Chủng virus cúm gia cầm phát hiện tại Anh là H5N8
(SGGPO). - Ngày 19-11, Cục Y tế dự phòng, cho biết, trước việc một số nước châu Âu phát hiện ổ dịch cúm A/H5N8 trên gia cầm, Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các tổ chức quốc tế tiếp tục dõi sát tình hình diễn biến dịch cúm A/H5N8 trên gia cầm và ở người để có các biện pháp ứng phó kịp thời nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Đồng thời, để chủ động các biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang người, Bộ Y tế khuyến cáo người dân: Không giết, mổ gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân. Không ăn tiết canh, không ăn thịt gia cầm chưa được chế biến kỹ. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo kịp thời cho chính quyền địa phương. Nếu xuất hiện các biểu hiện cúm có liên quan đến tiếp xúc với gia cầm, đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Theo Cục Y tế dự phòng, trong tháng 11-2014, cơ quan y tế tại Đức và Hà Lan đã thông báo ghi nhận hai ổ dịch cúm A/H5N8 tại hai trang trại gia cầm đã làm dấy lên sự quan ngại về sự lây lan của chủng virus cúm A/H5N8 tại các nước khu vực châu Âu. Đáng chú ý, kết quả xét nghiệm cho thấy virus cúm A/H5N8 tại châu Âu có cấu trúc gen tương tự như virus phát hiện ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản vào tháng 1-2014 và bắt nguồn từ sự tái tổ hợp các virus bao gồm cả virus cúm gia cầm A/H5N hiện vẫn đang lưu hành ở Châu Á.
Hơn nữa, virus cúm A/H5N8 gây tỷ lệ tử vong cao ở gà, đặc biệt là gà tây, nhưng tỷ lệ thấp hơn ở vịt (khoảng 20%) và không gây các biểu hiện ốm, chết ở vịt trời. Chủng virus cúm A/H5N8 được ghi nhận rải rác trên các đàn gia cầm và chim hoang dại từ năm 2010 đến nay tại một số nước khu vực châu Á, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Trong khi đó, thông báo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật châu Âu (ECDC), đến nay trên thế giới chưa ghi nhận trường hợp nào ở người, tuy nhiên chủng virus này có thể lây truyền từ gia cầm sang người. Người có nguy cao nhiễm chủng virus này là người trực tiếp tiếp xúc, chăm sóc, giết mổ hoặc xử lý gia cầm nhiễm bệnh. Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh trên người, nhưng người sau khi phơi nhiễm cần được theo dõi sức khỏe ít nhất 10 ngày để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh.
* Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn của Anh vừa xác nhận chủng virus cúm gia cầm phát hiện tại một trang trại vịt ở nước này giống với chủng virus phát hiện mới đây tại Hà Lan và Đức và thuộc chủng cúm H5N8. Ổ dịch cúm gia cầm tại trang trại vịt ở Đông Yorkshire được phát hiện lần này là trường hợp nghiêm trọng đầu tiên được phát hiện ở Anh kể từ năm 2008, thời điểm xảy ra dịch cúm H7N7 tại một trang trại gà gần Banbury, vùng Oxfordshire.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng ngày kêu gọi các nước đề cao cảnh giác trước nguy cơ bùng phát dịch của một chủng virus cúm gia cầm mới. Tuyên bố của WHO cho biết hiện chưa rõ loại virus này có lây lan sang người hay không, song phải rất thận trọng khi mà dự kiến số gia cầm nhiễm chủng virus này sẽ tăng lên trong thời gian tới.
Khoanh vùng ổ dịch ở Đông Yorkshire ( Anh)
Trước đó, ngày 18-11, Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc thông báo cấm nhập khẩu gia cầm của Anh và Hà Lan, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch cúm gia cầm.
Cùng ngày, nhiều cơ quan Chính phủ Na Uy đã đưa ra cảnh báo sau thông tin về các ổ dịch cúm gia cầm giống với chủng virus cúm A/H5N8 được phát hiện gần đây tại Đức và Hà Lan.
Trước đó, ngày 17-11, giới chức Ai Cập đã xác nhận trường hợp thứ hai tử vong trong năm nay do chủng virus cúm gia cầm A/H5N1, sau trường hợp đầu tiên được xác nhận hồi tháng 6. Tuy nhiên, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố cũng đã sẵn sàng vào cuộc nhằm ngăn chặn một dịch cúm gia cầm mới đang len lỏi trong một số quốc gia thành viên của tổ chức này.
NGUYỄN QUỐC - HẠNH CHI