
Theo kết quả khảo sát mới đây của tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới AT Kearney (Hoa Kỳ), Việt Nam hiện là thị trường bán lẻ hấp dẫn thứ 4 trên thế giới và được dự báo là “miền đất hứa” để các tập đoàn phân phối đa quốc gia tràn vào. Trước tình hình này, các nhà kinh doanh phân phối và bán lẻ Việt Nam đã ngồi lại với nhau thảo luận những giải pháp tăng sức cạnh tranh để cùng phát triển.
Các “đại gia”: đáng gờm

Thị trường bán lẻ VN sẽ diễn ra sự cạnh tranh khốc liệt. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại Siêu thị Hà Nội.
Theo phân tích của giới kinh doanh, với một thị trường gần 84 triệu dân, có mức tăng trưởng GDP hàng năm trên 8% và tổng tiêu dùng lên đến vài chục tỷ USD trong những năm gần đây, Việt Nam đang là điểm đến lý tưởng của các tập đoàn phân phối đa quốc gia. Đại diện nhiều tập đoàn tư vấn bất động sản quốc tế cho rằng, sức hấp dẫn còn do mức giá cho thuê các trung tâm thương mại tại Việt Nam khá rẻ và linh động. Ngoài ra, Việt Nam còn là cửa ngõ dẫn tới một số thị trường như Ấn Độ, Trung Quốc, Campuchia và Lào. Tốc độ gia tăng trong đầu tư của các tập đoàn bán lẻ và kinh doanh siêu thị gần đây cho thấy một tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực này tại Việt Nam. Theo Bộ Công Thương, thị trường bán lẻ của Việt Nam mỗi năm đạt doanh thu hơn 30 tỷ USD, có tốc độ tăng trưởng đến 30%/năm, với gần 85% người dân thành thị ở khu vực phía Nam thường xuyên mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại.
Trên thực tế, trước khi Việt Nam là thành viên WTO, nhiều tập đoàn phân phối lớn đã có mặt tại Việt Nam như Metro Cash & Carry (Đức), Bourbon (Pháp), Parkson thuộc tập đoàn Lion (Malaysia), Zen Plaza (Nhật Bản), Diamond Plaza (Hàn Quốc)... Số liệu từ Bộ Công Thương cho hay, các nhà bán lẻ nước ngoài này hiện đã chiếm khoảng 10% thị phần trong nước. Ngoài ra, theo Bộ KH-ĐT, hiện đã có thêm nhiều tập đoàn đa quốc gia khác bày tỏ ý định xâm nhập thị trường Việt Nam, như Wal-Mart (Hoa Kỳ), Carefour (Pháp) và Tesco (Anh), cùng nhiều tập đoàn châu Á như Dairy Farm (Hồng Công) và South Asia Investment (Singapore). Trong số này, Wal-Mart là đối thủ đáng gờm nhất bởi doanh thu hàng năm của tập đoàn này lớn gấp 3 lần GDP của Việt Nam. Người ta cho rằng khi Wal-Mart đặt địa điểm ở đâu, thì trong vòng bán kính 3 km sẽ không còn một cửa hiệu bán lẻ nào trụ lại nổi.
Doanh nghiệp trong nước: yếu thế
Doanh thu bán lẻ từ hệ thống phân phối hiện tại của Việt Nam chiếm chưa tới 10%, thị trường bán lẻ trong nước vì phần lớn hệ thống phân phối còn rất non trẻ. Chính vì thế, làm sao để kênh phân phối trong nước không bị các “đại gia” bán lẻ nước ngoài thôn tính là vấn đề đang được quan tâm. Theo cam kết WTO, hiện nay đang cho phép liên doanh với số vốn nước ngoài chiếm 49%. Từ 1-1-2008, cho phép liên doanh không hạn chế vốn góp từ phía nước ngoài, và từ 1-1-2009, cho phép thành lập doanh nghiệp bán lẻ 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Nghĩa là, chỉ trong 1-2 năm tới, nếu các doanh nghiệp trong nước không nhanh chóng tự đổi mới chính mình, vượt qua thách thức để nâng cao sức cạnh tranh thì việc thua ngay trên “sân nhà” là điều khó tránh khỏi.
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp bán lẻ trong nước hiện nay là thiếu tính chuyên nghiệp, hoạt động nhỏ lẻ, rời rạc, thiếu vốn và thiếu cả tính liên kết. Mặt khác, hiện ở Việt Nam chưa có hệ thống đào tạo chuyên ngành về bán lẻ. “Đứng đầu một chuỗi siêu thị, tôi muốn đi học về cách quản lý nhưng không tìm được chỗ học!” -ông Nguyễn Ngọc Hòa, Tổng Giám đốc Saigon Co.op than thở. Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện gần 2/3 các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam chưa sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vấn đề quảng bá hình ảnh và PR cũng ở mức sơ khai…
Trong phân phối thương mại, mối quan hệ giữa nhà sản xuất và nhà bán lẻ là rất quan trọng. Thế nhưng, nói như bà Nguyễn Thị Hồng Hương, Tổng Giám đốc chuỗi siêu thị Vinatex Mart, “dù có nỗ lực tìm đến với nhau, nhưng mối quan hệ này vẫn còn nhiều bất cập”. Theo bà Hương, hiện vẫn còn tình trạng nhà bán lẻ “chèn ép” nhà sản xuất và ngược lại, nếu có cơ hội nhà sản xuất cũng sẵn sàng phá vỡ cam kết với nhà bán lẻ để vụ lợi trước mắt. Tất nhiên, những điểm yếu này không phản ánh 100% bức tranh của doanh nghiệp bán lẻ trong nước. Hiện nay, trước áp lực cạnh tranh, đã có một số doanh nghiệp tự đổi mới mình, hoặc bắt tay hợp tác với doanh nghiệp khác để cùng phát triển. Sự kiện các doanh nghiệp phân phối hàng đầu Việt Nam gồm Satra, Hapro, Saigon Co.op và Tập đoàn Phú Thái hồi đầu năm nay liên kết thành lập Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hệ thống phân phối Việt Nam (VDA) với số vốn lên đến 6.000 tỷ đồng, là ví dụ điển hình cho xu hướng này.
Để không thua trên “sân nhà”
Trong bối cảnh như vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần có chính sách để hỗ trợ doanh
nghiệp trong nước, nhất là về đất đai. Tuy nhiên, ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định: Việt Nam đã gia nhập WTO và có lộ trình thực hiện cam kết rất cụ thể. Vì thế, không thể nào lại có ưu đãi riêng cho doanh nghiệp trong nước. Còn theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, rất cần thiết tạo lập một môi trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng cho các nhà bán lẻ tại thị trường Việt Nam.
“Nhà nước không cần trợ cấp, mà nên điều tiết bằng chính sách vĩ mô. Cụ thể là sớm có quy hoạch mạng lưới bán lẻ ở tất cả các tỉnh, thành phố” -Tổng Giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Ngọc Hòa kiến nghị. Theo ông Hòa, quy hoạch này cần làm rõ nhiều loại hình khác nhau trong phân phối như siêu thị, đại siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng giảm giá… Đồng thời, xác định cụ thể nơi nào sẽ ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước, nơi nào kêu gọi đầu tư. Bên cạnh đó, khi đấu giá quyền sử dụng đất ở các vị trí thuận lợi, cần dựa trên quy hoạch chứ không phải mức giá. Ông Hoàng Thọ Xuân cũng đồng tình rằng sẽ đẩy nhanh công tác quy hoạch, dành diện tích thỏa đáng, vị trí phù hợp cho doanh nghiệp bán lẻ trong nước. Tuy nhiên, ông Xuân cho rằng, trong quy hoạch này không thể xác định hàng Việt Nam sẽ chiếm thị phần bao nhiêu trong “chiếc bánh” bán lẻ. Vì thế, “doanh nghiệp trong nước phải đổi mới, sản xuất ra hàng hóa chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả rẻ thì mới cạnh tranh nổi” - ông Xuân nói.
Nhiều người tỏ ra lạc quan với việc Hiệp hội bán lẻ Việt Nam sắp được thành lập. Qua hiệp hội, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội hợp tác, học hỏi kinh nghiệm với nhau nhiều hơn. Mặt khác, đây sẽ là kênh quan trọng giải quyết vấn đề vốn đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp.
Bảo Minh


