Thi sáng tác biểu trưng Chương trình bình ổn thị trường

Bình ổn thị trường, ổn định lòng dân

Ngày 27-12-2013 vừa qua, UBND TPHCM có Quyết định số 7107/QĐ-UBND về ban hành Kế hoạch tổ chức Cuộc thi Sáng tác biểu trưng (logo) Chương trình Bình ổn thị trường thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, cuộc thi chính thức được phát động giai đoạn 2 (giai đoạn 1 phát động vào tháng 6-2013), hạn chót nhận tác phẩm dự thi là ngày 5-3-2014.

Bình ổn thị trường, ổn định lòng dân

Hơn 10 năm qua, thành phố Hồ Chí Minh đã và đang triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho người dân thành phố. Với mục tiêu tạo nguồn hàng hóa dồi dào, tham gia cân đối cung cầu thị trường, đảm bảo chất lượng với giá cả phù hợp, tạo sự lan tỏa dẫn dắt thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho người dân thành phố kể cả trong trường hợp xảy ra biến động thị trường; thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, ổn định đầu ra, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp an tâm đầu tư phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ, mở rộng thị trường trong nước, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển các phương thức bán hàng hiện đại như thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến... đa dạng hóa hệ thống phân phối, ưu tiên tại các quận ven, huyện ngoại thành, các khu chế xuất, khu công nghiệp; hàng hóa trong Chương trình được phân phối đến người tiêu dùng, nhất là người dân tại các xã, phường của quận ven, huyện ngoại thành, công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu lưu trú công nhân trên địa bàn thành phố.

Nếu như nhìn lại thời điểm năm 2008, Chương trình chỉ thực hiện bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán một số nhóm mặt hàng lương thực - thực phẩm thiết yếu, số lượng doanh nghiệp tham gia Chương trình là 6 doanh nghiệp với 248 điểm bán, thì đến năm 2011, Chương trình đã thực hiện bình ổn xuyên suốt cả năm thêm 4 nhóm mặt hàng (các nhóm mặt hàng thiết yếu lương thực - thực phẩm thiết yếu, các nhóm mặt hàng đồ dùng, dụng cụ học tập phục vụ mùa khai trường, nhóm sản phẩm dược và nhóm sản phẩm sữa); đồng thời, số lượng doanh nghiệp tham gia chương trình đã tăng lên 36 doanh nghiệp với 3.215 điểm bán. Tiếp nối thành công đó, bước sang năm 2013, chương trình tiếp tục thực hiện thực hiện bình ổn thị trường xuyên suốt trong năm trên 4 nhóm mặt hàng; số lượng doanh nghiệp tham gia chương trình là 64 doanh nghiệp với 7.579 điểm bán (tăng 7.331 điểm bán so với năm 2008). Ngoài ra, đây cũng là năm lần đầu tiên thành phố triển khai chương trình không sử dụng nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước như các năm trước mà tổ chức kết nối doanh nghiệp với ngân hàng. Đến nay, đã có 5 ngân hàng đang triển khai gói tín dụng 1.960 tỷ đồng có lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp thuộc Chương trình Bình ổn thị trường vay.

Song song với thành tựu trên, Chương trình Bình ổn thị trường đã có những tác động tích cực, mạnh mẽ đến chính sách kinh tế vĩ mô của chính quyền thành phố, cụ thể: tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ, năm 2012, thành phố đạt là 539.245 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với năm 2008 (244.635 tỷ đồng); Đồng thời, chỉ số giá tiêu dùng năm 2012 là 4,07%, giảm hơn 4 lần so với năm 2008 (18,08%). Trong năm 2013, chỉ số giá tiêu dùng của thành phố là 5,2%, thấp hơn mức bình quân so với cả nước.

Ngoài ra, Chương trình còn tích cực phát triển mạng lưới điểm bán hàng bình ổn thị trường nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của bà con vùng sâu, vùng xa tại các quận ven - huyện ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất. Năm 2013, chương trình thực hiện 1.232 chuyến bán hàng lưu động. Bên cạnh đó, thời điểm năm 2008, việc phân phối hàng hóa trong Chương trình Bình ổn thị trường tại những khu vực này còn gặp nhiều khó khăn do mạng lưới điểm bán còn chưa phát triển, việc lưu thông hàng hóa chủ yếu thực hiện qua chuyến bán hàng lưu động; tuy nhiên, đến nay, tại các quận ven, huyện ngoại thành (các huyện: Cần Giờ, Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi; các quận: 2, quận 9, Bình Tân, Thủ Đức và Tân Phú) đã có 811 điểm bán cố định bình ổn thị trường gồm 21 siêu thị, 96 cửa hàng tiện lợi, 83 điểm trong chợ truyền thống và 611 điểm bán trong khu dân cư.

Như vậy, Chương trình Bình ổn thị trường thành phố đã đóng vai trò quan trọng trong công tác cân đối cung cầu thị trường, thúc đẩy hàng hóa trong nước lưu thông, phân phối đến người dân tại các vùng ven ngoại thành. 

Thi Sáng tác biểu trưng (logo) 

Nhằm giúp người tiêu dùng nhận diện và tăng cường trách nhiệm của các doanh nghiệp có sản phẩm tham gia Chương trình Bình ổn thị trường, đồng thời hạn chế các hành vi lợi dụng tên tuổi, thương hiệu của Chương trình để gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của Chương trình; Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Cuộc thi Sáng tác mẫu nhằm chọn biểu trưng cho Chương trình Bình ổn thị trường (phát động đợt 1 vào tháng 6-2013). Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan nên vẫn chưa chọn được mẫu biểu trưng phù hợp cho Chương trình Bình ổn thị trường thành phố.

Vì vậy, Sở Công thương TPHCM và các sở - ngành liên quan đã chính thức phát động đợt 2 vào tháng 1-2014, có thời hạn chính thức cuối cùng để thí sinh nộp bài 5-3-2014 nhằm tiếp tục tạo điều kiện cho các thí sinh đủ điều kiện có thể tham gia.

Các tác phẩm dự thi phải đảm bảo các tính cơ bản như: Tính biểu trưng, tính thẩm mỹ và tính khả thi… Bên cạnh đó, do Chương trình Bình ổn thị trường có vai trò như là một công cụ điều tiết nền kinh tế của thành phố nên tác phẩm dự thi cần phải thể hiện rõ tính kinh tế. Vì vậy, tác giả thiết kế biểu trưng Chương trình Bình ổn thị trường thành phố cần ưu tiên lựa chọn những hình tượng mang ý nghĩa tượng trưng nền kinh tế của thành phố (ví dụ: chợ Bến Thành) thay vì dùng những hình tượng khác cũng nói về thành phố Hồ Chí Minh như Bến Nhà Rồng, Nhà thờ Đức Bà, Trụ sở UBND TPHCM, Dinh Thống nhất… Ngoài ra, tác phẩm dự thi cũng nên thể hiện ý nghĩa, hình ảnh của hàng hóa có chất lượng đảm bảo nhưng giá cả phải chăng; sự đảm bảo sự cung cầu thị trường luôn luôn ổn định.

Thí sinh dự thi có thể nộp tối đa 3 tác phẩm do chính mình sáng tác nhưng các tác phẩm phải khác nhau về họa tiết, đường nét thiết kế… Đồng thời, chịu trách nhiệm về bản quyền tác phẩm, Ban Tổ chức không chịu trách nhiệm đối với tranh chấp liên quan đến bản quyền tác phẩm dự thi. Thí sinh có thể xem thông tin Thể lệ Cuộc thi Sáng tác biểu trưng Chương trình Bình ổn thị trường Thành phố và nghiên cứu mục đích - ý nghĩa, nội dung, kết quả thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường thành phố Hồ Chí Minh thông qua các tư liệu do Sở Công thương cung cấp hoặc tham khảo tại website: http://www.congthuong.hochiminhcity.gov.vn/  hoặc tại website của Báo Sài Gòn Giải Phóng http://www.sggp.org.vn

  • Mọi thắc mắc có liên quan đến Cuộc thi, xin vui lòng liên hệ:

Phòng Quản lý Thương mại - Sở Công thương TPHCM, địa chỉ: 163 Hai Bà Trưng, phường 6, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.

Điện thoại: (08) 38.296.389 - (08) 38.291.670

Email: handung.sct@gmail.com

HÀN DŨNG

Tin cùng chuyên mục