Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga:
Từ ngày 1-8, thí sinh trên cả nước bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 1 vào các trường đại học. Đợt xét tuyển này kéo dài trong 20 ngày, mỗi thí sinh có 4 nguyện vọng để đăng ký vào 4 ngành khác nhau của 1 trường. Để bảo đảm thuận lợi cho thí sinh, Bộ GD-ĐT đã có nhiều hướng dẫn cụ thể. Phóng viên Báo SGGP tiếp tục trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga (ảnh), làm rõ thêm vấn đề xét tuyển.
* Phóng viên: Bộ GD-ĐT đã rà soát lần cuối đối với công tác xét tuyển đại học thế nào, thưa Thứ trưởng?
* Thứ trưởng BÙI VĂN GA: Tới ngày 31-7, các trường đã hoàn thành thông báo điều kiện xét tuyển. Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn rất chi tiết những thông tin các trường cần thông báo tới học sinh. Ngày 1-8 thí sinh bắt đầu nộp hồ sơ và cứ 3 ngày/lần, các trường công khai thống kê danh sách thí sinh nộp hồ sơ vào trường mình. Thí sinh tham khảo các thông tin đó để xem mình có khả năng trúng tuyển hay không, quyết định rút hồ sơ hay để lại trường… Bộ GD-ĐT cũng đã công bố lũy kế của các khối thi để các em biết mình có bao nhiêu bạn cùng điểm với mình để phán đoán được. Chúng tôi cũng đã có văn bản “gỡ rối” rất cụ thể cho thí sinh về xét tuyển.
* Bộ GD-ĐT đã công bố điểm sàn đại học năm 2015 là 15 điểm, cao đẳng là 12 điểm. Các trường đã công bố ngưỡng điểm nộp hồ sơ, trong đó nhiều trường công bố ngưỡng đầu vào đúng bằng “điểm sàn” của Bộ GD-ĐT. Thứ trưởng có bình luận gì?
* Chúng tôi đã khuyến cáo các trường cần nêu cao trách nhiệm xã hội trong việc xác định ngưỡng đầu vào. Nếu “điểm sàn” vào trường của các trường cứ chung chung là bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT thì rất khó khăn cho thí sinh. Tuy nhiên, đó chỉ là khuyến cáo của bộ, còn nghe hay không là quyền của các trường. Trong bối cảnh này, các thí sinh cần lưu ý: các trường đã công bố ngưỡng điểm nộp hồ sơ, nhưng không phải ngưỡng điểm đó là trúng tuyển. Vì trường sẽ lấy từ trên xuống. Cho nên các em phải theo dõi thường xuyên trên trang điện tử của các trường để đưa ra quyết định nộp hồ sơ xét tuyển “chắc ăn” nhất.
* Vì điểm xét tuyển của các trường sẽ từ cao xuống thấp nên thí sinh sẽ phải “ngắm nghía” rất lâu mới nộp hồ sơ. Vậy Bộ GD-ĐT có tính đến trường hợp vào những ngày cuối của đợt 1 xét tuyển, thí sinh nộp hồ sơ dồn dập sẽ có thể gây quá tải như vừa qua việc truy cập điểm thi bị “nghẽn mạng”?
* Trong đợt nộp hồ sơ đầu tiên, chủ yếu các em nộp hồ sơ xét tuyển là bản cứng. Bộ khuyến khích và sẽ có một số trường xét tuyển trực tuyến. Nhưng chắc chắn sẽ không có tình trạng “nghẽn mạng”, gây quá tải vì thí sinh bắt buộc phải gửi bản cứng phiếu đăng ký xét tuyển tới trường, vì các em chỉ có một giấy báo kết quả thi để nộp.
* Những ngày qua có tình trạng thí sinh chưa biết điểm thi THPT mà đã có giấy báo đậu ĐH-CĐ. Còn trong ngày đầu nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển, có trường cấp ngay giấy báo trúng tuyển cho thí sinh. Như vậy là sai hay đúng?
* Với trường hợp thí sinh chưa biết điểm thi THPT mà đã có giấy báo đậu ĐH-CĐ thì các trường đã sai quy chế. Ngoài ra, quy chế quy định rõ là không được gửi giấy báo cho những em không nộp hồ sơ xét tuyển trường mình. Các trường có thể gửi quảng cáo hoặc thư mời. Còn nếu gửi giấy báo trúng tuyển là sai, các trường sẽ bị xử lý theo đúng quy định của Quy chế tuyển sinh.
Với những trường cấp ngay giấy báo trúng tuyển cho thí sinh trong ngày đầu xét tuyển thì cần làm rõ 2 trường hợp. Nếu là trường xét tuyển theo đề án riêng thì phải tuân thủ đúng đề án mà Bộ GD-ĐT đã thẩm định. Trường hợp này trường vừa xét dựa trên học bạ, vừa dựa trên điểm thi thì không sai. Còn nếu là trường xét tuyển dựa theo kết quả thi THPT quốc gia thì phải tuân theo quy chế, tức là đợt 1 xét tuyển có 20 ngày để thí sinh nộp hồ sơ, sau đó trường xét tuyển từ trên xuống dưới. Nếu thuộc diện này mà trường cấp giấy báo trúng tuyển ngay là sai quy chế trầm trọng. Bộ GD-ĐT sẽ kiểm tra các trường hợp báo đăng.
* Các trường đều đã được giao chỉ tiêu tuyển sinh nhưng thực tế vẫn có chuyện “du di” vượt quá chỉ tiêu. Năm nay, việc này sẽ được xử lý thế nào?
* Với chỉ tiêu tuyển sinh, Bộ GD-ĐT sẽ kiểm tra 2 bước. Bước đầu tiên là đăng ký. Vừa rồi, chúng tôi đã rà soát đăng ký của các trường dựa trên điều kiện đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất theo Thông tư 57. Bộ cũng đã nhắc nhở các trường khai không đúng phải điều chỉnh lại đăng ký cho phù hợp. Những trường vượt quá cao thì bộ giành quyền ấn định chỉ tiêu, không cho các trường chủ động đăng ký. Sau khi các trường đăng ký tuyển sinh rồi chúng tôi lại tiếp tục kiểm tra một lần nữa. Có trường không tuyển đủ chỉ tiêu đã đăng ký, lại có trường tuyển vượt. Trường hợp tuyển vượt chỉ tiêu bộ sẽ xử lý bằng cách trừ chỉ tiêu năm sau; phạt hành chính; bộ giành quyền ấn định chỉ tiêu không cho các trường tự xác định chỉ tiêu…Tôi khẳng định, điểm sàn mà Bộ GD-ĐT đã công bố bảo đảm số dư rất nhiều, cho nên nguồn tuyển sẽ không thiếu. Các trường tùy theo năng lực, sức hút của mình tuyển học sinh.
* Xin cảm ơn Thứ trưởng!
PHAN THẢO (thực hiện)