Thị trường bánh Trung thu 2015: Tăng trưởng đều, sức mua không giảm

Theo số liệu thống kê không chính thức, mùa Trung thu 2015, các doanh nghiệp (DN) dự kiến tung ra sản lượng khoảng 5.000 tấn bánh các loại. Theo tính toán, nếu giá bán bình quân khoảng từ 400.000 - 500.000 đồng/hộp thì người Việt Nam đang chi khoảng 2.000 - 2.250 tỷ đồng để mua bánh. Điều đáng lưu ý, tốc độ tăng trưởng sản xuất của thị trường bánh trung thu từ nhiều năm qua vẫn đạt mức bình quân từ 10% - 15%, bất chấp kinh tế khó khăn.
Thị trường bánh Trung thu 2015: Tăng trưởng đều, sức mua không giảm

Theo số liệu thống kê không chính thức, mùa Trung thu 2015, các doanh nghiệp (DN) dự kiến tung ra sản lượng khoảng 5.000 tấn bánh các loại. Theo tính toán, nếu giá bán bình quân khoảng từ 400.000 - 500.000 đồng/hộp thì người Việt Nam đang chi khoảng 2.000 - 2.250 tỷ đồng để mua bánh. Điều đáng lưu ý, tốc độ tăng trưởng sản xuất của thị trường bánh trung thu từ nhiều năm qua vẫn đạt mức bình quân từ 10% - 15%, bất chấp kinh tế khó khăn.

Sản lượng tăng

Thị trường bánh trung thu năm nay tiếp tục có sự góp mặt của trên 50 thương hiệu với hàng trăm chủng loại bánh khác nhau, từ cao cấp đến bình dân. Trong đó, chiếm thị phần áp đảo, phải kể đến thương hiệu Kinh Đô với mức dự kiến sản xuất năm 2015 khoảng 3.000 tấn bánh các loại. Kế đến là Bibica với 500 tấn bánh, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Số còn lại chia cho các nhà sản xuất khác trên cả nước, gồm cả các công ty chuyên sản xuất bánh kẹo công nghiệp, các DN sản xuất bánh tươi, cơ sở sản xuất hộ gia đình, đến nhà hàng khách sạn, tiệm bánh cà phê..., như: Thành Long, Hữu Nghị, Đồng Khánh, Hỷ Lâm Môn, Như Lan, Phúc Long, ABC, Đức Phát, Thu Hương, Tous Les Jours, Fresh Garden, New World, Sofitel, Windsor, Equatorial, Shang Palace, White Palace, REX, Nhà hàng Đồng Khánh…

Bánh Trung thu đa dạng, giá hợp lý (Ảnh: Cao Thăng)

Dù không có tiệm bày bán chính thức, hoặc không có thương hiệu, nhưng tại TPHCM còn có khá nhiều tiệm bánh gia đình, chỉ nhận sản xuất thủ công theo đơn đặt hàng của những khách hàng quen, với số lượng hạn chế. Giá bán các loại bánh được sản xuất theo dạng này thấp hơn nhiều nhưng chất lượng và hương vị chắc chắn các thương hiệu nổi tiếng sẽ không thể sánh bằng.

Thống kê về kết quả kinh doanh mùa Trung thu năm 2014 cho thấy, chiếm hơn 90% thị phần bánh trung thu ở TPHCM thuộc về 4 nhãn hàng lớn là Kinh Đô, Bibica, Đại Phát, Givral với các phân khúc chất lượng và mức giá nhắm vào những đối tượng tiêu dùng khác nhau. Tuy không cạnh tranh “ra mặt” với 4 ông lớn nêu trên, nhưng các nhãn hàng khác như Như Lan, Hỷ Lâm Môn, SweetHome Bakery, Brodar, ABC đang tiếp thị mạnh mẽ để tăng thị phần, với sản lượng mỗi nhãn hàng tính ra cũng hàng trăm tấn. Riêng nhãn hàng bánh Trung thu Thành Long, với thế mạnh thâm niên gần 70 năm, lại chiếm được nhiều cảm tình của các kênh phân phối lớn như Big C, Citimart-Aeon, Lottemart, từ chính việc không ngừng hoàn thiện về chất lượng, hương vị và bao bì, mẫu mã.

Nhìn vào sản lượng bánh Trung thu bán ra tăng dần theo từng năm, có thể thấy dù kinh tế Việt Nam những năm qua còn nhiều khó khăn, thì việc tiêu thụ bánh trung thu vẫn tăng trưởng đều đặn từ 10% - 15%/năm. Ông Nguyễn Xuân Luân, Phó Tổng Giám Đốc Công ty Kinh Đô Bình Dương hy vọng: “Trung thu năm nay diễn ra trong bối cảnh các lĩnh vực như bất động sản, tài chính - chứng khoán hay các ngành dệt may, thủy hải sản… đều đang phục hồi tốt và trên đà phát triển. Do vậy, dự báo thị trường trung thu sẽ tăng trưởng và sức mua tiếp tục tăng cả ở phân khúc thưởng thức biếu tặng của người tiêu dùng cũng như phân khúc biếu tặng của khối cơ quan, DN”.

Cùng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy, Chủ cơ sở bánh mứt Thành Long cho hay, dù mới bước vào mùa vụ nhưng sản lượng bán ra cũng như đơn hàng của Thành Long đã tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

...Và giá cũng tăng

Những năm gần đây, mỗi mùa trung thu đến là dịp để các thương hiệu bánh chào hàng những sản phẩm mới. Trong đó, việc tận dụng tối đa các loại mứt trái cây để làm nhân bánh đang trở nên phổ biến như các vị mứt dâu, mứt chanh mật ong, mứt cam, mứt Kiwi… chế biến theo phong cách ẩm thực đa dạng, lạ miệng; bánh được làm từ các nguyên liệu truyền thống như mứt củ sen, mứt vỏ bưởi, mứt củ năng, cà phê, xoài, trái cây sấy tổng hợp nhằm tạo sự khác biệt cho người sử dụng.

Theo đó, dòng bánh trung thu dinh dưỡng cao cấp cho người sợ béo, ngọt, ăn kiêng và tiểu đường, bánh trung thu chay… cũng được các DN rất chú trọng và liên tục thay đổi nhân bánh để tạo ra nhiều hương vị. Xu hướng sản xuất bánh trung thu tươi (hay còn gọi là bánh nóng) cũng đang được các thương hiệu như Bibica, Thành Long… sản xuất thử nghiệm. Thế mạnh của loại bánh này là mềm, thơm ngon nhưng do thời hạn bảo quản từ 15 đến 20 ngày (trong khi bánh truyền thống để được từ 40 - 50 ngày) nên các DN chưa thể sản xuất đại trà mà chỉ dừng lại ở các đơn đặt hàng. Vẫn trên nền chiếc bánh trung thu truyền thống, bánh trung thu rau câu là một biến tấu độc đáo khiến nhiều người tiêu dùng trẻ thích thú.

Về giá bán, nhìn chung giá bánh trung thu năm nay tăng khoảng 5% -10% so với năm trước. Theo các DN, nếu năm ngoái giá nguyên liệu đầu vào có sự biến động rất lớn thì năm nay lại ổn định. Nhưng nguyên nhân khiến giá bánh tăng là do chi phí đầu vào từ điện, nước, vận chuyển, nhân công… đều tăng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, việc đầu tư nhiều cho đổi mới bao bì, chủng loại, đã làm cho giá bánh đội lên. Cụ thể loại bánh trọng lượng 220 - 250gram, 2 trứng, vỏ hộp giấy cứng có giá khoảng 450.000 - 520.00 đồng/hộp, tăng khoảng 50.000 - 70.000 đồng/hộp so với nãm 2014...

Chủ một DN không giấu giếm khi cho biết, giá thành và giá bán đến tay người mua 1 chiếc bánh thường tăng 4 - 5 lần. Chẳng hạn, một hộp bánh trung thu giấy cứng cắt laser có giá trên 500.000 đồng, thì vỏ hộp và các bao bì đã chiếm từ 97.000 - 98.000 đồng (khoảng 20%), chiết khấu cho khâu phân phối khoảng 30% - 35%, các chi phí cho quảng cáo, tiếp thị, thuê mặt bằng... đã khiến giá chiếc bánh đội lên khá cao.

Cũng theo chủ DN này, giá bánh tăng do các khoản chi phí tăng hay vì một nguyên nhân nào khác thì người tiêu dùng vẫn là người cuối cùng phải trả cho phần tăng thêm này. Còn nhà sản xuất vẫn có thể cầm được mức lãi ròng khoảng 20% sau mỗi mùa trung thu. Điều này có thể lý giải trong nhiều năm gần đây, thị trường bánh trung thu thường khởi động từ rất sớm, thậm chí một số nhãn hàng còn sản xuất quanh năm để duy trì lượng khách, cũng như ngày càng có nhiều DN tham gia kinh doanh bánh trung thu.

HẢI HÀ - THẢO NGA

Tin cùng chuyên mục