Kênh huy động vốn quan trọng
Năm 2021 khép lại với những thành công của TTCK khi đạt kỷ lục cả về chỉ số, thanh khoản và mức vốn hóa thị trường. Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), tính đến cuối năm 2021, VN-Index đạt 1.494,39 điểm, tăng 35,4% so với cuối năm 2020. HNX-Index cũng đạt 458,05 điểm, tăng 125,5% so với cuối năm 2020. Vốn hóa thị trường đạt 7.729.000 tỷ đồng, tăng 46% so với cuối năm 2020, tương đương 122,8% GDP năm 2020 và 92% GDP năm 2021.
Là sàn giao dịch chiếm hơn 90% giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu của TTCK, lãnh đạo Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) cho biết, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng thông qua TTCK, nhiều doanh nghiệp đã huy động thành công nguồn vốn để khôi phục sản xuất kinh doanh. Trong năm 2021, tổng giá trị vốn huy động thông qua phát hành thêm trên thị trường cổ phiếu ở sàn HoSE ước đạt hơn 49.605 tỷ đồng, tăng hơn 5 lần về giá trị so với năm 2020.
Theo con số cập nhật mới nhất của UBCKNN, tổng mức huy động vốn trên TTCK trong 11 tháng đầu năm 2021 đạt gần 445.000 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Huy động vốn cho ngân sách nhà nước thông qua đấu thầu trái phiếu chính phủ tăng 1,3% với giá trị đạt 301.017 tỷ đồng. “Các kết quả trên cho thấy, TTCK là kênh đầu tư được nhà đầu tư trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm và đã khẳng định là một kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế”, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCKNN, cho biết.
Phải “đãi cát tìm vàng”
Mặc dù VN-Index đã chinh phục lại mốc 1.500 điểm trong những phiên giao dịch đầu năm 2022, nhưng 2 tuần gần đây, TTCK Việt Nam đã giảm mạnh. VN-Index giảm gần 6% (100 điểm) chỉ trong 7 phiên giao dịch, từ 1.528,5 điểm (ngày 7-1) xuống 1.438,9 điểm (ngày 18-1). Tuy nhiên, đợt giảm điểm này được đánh giá là hợp lý, nhất là sau một thời gian dài nhóm cổ phiếu mang tính đầu cơ, cổ phiếu bất động sản tăng “nóng”.
Theo đánh giá của chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), VN-Index năm 2022 dự báo có thể chinh phục được 1.580-1.600 điểm, tăng khoảng 6%-8% so với đỉnh của năm 2021, dựa trên cơ sở kịch bản nền kinh tế Việt Nam năm 2022 sẽ dần lấy lại đà tăng trưởng như giai đoạn trước. Tuy nhiên, phải chấp nhận rủi ro về mức lạm phát cao. Lãi suất có thể tăng nhẹ, nhưng nhìn chung vẫn sẽ giữ ở mức thấp nhờ thanh khoản của hệ thống ngân hàng dồi dào.
Các chuyên gia tài chính nhìn nhận, TTCK vẫn được đánh giá sẽ là một kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2022, nhưng không còn “dễ ăn” như năm ngoái, mà phải “đãi cát tìm vàng”. Tăng trưởng cổ phiếu năm 2022 không mở ra cho cả ngành, hoặc cả dòng đầu cơ mà phụ thuộc vào giá trị thực, nội tại cũng như triển vọng tương lai của cổ phiếu. Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích thuộc Công ty Chứng khoán VPS, cho rằng, TTCK là kênh hút dòng tiền của số đông nhà đầu tư cá nhân, vì đầu tư chứng khoán không đòi hỏi vốn cao như bất động sản.
Ngoài ra, các tổ chức quốc tế cũng đánh giá Việt Nam có thể tăng trưởng rất tốt nhờ dòng vốn FDI và các hiệp định thương mại tự do nên kỳ vọng dòng vốn đầu tư sẽ tìm đến thị trường tiềm năng, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, khi tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo lần lượt đạt 6,8% và 6,5% cho năm 2022 và 2023, thì VN-Index năm 2022 có thể sẽ tăng lên mốc 1.600-1.800 điểm. Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SSI, khuyến nghị, nhà đầu tư nên dành phần lớn danh mục cổ phiếu của mình theo trường phái đầu tư giá trị vì mua bán theo hô hào của các hội nhóm đang rủi ro rất cao.
Theo Quỹ đầu tư Vina Capital, TTCK Việt Nam hiện đang ở mức giá hợp lý cho đầu tư dài hạn. Theo số liệu từ Bloomberg, lợi nhuận của các công ty niêm yết trên sàn HoSE được dự báo sẽ tăng 26% trong năm 2022, trong khi mức P/E (tỷ suất lợi nhuận/cổ phần) của VN-Index năm 2022 là 13,4 lần (trong ngày 18-1), thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 5 năm. Trong bối cảnh này, các nhà đầu tư sẽ “thức tỉnh” để ý thức được tầm quan trọng của việc chọn cổ phiếu đầu tư dài hạn thay vì “lướt sóng” hoặc “đu đỉnh” các cổ phiếu tăng “nóng” mang tính đầu cơ cao. |
Công ty Chứng khoán BSC nhận định, cổ phiếu ngân hàng được kỳ vọng sẽ là lực đẩy chính giúp VN-Index lập đỉnh mới. Trong đó, ngân hàng sẽ là một trong những ngành dẫn dắt, hỗ trợ VN-Index vượt đỉnh 1.500 điểm để tiến tới 1.700-1.800 điểm trong năm 2022 vì dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ tăng mạnh khi kinh tế phục hồi. Cùng với đó, đây là nhóm có vốn hóa lớn nhất thị trường, nên chỉ số chung tiến lên các mức cao mới không thể thiếu sự góp sức của cổ phiếu “vua”. Bên cạnh đó, xu hướng đầu tư năm nay sẽ tiếp nối ở các nhóm đã tăng trưởng tốt nhưng còn tiềm năng như đầu tư công, xây dựng, phân đạm, năng lượng sạch... Thêm một xu hướng đầu tư đối với các ngành hồi phục từ đáy đại dịch như xuất khẩu (ngành dệt may, thủy sản...) và các nhóm hỗ trợ hạ tầng như cảng biển, bất động sản khu công nghiệp. |