Thí điểm nuôi tôm thẻ chân trắng ở ĐBSCL: Mới thành công đã “xé rào”

Nhiều nơi “xé rào”!
Thí điểm nuôi tôm thẻ chân trắng ở ĐBSCL: Mới thành công đã “xé rào”

Tháng 10-2008, không ít nông dân vùng bán đảo Cà Mau phấn khởi đón nhận thông tin: 13ha tôm thẻ chân trắng (TTCT) tại xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn – Cà Mau vừa thu hoạch cho năng suất trên dưới 10 tấn/ha, lợi nhuận bình quân 100 triệu đồng/ha sau 3 tháng nuôi. Chỉ “cộng nhẩm” quy hoạch của các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre đã gần 30.000ha nuôi TTCT từ nay đến năm 2010. Chuyện phát triển nuôi TTCT là cần thiết. Nhưng phát triển với quy mô nào, hậu quả của nó ra sao khi phát sinh dịch bệnh cần phải được cân nhắc.

Nhiều nơi “xé rào”!

Thật ra, chuyện nuôi TTCT đã được Bạc Liêu nuôi thí điểm cách đây 7 năm. Thời điểm đó, Công ty NTTS Duyên Hải (100% vốn nước ngoài) đã nuôi thử nghiệm TTCT. Lúc bấy giờ TTCT được gọi là tôm Nam Mỹ. Tuy nhiên, sau khi thu hoạch, người nuôi không có lãi do giá thị trường thấp, chi phí sản xuất cao... mọi chuyện coi như “quên lãng”. Và 2 năm trở lại đây, khi nguồn nguyên liệu tôm sú ĐBSCL liên tục rớt giá vì thiếu sức cạnh tranh với TTCT, chuyện nuôi TTCT lại “nóng” lên ở ĐBSCL.

Thí điểm nuôi tôm thẻ chân trắng ở ĐBSCL: Mới thành công đã “xé rào” ảnh 1

Thu hoạch tôm thẻ chân trắng ở Cà Mau.

Đến tháng 10-2008, Bạc Liêu đã thả nuôi hơn 50 ha TTCT tại thị xã Bạc Liêu, đã thu hoạch 20ha, năng suất bình quân đạt từ 8-12 tấn/ha. Với giá thành từ 48.000 - 50.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lợi nhuận từ 80 - 100 triệu đồng/ha. Sau thành công nuôi thí điểm TTCT ở xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn, Cà Mau đã tổ chức hội thảo nhằm cung cấp cho bà con nuôi tôm và cán bộ quản lý nuôi trồng thủy sản những thông tin cơ bản về TTCT như: đặc điểm sinh học, khả năng thích ứng môi trường, tư vấn kỹ thuật nuôi và thận trọng trong phát triển nuôi TTCT.

Tuy nhiên, trước hiệu quả kinh tế khá cao nhiều nông dân Cà Mau có ý định chuyển từ tôm sú sang nuôi TTCT, không tuân thủ khuyến cáo của ngành chức năng. Điều này hết sức nguy hại nếu làn sóng “nhà nhà nuôi TTCT” diễn ra ồ ạt trên đồng đất Cà Mau. Vì hiện nay, Cà Mau chưa đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng, con giống, trang thiết bị, quản lý dịch bệnh và nhất là nông dân chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật tay nghề đối với TTCT. Trong khi đó, TTCT có ưu điểm nhưng cũng có những nhược điểm như cũng dễ bị nhiễm các bệnh giống tôm sú và có hội chứng bệnh Taura. TTCT có thể gây nhiễm bệnh sang các đối tượng nuôi bản địa, nếu không thận trọng, phát triển tràn lan, tự phát sẽ ảnh hưởng đến các đối tượng thủy sản mà Cà Mau đang tập trung nuôi.

Thận trọng với TTCT

“Làn sóng” nuôi TTCT ồ ạt, tự phát đang nhen nhóm. Bởi trên thực tế sản xuất, hễ thấy cây gì, con gì trồng và nuôi có hiệu quả kinh tế là nông dân lập tức làm theo, đầu tư phát triển ồ ạt, bất chấp những khuyến cáo, quy định của ngành chức năng. Họ thiếu sự tính toán sản phẩm làm ra bán ở đâu? Ai mua? Giá bao nhiêu? Nhu cầu thị trường? Có rủi ro không?... Đầu tháng 10-2008, tại Sóc Trăng đã thả nuôi khoảng 150ha TTCT, trong đó có hơn 70ha nằm ngoài quy hoạch. Tại Cà Mau, hàng chục hộ nuôi TTCT đã “xé rào” thả nuôi gần 10ha ngoài vùng quy hoạch. Bạc Liêu cũng có gần 50ha thả nuôi TTCT ngoài vùng quy hoạch.

Hiện nay, “làn sóng” nuôi TTCT theo hình thức quảng canh đang âm ỉ trong nông dân và trước nguy cơ bùng phát ồ ạt, vượt khả năng kiểm soát của ngành chức năng và địa phương. Bằng chứng là trên quốc lộ 1A thuộc địa bàn ấp 1, xã Tắc Vân, thành phố Cà Mau, Thanh tra Sở Thủy sản tỉnh Cà Mau vừa kiểm tra và thu giữ hơn 600.000 con giống TTCT vận chuyển trái phép. Số tôm giống này từ tỉnh Bạc Liêu chuyển về, khi kiểm tra không có giấy kiểm dịch, giấy xét nghiệm con giống, nhãn hiệu in trên bao bì là tôm sú giống, nhưng bên trong là con giống TTCT. Đây là tín hiệu đáng lo ngại cho việc nuôi TTCT ồ ạt, tràn lan trong nông dân, vượt kế hoạch quy hoạch phát triển của tỉnh Cà Mau.

Tại Bạc Liêu, hiện có trên 100.000ha nuôi tôm, trong đó, 90% diện tích nuôi tôm theo hình thức quảng canh. Năm 2008, tỉnh Bạc Liêu mở rộng diện tích nuôi tôm công nghiệp lên hơn 11.000ha. Nhưng đến nay vào gần cuối vụ, diện tích nuôi tôm công nghiệp chỉ đạt gần 8.000ha, tập trung chủ yếu ở thị xã Bạc Liêu và huyện Hòa Bình. Tại Cà Mau cũng gần 500ha nuôi tôm sú công nghiệp không đạt hiệu quả phải chuyển sang nuôi quảng canh cải tiến. Nguyên nhân diện tích nuôi tôm công nghiệp không đạt kế hoạch do chi phí tăng cao, giá tôm giảm, rủi ro lớn. Vì thế, người dân chuyển phần diện tích nuôi tôm công nghiệp sang nuôi trồng các loại thủy sản khác như TTCT…

Tôm sú chết hàng loạt, các vùng nuôi công nghiệp ở ĐBSCL đang co cụm lại. Giá nguyên liệu tôm sú giảm mạnh, dịch bệnh phát sinh, hệ thống thủy lợi yếu kém… đang làm nhiều nông dân điêu đứng và nản lòng. Việc nuôi thí điểm thành công TTCT là “tia hy vọng” cho người dân vùng nước mặn. Nhưng hệ lụy của nó sẽ nặng nề hơn “hoàn cảnh” của tôm sú hiện nay. Việc siết chặt quản lý vùng nuôi TTCT, tuân thủ theo lộ trình quy hoạch là hết sức cần thiết để tránh những hậu quả khó lường về sau.

Cao Phong – Huy Tấn – Nguyễn Trần

Tin cùng chuyên mục