Thị trường đường ăn vào mùa Tết

THANH HÙNG
Thị trường đường ăn vào mùa Tết

Theo Hiệp hội Mía đường VN, nhu cầu tiêu thụ đường trong những tháng cuối năm nay sẽ tăng từ 25% – 30% do các ngành chế biến thực phẩm, nước giải khát, bánh kẹo đẩy mạnh sản xuất để phục vụ nhu cầu mua sắm cuối năm của người tiêu dùng (NTD).

Thị trường đường ăn vào mùa Tết ảnh 1

Các sản phẩm đường tinh luyện RE đang bán khá chạy tại các hệ thống siêu thị.

Hiện nay, tuy thị trường đang “khát” đường nhưng không vì vậy mà thiếu đi sự phong phú về chủng loại sản phẩm. Thực tế cho thấy, có khoảng gần 10 loại đường được bán trên thị trường với giá dao động từ 5.000 – 9.000 đồng/kg. Ngoài các loại đường quen thuộc như đường tán, đường cục (đường thủ công), đường cát thô thì các chủng loại đường cát tinh luyện thượng hạng (RE), đường tinh luyện tiêu chuẩn (RS)… đang được tiêu thụ khá mạnh trên thị trường.

Nhìn chung, giá đường trong thời gian này đang tăng khoảng 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, các loại đường thủ công có giá từ 5.000 – 5.500 đồng/kg, RE có giá 8.500 – 9.000 đồng/kg, RS có giá từ 8.000 – 8.500 đồng/kg. Ngoài ra, các loại đường RE hạt mịn và đường thô phục vụ cho các ngành chế biến thực phẩm có giá dao động từ 7.000 – 7.500 đồng/kg nhưng vẫn được các đơn vị sản xuất mua với số lượng khá lớn.

Ông Lê Công Tạo, Phó phòng kinh doanh Công ty đường Biên Hòa cho biết: “Về chất lượng thì đường Thái Lan và đường sản xuất trong nước là như nhau, nhưng do nguồn nguyên liệu không ổn định, giá thu mua mía khá cao, tỷ lệ đường trong mía thấp, và đặc biệt là do tình trạng thiếu quy hoạch đồng bộ về nguồn nguyên liệu cũng như việc sản xuất nên dẫn đến tình trạng thiếu đường, giá đường trong nước lên cao”.

Trong khi đó, tại khu vực Chợ Lớn, đường được bày bán với khối lượng khá lớn, cửa hàng nào ít nhất cũng có đến vài tạ đường các loại. Hầu hết các loại đường cát từ đường thô cho đến đường tinh luyện hầu như không được đóng gói mà chỉ đựng trong các bao nylon, bao giấy cacton nên người mua chỉ chọn mua bằng mắt mà không hề biết nguồn gốc xuất xứ cũng như hạn sử dụng. Đặc biệt, giá bán tại đây lại rẻ hơn từ 300 – 700 đồng/kg tùy loại và không loại trừ khả năng là đường nhập lậu từ Thái Lan tuồn về đây.

Một thực tế đáng ghi nhận là trong những năm qua, nhiều nhà máy đường đã mạnh dạn đầu tư và đổi mới dây chuyền sản xuất hiện đại nên không chỉ nâng cao được năng suất, mà chất lượng đường cũng tốt hơn. Đặc biệt, nhờ áp dụng phương pháp cacbonat hóa trong khâu tinh luyện đường nên đã loại được nhiều tạp chất, nhiều chất khử từ đường thô nên sản phẩm đường luyện luôn có độ trắng, hạt đều, mịn và độ tinh khiết của đường cao hơn so với phương pháp ly tâm trước đây.

Chưa dừng lại ở đó, một số doanh nghiệp như đường Biên Hòa, Tây Ninh, Sóc Trăng… đã đưa ra nhiều chủng loại sản phẩm đường túi với nhiều trọng lượng khác nhau như 100g, 250g, 500g và 1kg để đáp ứng nhu cầu đa dạng của NTD. Và mới đây, Công ty đường Biên Hòa lại tung ra thị trường 2 loại sản phẩm mới là đường RE có bổ sung vitamin A và đường que có trọng lượng 20g/que giúp NTD thuận tiện hơn trong việc pha chế các loại nước uống.

THANH HÙNG

 

Tin cùng chuyên mục