Thị trường bán lẻ: Doanh nghiệp nội chịu nhiều thua thiệt

Đây là khẳng định của nhiều chuyên gia tại hội thảo “Thị trường bán lẻ Việt Nam, cơ hội và thách thức” do Bộ Công thương tổ chức tại Hà Nội vào trung tuần tháng 5 vừa qua, nhằm “mổ xẻ” các vấn đề liên quan đến phát triển thương mại nói chung và thương mại bán lẻ hàng hóa và dịch vụ nói riêng.
Thị trường bán lẻ: Doanh nghiệp nội chịu nhiều thua thiệt

Đây là khẳng định của nhiều chuyên gia tại hội thảo “Thị trường bán lẻ Việt Nam, cơ hội và thách thức” do Bộ Công thương tổ chức tại Hà Nội vào trung tuần tháng 5 vừa qua, nhằm “mổ xẻ” các vấn đề liên quan đến phát triển thương mại nói chung và thương mại bán lẻ hàng hóa và dịch vụ nói riêng.

Người dân chọn mua hàng hóa tại Siêu thị Big C. Ảnh: CAO THĂNG

Khó chồng khó

Theo PGS-TS Nguyễn Thừa Lộc, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, năm 2008 (năm đầu tiên Việt Nam gia nhập WTO - PV), Việt Nam lọt vào danh sách thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Nhưng ngay sau đó bị rớt hạng liên tục. Đến năm 2015, Việt Nam xếp thứ 41/50 quốc gia và nằm trong tốp 10 thị trường bán lẻ kém hấp dẫn các nhà đầu tư thế giới.

Bình luận về việc sụt giảm mức độ hấp dẫn các nhà đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam, một chuyên gia cho rằng có nhiều nguyên nhân, một trong những lý do đó chính là kinh tế khó khăn và người tiêu dùng vẫn tiếp tục “thắt lưng, buộc bụng”. Tuy nhiên, trên thực tế, cuộc đua đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam đang là đề tài nóng bỏng, trong đó phần thắng thuộc về các nhà bán lẻ nước ngoài, với hàng loạt thương vụ mua lại các chuỗi siêu thị tại Việt Nam.

Đi vào thực tế, các doanh nghiệp (DN) bán lẻ trong nước đang trong tình trạng “khó chồng khó”, đặc biệt là việc tiếp cận các nguồn vốn để phát triển hệ thống. Theo phân tích của PGS-TS Nguyễn Thừa Lộc, ngay với DN bán lẻ lớn như Saigon Co.op hiện chỉ có 1.000 tỷ đồng vốn tự có, tức là chỉ đủ 15% - 20% nhu cầu kinh doanh, còn lại phải đi vay. Trong khi đó, lãi suất cho vay ở Việt Nam vẫn ở mức từ 7% - 11%/năm, gấp 2 - 3 lần so với lãi suất của các nước khác trong khu vực như Philippines là 2,2%/năm; Malaysia là 2,1%/năm, DN bán lẻ Việt Nam không thể cạnh tranh được với các DN nước khác.

Số liệu từ Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cũng cho thấy, DN Việt Nam hiện mất tới 40,8% lợi nhuận do nộp thuế. “Tỷ trọng thuế trên lợi nhuận mà DN Việt Nam phải nộp thấp hơn một số nước như Mỹ, Trung Quốc, nhưng cao hơn rất nhiều nước trong khu vực. Cụ thể, tỷ lệ này tại Singapore là 18,4%, Campuchia 21%, Thái Lan khoảng 27,5%, Indonesia 29,7%, Hàn Quốc là nước phát triển và có cách tính thuế phức tạp nhưng tổng thu thuế cũng chỉ chiếm 33% lợi nhuận của DN. Với tỷ lệ này, thuế “ăn” hết lợi nhuận của DN, không thể còn nguồn để đầu tư tái mở rộng kinh doanh, khó có thể có nguồn lực cạnh tranh với DN nước ngoài. Ngoài ra, các DN nội còn chịu thêm những chi phí khi thực hiện nhiệm vụ chính trị như phục vụ thị trường nông thôn, chống bão lụt… Những hoạt động này nếu không có sự hỗ trợ hợp lý của các địa phương thì chắc chắn DN sẽ bị lỗ hoặc không có lợi nhuận cho những chuyến hàng đó”, ông Nguyễn Thừa Lộc nói.

Tính toán của ông Lê Huy Khôi, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công thương), chỉ ra rằng doanh số bán lẻ của DN nhà nước hiện chỉ chiếm khoảng 10%, DN ngoài quốc doanh chiếm 86%, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm khoảng 4%. Đáng lưu ý, tuy các điểm bán lẻ của DN FDI chỉ khoảng 90 điểm trong tổng số siêu thị cả nước, song do quy mô lớn nên doanh số bán ra tại một điểm lại gấp 3 - 4 lần, thậm chí 7 - 8 lần so với một điểm của siêu thị nội. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của Việt Nam chắc chắn sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới cho thị trường bán lẻ, nhưng DN trong nước sẽ phải chịu sức ép rất lớn từ cạnh tranh với các nhà bán lẻ quốc tế.

Hỗ trợ phải thực chất

 

* Theo số liệu của Bộ Công thương, cả nước hiện có hơn 700 siêu thị, 132 trung tâm thương mại cùng hàng trăm ngàn cửa hàng tiện lợi, tiệm tạp hóa. Năm 2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 3.242.900 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2014. Xét theo ngành kinh doanh, bán lẻ hàng hóa năm 2015 đạt 2.469.900 tỷ đồng (khoảng 120 tỷ USD), chiếm 76,2% tổng mức và tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2014.

Theo tính toán, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa dự báo tăng lên 180 tỷ USD vào năm 2020, với khoảng 1.200 - 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm.

 

Trước những ý kiến lo ngại việc DN ngoại thâu tóm thị trường bán lẻ, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhìn nhận, để thúc đẩy hệ thống phân phối nội địa, Nhà nước cần phải có ưu đãi về vị trí mặt bằng, vốn vay… Nhưng có một thực tế là nhiều nhà bán lẻ trong nước đã nhận được rất nhiều ưu đãi của Nhà nước và phát triển lớn mạnh, sau đó lại tự đi bán mình cho các nhà bán lẻ quốc tế. Đơn cử như trường hợp của Phú Thái đã bán lại hệ thống phân phối cho một tập đoàn nước ngoài.

Để cải thiện tình hình, nâng cao năng lực cạnh tranh và giữ thị phần bán lẻ, ông Lê Huy Khôi khuyến nghị các DN bán lẻ cần tận dụng, khai thác có hiệu quả những phân khúc thị trường có lợi thế, như loại hình siêu thị chuyên doanh của Trần Anh, Thế giới di động, FPT đã thực hiện thành công, khai thác tốt tiềm năng của chợ truyền thống để bán lẻ. Bên cạnh đó, cần tập trung nghiên cứu kinh doanh theo phát triển chuỗi cửa hàng tiện ích, tiện lợi phục vụ từng khu dân cư, từng khu vực thị trường. Liên kết chuỗi sản xuất - cung ứng thật chắc chắn trên thị trường nội địa cũng là vấn đề hết sức cấp bách. Nếu không có nền sản xuất nội địa tốt thì khó có cơ hội phát triển trên thị trường bán lẻ và cạnh tranh với DN ngoại. Cần tạo ra liên kết vùng, liên kết sản xuất - phân phối, phân phối - phân phối, bán buôn - bán lẻ sẽ giúp giảm giá thành và hàng sản xuất được đảm bảo về nguồn đầu ra, tránh tình trạng lãng phí.

Cũng theo ông Khôi, Chính phủ xem xét có chính sách ưu đãi đối với DN bán lẻ Việt Nam như dành vị trí thuận lợi kèm chính sách giá thuê hợp lý, các loại thuế, vốn và lãi suất phù hợp, điều chỉnh cơ chế chính sách thông thoáng. Đối với nhà bán lẻ nước ngoài, ông Khôi cho rằng, trong việc giao đất, cho thuê đất, Nhà nước cần ràng buộc cụ thể với nhà bán lẻ nước ngoài như DN hoạt động có lãi, nộp thuế ít nhất 3 năm mới được chuyển nhượng và trong trường hợp bán lại cần ưu tiên bán cho Việt Nam.

TS Nguyễn Thanh Bình, Học viện Ngân hàng, cũng đề xuất Nhà nước cần phải tạo điều kiện cho các DN bán lẻ Việt Nam mở rộng chuỗi sản xuất cung ứng trên toàn bộ các thị trường. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường, giảm thiểu tối đa tình trạng buôn lậu hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, tạo điều kiện cho hàng thật, hàng sản xuất trong nước có thêm cơ hội để phát triển. Quản lý đúng và đủ trên mọi thị trường bán lẻ, cả bán lẻ hiện đại lẫn truyền thống nhằm tiến tới một nền kinh tế công bằng giữa người mua và người bán, giữa các DN.

Để thúc đẩy thị trường bán lẻ nói chung, các DN bán lẻ trong nước cùng phát triển thì cần một chính sách tổng hòa, trong đó các biện pháp hỗ trợ phải đi vào thực chất, tránh tình trạng hỗ trợ chung chung như thời gian vừa qua. Nếu không làm tốt việc phát triển hệ thống phân phối, các DN trong nước sẽ khó có thể chen chân vào “miếng bánh” 180 tỷ USD trong những năm tới. Đây là quy luật của hội nhập, mở cửa thị trường, ai nắm hệ thống phân phối, người đó có quyền quyết định đến sản xuất.

UYỂN CHI

Tin cùng chuyên mục