẹn bạn khám thai mỗi tuần cho đến lúc sinh hoặc có thể chuẩn bị cho nhập viện, mổ chủ động khi thai đủ trưởng thành (38 tuần) đối với những trường hợp phải sinh mổ như nhau tiền đạo, ngôi mông con to, khung chậu hẹp, vết mổ lấy thai cũ… Lần khám này có ý nghĩa rất quan trọng, ngoài xác định cách thức sinh, bác sĩ sẽ tư vấn bạn nên sinh tại cơ sở y tế nào, cấp quận huyện hay cấp tỉnh thành tùy tình hình phát triển của thai.

Một thai kỳ luôn tiềm ẩn những nguy cơ, có thể thấp hoặc cao, do đó cần có sự hợp tác, hỗ trợ tốt giữa thầy thuốc và thai phụ để có kết quả cuối cùng là mẹ tròn con vuông, để bé ra đời thật khỏe mạnh. Vì vậy, bà mẹ mang thai cần đi khám thai theo đúng lịch, phải luôn được bác sĩ sản khoa khám, theo dõi thai định kỳ ngay từ khi bắt đầu mang thai.

BS CK1 Trần Thị Minh Nguyệt
 PCT HĐQT Công ty NutiFood

Tin cùng chuyên mục