(SGGPO). – Đây là thông tin được đại diện Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết sau khi Việt Nam tiếp tục ghi nhận thêm 2 trường hợp mắc bệnh do virus Zika gây ra ở Bình Dương và TP HCM, trong đó có 1 trường hợp đang mang thai.
Phụ nữ mang thai nhiễm virus Zika có nguy cơ sinh ra trẻ sơ sinh bị mắc chứng đầu nhỏ
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, ngay sau khi hệ thống giám sát dịch bệnh ghi nhận 2 trường hợp mắc nhiễm virus Zika ở Bình Dương và TP HCM, Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế TP HCM và Bình Dương điều tra ca bệnh và giám sát chặt chẽ những trường hợp nghi ngờ ở nơi bệnh nhân sinh sống và tại cộng đồng.
Đặc biệt đối với trường hợp bệnh nhân đang mang thai bị nhiễm virus Zika ở Bình Dương đã được các chuyên gia y tế tư vấn, giải thích để bệnh nhân yên tâm và tiếp tục có các theo dõi về chuyên môn trong quá trình thai nghén. Hiện tại sức khoẻ của các trường hợp này đều ổn định.
Đồng thời, Cục Y tế dự phòng cũng phối hợp chặt chẽ với Vụ Sức khoẻ Bà mẹ trẻ em để tăng cường giám sát đối với các phụ nữ mang thai có các triệu chứng nghi ngờ để có các tư vấn và khuyến cáo kịp thời. PGS.TS Trần Đắc Phu cũng cảnh báo, đối với phụ nữ mang thai nhiễm virus Zika có nguy cơ sinh ra trẻ sơ sinh bị mắc chứng đầu nhỏ. Trước đó, Thái Lan đã ghi nhận 2 trường hợp trẻ sơ sinh mắc chứng đầu nhỏ có liên quan đến virus Zika. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác định đây là những trường hợp đầu tiên mắc chứng đầu nhỏ có liên quan đến virus Zika tại khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, theo thống kê của WHO, tỷ lệ trẻ mắc chứng đầu nhỏ ở những bà mẹ bị nhiễm virus Zika trên toàn cầu là dưới 1%.
Cục Y tế dự phòng cũng chỉ rõ, nguy cơ dịch bệnh do virus Zika bùng phát, ghi nhận thêm các trường hợp mắc mới trong thời gian tới là rất cao. Bởi lẽ, hiện nay, muỗi Aedes truyền bệnh Sốt xuất huyết cũng là muỗi truyền bệnh virus Zika đang có xu hướng gia tăng. Ngoài ra sự đi lại giao lưu thuận lợi giữa các quốc gia Đông Nam Á nên nguy cơ nhiễm bệnh từ người trở về từ vùng dịch rất cao. Hơn nữa, với việc ghi nhận 5 trường hợp mắc virus Zika từ tháng 4-2016 tới nay, cùng với đó các trường hợp nhiễm virus Zika không có tiền sử đi về từ vùng dịch và là các ca bệnh riêng lẻ cho thấy, virus Zika đang lưu hành ở nước ta.
Để chủ động phòng chống bệnh do virus Zika, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực thực hiện nghiêm tục một số biện pháp như: Người đi, đến, về từ vùng có dịch bệnh do virus Zika cần chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu có biểu hiện bệnh hãy đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn, điều trị. Người đang sinh sống ở vùng có dịch bệnh hoặc từ vùng dịch trở về, cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) đang trong suốt quá trình mang thai hoặc dự định có thai, hoặc trong ít nhất 6 tháng để phòng lây truyền Zika qua đường tình dục. Người đang sinh sống ở vùng có dịch bệnh do virus Zika chủ động theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện bệnh hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị. Bên cạnh đó, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống muỗi đốt, diệt trừ muỗi và bọ gậy.
Cần lưu ý, đối với phụ nữ có thai tại vùng dịch và đi về từ vùng có dịch nếu có các triệu chứng như sốt, phát ban hoặc các dấu hiệu khác của bệnh cần đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn. Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu, đang sinh sống hoặc đã từng đến vùng có dịch mà có sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt cần được xét nghiệm phát hiện virus Zika.
MINH KHANG