
9 tháng qua, TP Đà Nẵng đã cấp giấy phép cho 20 dự án đầu tư FDI với tổng vốn đăng ký trên 677 triệu USD. Trong đó, riêng 3 dự án thuộc lĩnh vực bất động sản gắn với khai thác tiềm năng du lịch có tổng vốn lên đến trên 653 triệu USD, chiếm 96,5% tổng vốn FDI đã cấp phép trong 9 tháng qua.
Những dự án hấp dẫn

Một dự án đầu tư vào lĩnh vực bất động sản Đà Nẵng. Ảnh: Hà Minh
Các dự án gồm: khu du lịch biển Ngũ Hành Sơn do Marble Mountain Beach Resort, Marble Mountain Beach Resort II, Marble Mountain Beach Resort III làm chủ đầu tư, xây dựng và kinh doanh khu du lịch biển, căn hộ bán và cho thuê, khu biệt thự, dịch vụ khách sạn, dịch vụ vui chơi, giải trí, thể thao... trên diện tích 20 ha ở phường Hoà Hải (quận Ngũ Hành Sơn) với vốn đầu tư 78,1 triệu USD.
Dự án khu đô thị Capital Square do VinaCapital Commercial Center Limited làm chủ đầu tư, sẽ xây dựng, quản lý và vận hành khu thương mại, văn phòng cao cấp cho thuê; xây dựng và kinh doanh khách sạn 4-5 sao và các dịch vụ liên quan … với tổng vốn đầu tư 325 triệu USD, trên diện tích 90.285m2 tại quận Sơn Trà.
Dự án khu đô thị Đa Phước do Công ty Daewon (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư, sẽ xây dựng khu đô thị với nhiều hạng mục như khu biệt thự, khách sạn, căn hộ cao cấp, các dịch vụ vui chơi giải trí, sân golf tiêu chuẩn PGA... tại khu Đa Phước (quận Hải Châu) với tổng vốn 250 triệu USD.
Ngoài ra còn có hàng loạt dự án được cấp phép trước đây cũng đang được triển khai xây dựng: khu chung cư cao tầng Daewon ở phía Nam cầu Tuyên Sơn (30 triệu USD), khu phức hợp thương mại - dịch vụ Indochina Riverside Tower tại 74 Bạch Đằng (25 triệu USD), khu du lịch Silvershores (86 triệu USD), khu nghỉ mát Olalani (25 triệu USD), sân golf VinaCapital (73 triệu USD), khu du lịch biển Vinacapital (57 triệu USD), khu khách sạn và biệt thự Vegas (60 triệu USD)...
Thành lập Ban hỗ trợ
Theo ông Lê Cảnh Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng (IPC Đà Nẵng), tiến độ xúc tiến các dự án đầu tư vào Đà Nẵng hiện đã được đẩy nhanh hơn trước, nhưng vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc. Đáng chú ý là thông tin về quy hoạch đất của các dự án đầu tư trong và ngoài KCN thường xuyên thay đổi, mặt bằng sử dụng đất chưa có sẵn nên IPC Đà Nẵng còn gặp khó khăn trong việc giới thiệu địa điểm đầu tư cho nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, công tác đền bù giải phóng mặt bằng đối với một số dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư chậm triển khai và kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Mặt khác, tiến độ triển khai một số dự án còn chậm do nguyên nhân từ phía chủ đầu tư như thay đổi thiết kế, kế hoạch đầu tư...
Trước tình hình này, IPC Đà Nẵng vừa có văn bản kiến nghị UBND TP xem xét và chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với Trung tâm triển khai thực hiện tốt cơ chế “một cửa liên thông”. Ngoài ra, IPC Đà Nẵng cũng đề nghị lãnh đạo TP nghiên cứu thành lập Ban hỗ trợ triển khai các dự án đầu tư lớn trên địa bàn để thúc đẩy nhanh tiến độ các dự án, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Ban này sẽ do Văn phòng UBND TP làm trưởng ban, thành viên gồm các sở, ban, ngành liên quan, trong đó Trung tâm Xúc tiến đầu tư có nhiệm vụ thường trực.
Hà Minh