Thị trường bất động sản: Sẽ sớm phục hồi?

Nhu cầu mua sỉ căn hộ nhiều, Chính phủ tăng cường bơm tiền đầu tư cơ sở hạ tầng, sẽ đưa bất động sản (BĐS) vào diện giảm, giãn thuế… Hàng loạt tín hiệu vui cho thị trường BĐS được nêu lên tại buổi hội thảo Vực dậy nguồn lực BĐS do Báo Lao động tổ chức vào ngày 31-5.
Thị trường bất động sản: Sẽ sớm phục hồi?

Nhu cầu mua sỉ căn hộ nhiều, Chính phủ tăng cường bơm tiền đầu tư cơ sở hạ tầng, sẽ đưa bất động sản (BĐS) vào diện giảm, giãn thuế… Hàng loạt tín hiệu vui cho thị trường BĐS được nêu lên tại buổi hội thảo Vực dậy nguồn lực BĐS do Báo Lao động tổ chức vào ngày 31-5.

Cởi mở chính sách

Thực trạng BĐS hiện nay, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, giống như mây đen u ám bao trùm. Thị trường BĐS khó khăn kéo theo sự ngưng trệ của các ngành phụ trợ, đặc biệt người lao động bị ảnh hưởng rất nặng nề. Hiện nay, xi măng tồn kho 3 triệu tấn, chưa tính số tồn kho ở các đại lý; vật liệu ốp lát tồn đọng 50 triệu m²; kính xây dựng tồn kho 5 tháng sản xuất, tình trạng rất nguy cấp; thép tồn kho 225.000 tấn. Một số nhà máy xi măng đóng cửa; các công ty xây lắp không dám làm, làm là bị nợ; công nhân mất việc làm.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, nhận định, BĐS là một trong những động lực phát triển của nền kinh tế nhưng hàng tồn kho rất lớn, chỉ có ngân hàng lãi, phần còn lại khó khăn, chỉ số tăng trưởng chỉ hơn 4%. Nghị quyết 13 đi vào cuộc sống rất nhanh, trần lãi suất cho vay 15% nhưng không có đối tượng BĐS. Đề nghị trong Nghị quyết 13 của Chính phủ bổ sung thêm BĐS, giãn tiếp số thuế trong năm 2012 chứ không chỉ quý 2.

Chính sách hỗ trợ vốn giúp thị trường bất động sản “tan băng”. Ảnh: T.S.

Chính sách hỗ trợ vốn giúp thị trường bất động sản “tan băng”.
Ảnh: T.S.

Giải thích vấn đề tại sao không đưa BĐS vào nhóm đối tượng được hưởng ưu đãi theo Nghị quyết 13, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nói, Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính triển khai nhưng không kịp. Hiện nay đã có đề xuất, tiếp tục kiến nghị đưa một số dự án, doanh nghiệp BĐS vào diện miễn và giảm VAT; nhà ở thương mại dưới 90m2, giá bán dưới 20 triệu đồng/m2 sẽ được hưởng thuế suất VAT 5%... Bên cạnh đó, 2 đề án Quỹ tiết kiệm cho người nghèo có sự hỗ trợ của nhà nước và Quỹ tiết kiệm hỗ trợ cho người thu nhập trung bình mua nhà được trình Chính phủ, sẽ có một số cơ chế chính sách mới.

Mua sỉ nhiều, bơm tiền mạnh

Một thông tin hết sức quan trọng của thị trường BĐS được lãnh đạo Ngân hàng ACB cho biết tại hội thảo: Xuất hiện nhu cầu mua sỉ nhiều, các tổ chức mua rất nhiều căn hộ cho nhân viên từ vài chục đến vài trăm căn, chính quyền địa phương cũng tham gia.

Dưới góc độ vĩ mô, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho biết, hiện nút thắt chung của nền kinh tế chính là nợ xấu. Nợ xấu được ví như chiếc xe bị nổ vỏ nằm ngáng giữa đường, làm tê liệt toàn bộ giao thông. Các tình huống xử lý cho tới nay chỉ là cho đoàn xe nhích từng chút, muốn kinh tế thông thoáng phải “bốc” chiếc xe đó vứt đi. Ông kể lại chuyến  khảo sát vừa rồi tại miền Nam: Vì nợ xấu mà ngân hàng chờ doanh nghiệp mang đồng vốn lưu động - giọt máu cuối cùng - trả vào ngân hàng rồi sau đó ngân hàng lấy luôn, không cho vay lại, thế là doanh nghiệp chết. Cũng vì nợ xấu mà ngân hàng không dám cho vay, đẩy lãi suất lên cao.

TS Lê Xuân Nghĩa cũng cho biết: “Thời điểm này đã có nhiều cơ hội để thực hiện, lạm phát xuống rất thấp, theo tôi cơ bản đã hoàn tất mục tiêu chống lạm phát. Tuần tới Ngân hàng Nhà nước sẽ trình đề án xử lý nợ xấu. Dự kiến vốn dành xử lý nợ xấu chiếm khoảng 5 tỷ USD, khi xử lý xong thì các ngân hàng thương mại mới mạnh dạn cho vay mới”. Một giải pháp khác là Chính phủ đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng, hiện nay tăng trưởng tín dụng âm, do đó sẽ tập trung đẩy nhanh giải ngân đầu tư công và cơ sở hạ tầng. Từ nay đến cuối năm, mỗi tháng phải tăng trưởng tín dụng 2%, ước tổng cộng khoảng 500.000 tỷ đồng, tháng 6 năm nay sẵn sàng ứng trước vốn xây dựng cơ bản cho năm 2013. Số tiền này tung ra thị trường sẽ có tác động rất lớn, kích nền kinh tế đi lên.

“Chưa bao giờ chính phủ quan tâm đến BĐS như thế, bây giờ có hẳn một chương trình hành động vì đó là thị trường nền tảng. Nếu không có gì thay đổi thị trường BĐS sẽ phục hồi sau 3 - 4 tháng nữa” - ông Lê Xuân Nghĩa dự đoán.

Lương Thiện

Tin cùng chuyên mục