Thi công công trình dân sinh rề rà

Thời gian gần đây, nhiều quận trên địa bàn TPHCM đã triển khai việc nâng cấp hẻm, làm lại vỉa hè nhằm tạo bộ mặt mới cho đô thị. 
Thi công vỉa hè đường Nguyễn Văn Đậu (phường 6, quận Bình Thạnh)
Thi công vỉa hè đường Nguyễn Văn Đậu (phường 6, quận Bình Thạnh)
Cố gắng này mang lại phấn khởi cho người dân, tuy nhiên, cách triển khai, biện pháp thi công chưa chuyên nghiệp đã khiến người dân vất vả, than phiền.
Nâng cấp hẻm: xới lên để đó
Cả 3 tuần nay, con hẻm 1157 đường Hoàng Sa (phường 5, quận Tân Bình) dài chưa đầy trăm mét bị xới tung, lỗ chỗ như một manh áo rách. Toàn bộ mặt hẻm đã được xới lên, đổ thêm đá lên cao, rồi… để đó. Chị Châu (nhà ở đầu hẻm) khi nghe hỏi về chuyện làm hẻm, không ngại cho biết: “Trời! Tính đến hôm nay là sang tuần thứ ba rồi mà vẫn lởm chởm đá cát. Con hẻm dài chưa đầy trăm mét mà cứ phải chờ ông này ông kia, khiến bà con đi lại khó khăn vô cùng”. Sở dĩ công trình rề rà là do chờ hạ ngầm mạng điện và viễn thông. Hôm chúng tôi đến, mạng điện ngầm vào mỗi hộ đã làm xong, nhưng còn phải chờ bên viễn thông. 
Gian nan nhất là công trình nâng cấp hẻm ở đường Nguyễn Cảnh Chân (phường Cầu Kho, quận 1). Anh Hà, nhà ở hẻm TK 21, cho hay: “Họp tổ dân phố, phường thông báo nâng cấp hẻm, lắp đặt đường cấp nước và thoát nước mới, dân chỉ phải chịu tiền đường ống từ trong nhà ra cống mới. Nghe vậy ai cũng mừng, nhưng rồi làm quá lâu. Dắt xe ra vào rất cực do đường lởm chởm đá, mấy hôm trời mưa lớn thì còn khổ hơn”. Tương tự, các hẻm TK 17 và TK 18 cũng bị bóc lên, bày ống cống và xà bần chất đống chiếm hết mặt đường hẻm, đi bộ hay đi xe đều khó. Một anh xe ôm ngay đầu hẻm TK 30 cho biết, hẻm đã đặt cống xong gần 2 tháng qua nhưng đến nay vẫn chưa tái lập. 
Làm vỉa hè: dở khóc dở cười 
Gần tuần nay, vỉa hè đường Nguyễn Văn Đậu (phường 6, quận Bình Thạnh) đang được làm mới. Chủ một hộ kinh doanh ngay góc Nguyễn Văn Đậu - Lam Sơn kể: “Sáng sớm mở cửa hàng, thấy vỉa hè trước nhà bị bóc lên, sâu chừng 2 - 3 tấc. Hỏi mấy anh công nhân mới biết là làm vỉa hè mới. Tối bóc lên rồi sáng để đó, muốn dắt xe ra vào cũng khó, nói gì đến buôn bán”. Mấy cửa hàng bán thực phẩm, thức ăn sáng phải nhờ người đưa xe khách đi gửi chỗ khác, có tiệm phải nghỉ hẳn do “đường hào” án ngữ phía trước nhà. Một số hộ kinh doanh khác phải đặt ván bắc cầu để khách có thể dắt xe ra vào cửa hàng. Cửa hàng thực phẩm Satrafood nhộn nhịp là vậy, giờ vắng teo vì khách đến không biết gửi xe ở đâu. Chủ một cửa hàng ăn nói: “Làm vỉa hè mới là mừng lắm vì đường này không có vỉa hè. Nhưng cứ ngỡ 2 ngày là xong, vậy mà đến ngày thứ ba vẫn còn nguyên, hóa ra họ đang tập kết đá ốp vỉa, vậy là còn lâu”.   
Tại phường 8, quận 3, quận đang thi công nâng cấp vỉa hè đường Hai Bà Trưng, đối diện chợ Tân Định. Khu vực này tập trung các hộ kinh doanh mua bán vải sợi. Một thanh niên bán tại cửa hàng số 331 cho hay: “Nhà nước bỏ kinh phí làm toàn bộ, tiểu thương không phải đóng góp gì cả nên cũng mừng. Ngặt nỗi, không chỉ làm vỉa hè mà còn đưa đồng hồ nước ra phía trước mỗi nhà và đặt ống cáp nên mới lâu. Vỉa hè bị bóc lên nên khách cũng ngại vào. Chiều 3-7, ngay trước hộ số 333 Hai Bà Trưng, khi thi công đã làm bể đường ống nước, việc khắc phục đã ít nhiều ảnh hưởng đến kinh doanh”. 
Làm mới bộ mặt đô thị, từ hẻm nhỏ đến vỉa hè, là mong muốn của người dân lẫn chính quyền địa phương. Giá như đơn vị thi công tính toán kỹ phương án, biện pháp thi công nhanh, gọn, giảm bớt ảnh hưởng đến việc đi lại, môi trường kinh doanh của người dân thì sẽ tốt hơn.

Tin cùng chuyên mục