Theo đuổi đam mê

Góp phần làm phong phú cuộc vận động xây dựng nông thôn mới ở TPHCM, hàng chục đội nhóm, câu lạc bộ đờn ca tài tử (ĐCTT) 56 xã xây dựng nông thôn mới thuộc 5 huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè và Cần Giờ đã sôi nổi tranh tài tại liên hoan đờn ca tài tử cấp huyện, cấp TP trong hai tháng 7 và 8 vừa qua. Hơn 300 tiết mục với sự tham gia của trên 800 tài tử đờn, tài tử ca, thực sự là cuộc biểu dương lực lượng rầm rộ của phong trào ĐCTT ở địa bàn nông thôn.
Theo đuổi đam mê

Góp phần làm phong phú cuộc vận động xây dựng nông thôn mới ở TPHCM, hàng chục đội nhóm, câu lạc bộ đờn ca tài tử (ĐCTT) 56 xã xây dựng nông thôn mới thuộc 5 huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè và Cần Giờ đã sôi nổi tranh tài tại liên hoan đờn ca tài tử cấp huyện, cấp TP trong hai tháng 7 và 8 vừa qua. Hơn 300 tiết mục với sự tham gia của trên 800 tài tử đờn, tài tử ca, thực sự là cuộc biểu dương lực lượng rầm rộ của phong trào ĐCTT ở địa bàn nông thôn.

Bé Thế Thanh ca bài Tre quê hương

Bé Thế Thanh ca bài Tre quê hương

Nuôi giấc mơ tài tử

Ngày chung kết liên hoan diễn ra tại Trung tâm Văn hóa thể thao xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, không ít khán giả rất xúc động khi xem tiết mục của hai anh em Duy Phong và Hoài Phong. Duy Phong ca 10 câu Phụng cầu, trong khi em trai Hoài Phong thi độc tấu guitar phím lõm bản Lưu thủy trường. Ít ai biết, đằng sau những lời ca thấm đẫm, những ngón đờn đầy lửa đam mê ấy là những tháng ngày đầy cơ cực, dấn thân cho tình yêu tài tử của hai anh em.

Duy Phong bị sốt bại liệt từ nhỏ, phải dùng nạng để tới lui. Phong bảo, anh dân rặt miền Tây nên hầu như máu tài tử đã sẵn có trong người tự lúc nào không biết. Phong chỉ nhớ rằng, đâu chừng 8, 9 tuổi là anh đã mê ca tài tử. Trưa nào cũng vậy, đến giờ có tiết mục tài tử cải lương là anh cứ ôm riết lấy cái máy catsette nhỏ xíu nghe cho bằng hết chương trình.

“Khoảng năm 17, 18 tuổi, tôi đánh liều thi ca tài tử của quận Ô Môn, Cần Thơ tổ chức. Lần đó đoạt giải, chú Việt Ấn gọi em vào tham gia sinh hoạt tại CLB ĐCTT của Trung tâm văn hóa quận Ô Môn”, Duy Phong nhớ lại. Thường xuyên sinh hoạt ở CLB, chế độ bồi dưỡng 400.000 đồng/tháng, mỗi khi có tiệc cưới hỏi, giỗ chạp, Duy Phong cũng tham gia ca hát mong kiếm thêm chút tiền. Thế nhưng, gia cảnh quá khó khăn, gánh hàng bông ở chợ của người mẹ ngày càng oằn nặng hơn khi phải gồng gánh lo cho 4 con trai. Hết lớp 12, Duy Phong đành bỏ dở dang việc học, ngày ngày phụ mẹ bán rau cải nuôi các em, tối có show thì đi ca tài tử.

Giống như anh trai, cậu em út Hoài Phong cũng thể hiện tình yêu tài tử từ khá sớm. Năm lớp 6, cha mua cho cây đờn guitar phím lõm, Hoài Phong nhớ như in cho tới giờ bởi cây đàn với cậu là món quà vô giá. Lân la làm quen với một bác chơi guitar phím lõm của một nhóm tài tử thường diễn hàng đêm ở quán ăn tại Cần Thơ, Phong xin ông theo học thêm được vài tháng nữa. Sau đó, cậu kiếm sách báo, lên internet tìm tòi tài liệu rồi tự mày mò học thêm… Cách đây gần 4 tháng, hai anh em khăn gói lên Sài Gòn vừa tìm việc làm vừa nuôi giấc mơ theo nghiệp tài tử. Ban ngày hai anh em đi bán vé số, tối nếu có show thì đi đờn ca kiếm thêm chút ít.

Ấn tượng giọng ca 11 tuổi

…Tre chứng nhân cuộc hẹn hò đêm sáng trăng, dưới bóng tre buổi tiễn đưa tiếng chia tay vương buồn lá rụng. Tre nghiêng âu yếm bến nước sân đình, vời vợi đồng xa, bạn bên cha lẻ bụi tre già. Khói lam chiều quê nhà êm đềm giăng đầy bên lũy tre xanh. Lìa quê trăm lối phương xa bước vội, nhưng vẫn thấy ấm lòng khi nhìn bóng tre quen, giọng tài tử Nguyễn Trương Thế Thanh, thành viên CLB ĐCTT xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh vừa dứt lời bài Tre quê hương (thể điệu Phụng hoàng lai nghi, tác giả Nguyễn Đình Chiến) thì dưới sân khấu những tràng pháo tay cũng vang lên không ngớt. Khỏe hơi, khá vững nhịp và chắc chữ, nếu chỉ nghe qua ít ai có thể đoán được đây là giọng của một tài tử… 11 tuổi.

Lỉnh kỉnh với giỏ quần áo, phục trang, đồ ăn, nước uống ở hàng ghế, chị Trương Ngọc Thúy, mẹ Thế Thanh mắt cười long lanh không giấu được niềm vui. Tre quê hương là một trong 4 tiết mục giành huy chương vàng về CLB ĐCTT xã Tân Kiên, Bình Chánh.

Năm 7 tuổi, đọc chữ mới rành rành một chút, chị Thúy quá đỗi ngạc nhiên khi thấy cậu con trai hay mở karaoke ca một mình mà lại toàn ca… vọng cổ. Chị Thúy người quê miền Tây, lâu nay rất mê nghe tài tử, vọng cổ, cải lương nhưng bài bản như thế nào thì quả thật chưa biết. Sau khi dò hỏi, hai mẹ con chị lần tìm đến nhà thầy Tư Hồng ở chợ Bình Chánh để xin học.

“Hồi trước, mỗi lần hai mẹ con đi sinh hoạt ĐCTT là ba bé Thanh cứ đi theo bắt con về vì sợ bé mê ca mà bỏ học. Giờ thấy con sáng dạ, học nhanh, thầy thương bạn mến nên anh ấy không cản nữa”, chị Thúy nhắc chuyện 3 năm trước. Theo học tài tử mới 3 năm nhưng Thế Thanh đã có “vốn” 3 giải nhất các kỳ thi tài tử xã và huyện…

MINH AN

Tin cùng chuyên mục