Thi sĩ Hoàng Cầm quay về lãng đãng bến sông xa

Nghe tin đồng nghiệp báo thi sĩ Hoàng Cầm vừa trút hơi thở cuối cùng vào lúc 9 giờ sáng ngày 6-5-2010, trong tôi nhen lên chút cảm giác nghèn nghẹn. Không phải sự ngạc nhiên, cũng không phải sự nuối tiếc, mà giống sự đắng đót rối bời. Cách đây 5 năm, tôi ghé thăm đã thấy sức khỏe ông rất yếu. Hình ảnh tác giả của những bài thơ lừng lẫy nằm co ro trong tấm chăn mỏng nơi một căn gác nhỏ, khiến tôi không khỏi xót xa.
Thi sĩ Hoàng Cầm quay về lãng đãng bến sông xa

Nghe tin đồng nghiệp báo thi sĩ Hoàng Cầm vừa trút hơi thở cuối cùng vào lúc 9 giờ sáng ngày 6-5-2010, trong tôi nhen lên chút cảm giác nghèn nghẹn. Không phải sự ngạc nhiên, cũng không phải sự nuối tiếc, mà giống sự đắng đót rối bời. Cách đây 5 năm, tôi ghé thăm đã thấy sức khỏe ông rất yếu. Hình ảnh tác giả của những bài thơ lừng lẫy nằm co ro trong tấm chăn mỏng nơi một căn gác nhỏ, khiến tôi không khỏi xót xa.

Đành rằng, trời cho sống thêm một ngày là phúc đức thêm một ngày, nhưng cuộc chống chọi giữa Hoàng Cầm và không gian cô độc vắng lặng xung quanh có lẽ đã quá sức chịu đựng của ông. Gặp khách tri âm, Hoàng Cầm gắng gượng ngồi dậy đọc thơ, đôi mắt ươn ướt thỉnh thoảng ứa lệ và chất giọng ngọt mềm đứt quãng của ông cứ ám ảnh tôi về buổi hoàng hôn tài hoa sầu muộn.

Hôm tao ngộ ấy, Hoàng Cầm lặp đi lặp lại câu nói “Bây giờ một ngày dài quá!” vẫn làm tôi xao xác mỗi lần nhớ lại. Và từ đó đến nay, cũng chính câu nói gần như nỗi tuyệt vọng kia đã ngăn bàn chân tôi mỗi khi có dịp ra Hà Nội dự định ghé qua số 43 Lý Quốc Sư tìm ông. Thực sự tôi ái ngại nếu thoáng gặp nét mặt nửa mê nửa tỉnh của ông trong chập chờn câu thơ “sao xót xa như rụng bàn tay” mà ông đã viết từ năm 1948!

Nhà thơ Hoàng Cầm.

Nhà thơ Hoàng Cầm.

Năm 26 tuổi, bài thơ “Bên kia sông Đuống” đã đưa chàng trai Bùi Tằng Việt, có bút danh Hoàng Cầm, lên hàng thi sĩ tiêu biểu nhất trong kháng chiến chống Pháp. 62 năm trôi qua, bao thế hệ người Việt đã được nâng niu, được sưởi ấm bằng những lời thơ nồng nàn: “Ai về bên kia sông Đuống/ Cho ta gửi tấm the đen/ Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên… Ai về bên kia sông Đuống/ Có nhớ từng khuôn mặt búp sen/ Những cô hàng xén răng đen/ Cười như mùa thu tỏa nắng… Chưa bán được một đồng/ Mẹ già lại quẩy gánh hàng rong/ Bước cao thấp trên bờ tre hun hút/ Có con cò trắng bay vùn vụt/ Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu?/Mẹ ta lòng đói dạ sầu/ Đường trơn mưa lạnh mái đầu bạc phơ”. Và công chúng có quyền tin rằng, bài thơ “Bên kia sông Đuống” sẽ tiếp tục thay mặt Hoàng Cầm ở lại với nhân gian.

Không chỉ kiến tạo sông Đuống “một dòng lấp lánh, nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”, Hoàng Cầm còn sáng tác ra một thứ lá không có trên đời, mà ngày nay đã trở thành biểu tượng tình yêu: Lá Diêu Bông! Nhạc sĩ Trần Tiến mượn chiếc lá độc đáo này để kêu gọi kế hoạch hóa gia đình “lấy chồng sớm làm gì, để lời ru thêm buồn”, còn thần thái “Lá Diêu Bông” của Hoàng Cầm tiệm cận một thứ tình yêu khác, mê hoặc hơn, quyến rũ hơn, huyền ảo hơn: “Từ thuở ấy/ Em cầm chiếc lá/ đi đầu non cuối bể/ Gió quê vi vút gọi/ Diêu bông hời…ới diêu bông…!”.

Hoàng Cầm luôn tin thơ đến từ một xứ sở mầu nhiệm. Ông không ngần ngại thổ lộ rằng, những bài thơ thành công nhất của ông đều nhờ ghi chép lại từng câu, từng chữ như vọng về từ một giọng đọc bí ẩn. Phương pháp làm thơ kỳ diệu của Hoàng Cầm có lẽ tôi và nhiều người không thể cắt nghĩa được rõ ràng. Tuy nhiên, đọc chính thơ ông, chúng ta dễ dàng nhận ra những mối tình đeo đẳng suốt cuộc đời nhà thơ.

Phía sau mỗi bài thơ của Hoàng Cầm đều mờ tỏ bóng hình một người phụ nữ nết na, cam chịu. Mối tình chị - em không chỉ xuất hiện trong “Lá Diêu Bông” mà vẫn “dan díu” trong nhiều bài thơ khác của Hoàng Cầm.

Thật lạ, mối tình chị - em luôn bật ra những câu thơ đẹp ngơ ngác và buồn day dứt thường trực tự tấm lòng si mê của Hoàng Cầm, khi níu kéo khoảnh khắc “Chị em xanh” nức nở: “Vậy thì Em ngắt quãng tân hôn/ Theo Chị lùa mưa đuổi nắng buồn/ Hai đứa lung linh lơi yếm áo/ Thuyền trăng dềnh sã cánh cô đơn”, khi ngoảnh lại trò chơi “Cây tam cúc” thảng thốt: “Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm/ Em đừng lớn nữa Chị đừng đi/ Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa/ Ổ rơm thơm đọng tuổi đương thì”.

Với vóc dáng mảnh mai và mái tóc bạc trắng, Hoàng Cầm nhẹ nhàng bước qua 89 tuổi đời, nhiều vinh hiển mà cũng lắm thiệt thòi. Mỗi người có một cách nhìn về ông, nhưng ai cũng phải thừa nhận số phận lãng du và phiêu bồng của ông đã góp cho hành trang tinh thần chúng ta những câu thơ đắm đuối.

Lúc xa vắng “Về với ta”, Hoàng Cầm tự nhủ: “Ta con phù du ao trời chật chội/ đứng cánh bèo đo gió lặng tìm sao”. Nhưng trái tim ngây ngất của ông chưa bao giờ dửng dưng với cõi người bằng thái độ “Nếu anh còn trẻ” giăng mắc duyên nợ: “Nếu có ngày mai anh trở gót/ Quay về lãng đãng bến sông xa/ Thì em còn đấy hay đâu mất?/Cuối xóm buồn teo một tiếng gà…”.

Sinh ra và lớn lên ở miền quê quan họ, Hoàng Cầm đã đi cùng dân tộc suốt chiều dài “Bên kia sông Đuống”, và biết đâu hôm nay bước sang một thế giới khác ông sẽ tìm được “Lá Diêu Bông” mà ông hằng mường tượng? Bởi lẽ, với Hoàng Cầm, sự sống luôn “Nguyên hình ảo vọng” chấp chới hiện thực và huyễn mộng: “Khi lửa khói tàn đêm, dòng sông êm ái/ Tôi lại gặp em, tưởng tháng năm dài chững lại/ Em vẫn thế… thon cây mềm trái/ Tóc hong chiều còn óng tuổi mơ xanh”

LÊ THIẾU NHƠN

Tin cùng chuyên mục