Luật An toàn thực phẩm (ATTP) quy định trách nhiệm quản lý lĩnh vực ATTP được phân công cho 3 ngành nông nghiệp, công thương và y tế để đảm bảo công tác quản lý được chặt chẽ và liên tục từ khâu sản xuất nguyên liệu đến chế biến và phân phối, tiêu thụ. Để công tác triển khai luật được kịp thời và hiệu quả, TPHCM đã thành lập Ban chỉ đạo Liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).
Hoàn thiện bộ máy điều hành
Với sự hình thành của Ban Chỉ đạo, công tác điều hành của TP trong lĩnh vực ATTP đã có nhiều thuận lợi và hiệu quả. Trong 6 tháng đầu năm 2015, Ban Chỉ đạo đã tham mưu UBND TPHCM ban hành và trực tiếp ban hành nhiều công văn, kế hoạch chỉ đạo để triển khai thực hiện kịp thời các hoạt động đảm bảo VSATTP. Các cơ quan, đơn vị trực thuộc như Ban Quản lý Đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn” và các sở, ngành cũng ban hành hàng chục văn bản chỉ đạo và triển khai thực hiện.
Hoạt động triển khai thực hiện các đề án, chương trình nâng cao hiệu quả công tác ATTP đã được Ban Chỉ đạo điều phối kịp thời, hợp lý giúp các ngành phối hợp đồng bộ, thực hiện đồng loạt nhiều mô hình, dự án. Có thể kể đến mô hình chợ thí điểm ATTP, Đề án Chuỗi thực phẩm an toàn và Dự án Lifsap nâng cao năng lực ngành chăn nuôi TP được triển khai đồng loạt, thực hiện đầu tư nâng cấp chuồng trại, khu vực kinh doanh tại các chợ, xử lý môi trường, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh, hình thành các phòng thí nghiệm, kiểm tra chất lượng sản phẩm…
Nhiều siêu thị đã có khu vực ưu tiên bày bán các loại thực phẩm đạt chuẩn VietGAP, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân (Ảnh: THANH TẤN)
Công tác cải thiện hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố được tập trung đẩy mạnh. Đến nay, TP đã xây dựng được 2 phường điểm, kiểm soát điều kiện ATTP đối với cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố là phường 2 (quận 4) và phường Tân Thành (quận Tân Phú). Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đang tiếp tục triển khai xây dựng thêm 2 phường điểm là phường 2 (quận 3) và phường An Lạc (quận Bình Tân) vào cuối năm 2015, góp phần bảo đảm ATTP và giúp tiểu thương, người kinh doanh thực hiện kinh doanh theo hướng văn minh, tiện lợi, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Song song đó, các sở, ngành đã thực hiện cấp 2.996 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, 1.624 giấy công bố phù hợp quy định và hàng trăm giấy công bố hợp quy, giấy quảng cáo sản phẩm, giấy xác nhận nội dung hội thảo, hội nghị, chứng nhận VietGAP cho 10 tổ chức, cá nhân với tổng diện tích 8,99 ha diện tích canh tác. Sản lượng dự kiến 1.078,03 tấn/năm, nâng tổng số hộ đã được chứng nhận VietGAP còn hạn trên địa bàn TP là 438 tổ chức, cá nhân tương đương 194,58 ha diện tích canh tác.
Về kiểm soát dư lượng, chất độc hại tại vùng nuôi thủy hải sản, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản phối hợp Cơ quan Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nam bộ, Trung tâm vùng chất lượng nông lâm sản và thủy sản vùng 4 triển khai thực hiện Chương trình kiểm soát dư lượng chất độc hại tôm nuôi và Chương trình kiểm soát thu hoạch nhuyễn thể 2 mảnh vỏ trên địa bàn huyện Cần Giờ và Nhà Bè, thực hiện cấp 255 giấy chứng nhận xuất xứ nhuyễn thể.
Tổ chức nhiều lớp giáo dục, tuyên truyền
Bên cạnh công tác chỉ đạo, điều hành, các sở - ngành liên quan đã tích cực triển khai công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và trách nhiệm của nhà sản xuất, kinh doanh đối với vấn đề VSATTP. Theo số liệu từ 3 cơ quan Sở Y tế, Nông nghiệp và Công thương đã nỗ lực thực hiện treo 1.386 băng rôn; phát 4.430 tờ rơi; 101.982 tờ gấp, bướm về ATTP và tổ chức tuyên truyền 30 áp phích ATTP cho nguyên liệu thủy sản tại cơ sở thu mua. Phát cẩm nang hướng dẫn các điều kiện đảm bảo chất lượng, ATTP trong sản xuất, sơ chế, chế biến trong lĩnh vực rau, củ, quả; cấp 1.128 đĩa CD tuyên truyền 10 thông điệp không VSATTP, 15 khẩu hiệu về đảm bảo ATTP, 11 khẩu hiệu tuyên truyền đảm bảo ATTP nhân dịp tháng hành động vì ATTP năm 2015 đến tận tuyến phường - xã và các chợ trên toàn địa bàn TP.
Nhiều chương trình phóng sự trên báo, đài, mạng internet cung cấp thông tin liên quan đến ATTP để cảnh báo cho người dân về vấn đề ngộ độc thực phẩm, chuỗi rau an toàn, ATTP đối với phụ gia thực phẩm… Đồng thời, có hơn 5.040 lượt phát thanh chương trình bác sĩ của bạn: Nguy cơ từ thức ăn công nghiệp; chung tay phòng chống dịch, cách nhận biết gia cầm sạch, phát loa hàng đêm nhắc nhở thương nhân, người kinh doanh tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm về việc tuân thủ các điều kiện bảo đảm ATTP và chất lượng sản phẩm thực phẩm…
Ban Chỉ đạo cũng đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp như treo banner trên các tuyến đường chính, các siêu thị, trung tâm thương mại, tại 3 chợ đầu mối và các chợ truyền thống tuyên truyền không sử dụng phụ gia, hóa chất ngoài danh mục cho phép; chọn lựa rau sạch, thịt sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ để đảm bảo an toàn cho bữa ăn gia đình; ăn chín, uống sôi, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng để đảm bảo VSATTP; tổ chức 926 lớp tuyên truyền, phổ biến kiến thức ATTP cho hơn 51.272 người tham dự. Các hoạt động thông tin, tuyên truyền được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, dễ hiểu, dễ tiếp cận góp phần nâng cao kiến thức, ý thức của người sản xuất - chế biến - kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm. Tổ chức hơn 700 lớp tập huấn và cấp giấy chứng nhận kiến thức ATTP cho hơn 50.000 đối tượng đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm, tập trung vào các nội dung tập huấn Luật ATTP; Nghị định 178/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP; kiến thức về đảm bảo ATTP; công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và các biện pháp thực hiện đảm bảo VSATTP trong kinh doanh; điều kiện đảm bảo ATTP trong sơ chế, kinh doanh rau củ quả, thịt gia súc gia cầm, thủy sản…
Ngoài ra, công tác tuyên truyền cũng đã nhận được sự tham gia, phối hợp tích cực của Hội Liên hiệp Phụ nữ TP, thực hiện chỉ đạo Hội Phụ nữ 24 quận, huyện triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì VSATTP năm 2015 cho toàn thể hội viên với chủ đề: “Sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn” đã góp phần to lớn nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền.
Nhìn chung, với vai trò điều phối, chỉ đạo chuyên môn, Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP đã hướng dẫn các sở, ngành liên quan chủ động phối hợp, tham mưu cho UBND TP và thực hiện theo chức trách các kế hoạch, biện pháp bảo đảm ATTP trên địa bàn kịp thời, hiệu quả. Cùng với công tác tuyên truyền, giáo dục được triển khai rộng rãi, dưới nhiều hình thức phong phú và đa dạng, đặc biệt là các đợt cao điểm Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì ATTP đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, ý thức chấp hành các quy định về ATTP của các cơ sở sản xuất - kinh doanh thực phẩm, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong việc lựa chọn các sản phẩm thực phẩm an toàn, kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm, góp phần kéo giảm các vụ vi phạm pháp luật, nâng cao chất lượng sống cho người dân.
NGUYỄN NGUYÊN PHƯƠNG