Trong giai đoạn 2011 - 2015, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song kinh tế TPHCM vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, hợp lý và đúng định hướng. Trong đó khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao nhất, đạt 11,12%/năm. Đặc biệt, thị trường hàng hóa và dịch vụ có những bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện từ việc triển khai đồng bộ các biện pháp.
Mua bán nhộn nhịp tại Coopmart Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: Cao Thăng
Hạ tầng thương mại đổi mới toàn diện
Thị trường hàng hóa và dịch vụ có những bước phát triển khá nhờ các giải pháp kích cầu tiêu dùng thông qua Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các chương trình khuyến mãi, giảm giá của các doanh nghiệp (DN) phân phối, các đợt đưa hàng về nông thôn, về các KCN-KCX, các đợt tổ chức hội chợ, triển lãm, thực hiện các đề án hỗ trợ lãi suất hoặc cho vay vốn để mở các điểm bán hàng bình ổn thị trường. Nhiều DN thương mại củng cố và phát triển hệ thống phân phối, triển khai các loại hình bán buôn, bán lẻ mới theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp.
Để tạo điều kiện cho thương mại phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, TPHCM đã ban hành Quyết định số 17/2009/QĐ-UBND về quy hoạch phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM) và Quyết định số 41/2009 về phê duyệt Đề án phát triển hệ thống phân phối bán buôn bán lẻ trên địa bàn thành phố (TP). Theo đó, hệ thống phân phối trên địa bàn TP đã phát triển về số lượng và chất lượng. Nếu năm 2011, TPHCM có 247 chợ truyền thống, 152 siêu thị, 27 TTTM thì năm 2015, hệ thống phân phối hiện đại đã phát triển nhanh về số lượng với 36 TTTM, 178 siêu thị, 640 cửa hàng tiện lợi. Trong khi đó, mạng lưới chợ giảm hiện chỉ còn 240 chợ, nhưng chất lượng, dịch vụ từng bước được cải thiện theo hướng văn minh, phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Các chợ nhỏ, lẻ, các địa điểm kinh doanh, bán hàng tự phát giảm dần, chợ truyền thống tại các khu vực trung tâm, theo xu thế chung, dần thu hẹp lại, cơ sở vật chất tại một số chợ được quan tâm sửa chữa, nâng cấp, góp phần cải thiện trật tự và cảnh quan đô thị. Tỷ lệ hàng Việt trong số hàng hóa bày bán tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích thuộc các hệ thống thương mại lớn trên địa bàn đạt bình quân khoảng 90% - 95%.
Hệ thống phân phối hiện đại phát triển nhanh về số lượng, đổi mới toàn diện như đầu tư hạ tầng thương mại theo hướng văn minh hiện đại, đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, số lượng và chất lượng, đã giúp người tiêu dùng tiếp cận hàng hóa thuận tiện hơn và được phục vụ tốt hơn.
Các phương thức phân phối qua mạng, thương mại điện tử phát triển nhanh vì có những tiện ích đáng kể, dần hình thành một xu hướng phân phối trực tuyến vừa chính thức vừa phi chính thức, nhiều trang web tiếng Việt thực hiện các giao dịch trên mạng. Đặc biệt năm 2013, TPHCM được đánh giá đứng đầu 63 tỉnh, TP về phát triển thương mại điện tử, năng lực hội nhập kinh tế quốc tế.
Gia tăng các định chế tài chính
Cùng với lĩnh vực thương mại, thị trường tài chính, TPHCM cũng phát triển mạnh mẽ về số lượng, quy mô, các dịch vụ ngân hàng mang tính truyền thống và hiện đại, đáp ứng phần nào nhu cầu thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu của các DN. Tín dụng huy động đang được tập trung cho vay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên. Lãi suất cho vay trong thị trường tiền tệ đã giảm dần qua các năm, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng.
Theo số liệu của UBND TPHCM, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đến cuối năm 2015 là 1.493.150 tỷ đồng, tăng 10% so với cuối năm 2014 và tăng 67,1% so với cuối năm 2011. Tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến cuối năm 2015 ước đạt 1.227.400 tỷ đồng, tăng 13% so với cuối năm 2014 và tăng 60,6% so với cuối năm 2011. Lượng kiều hối trên địa bàn TP trong giai đoạn 2011 - 2015 ước đạt 24 tỷ USD, tăng 37,9% so với giai đoạn 2006 - 2010.
Nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng trên địa bàn TP, thực hiện chủ trương chung tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, trọng tâm là các tổ chức tín dụng, TP đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các Tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015” ban hành kèm theo Quyết định 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, và Kế hoạch triển khai nhiệm vụ cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước. Qua đó, góp phần duy trì mức nợ xấu hợp lý cho các ngân hàng thương mại trên địa bàn. Tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm 2014 chiếm 5,31% tổng dư nợ, tăng 0,62% (cuối năm 2013 là 4,69%).
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán TP đã thu hút được nhiều định chế tài chính tham gia, đặc biệt là các định chế tài chính nước ngoài, công ty cổ phần từ các khu vực kinh tế khác nhau, do đó, tuy bị ảnh hưởng mạnh bởi khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng tỷ lệ vốn hóa của thị trường có xu hướng gia tăng qua các năm gần đây. Điều này chứng tỏ thị trường chứng khoán vẫn thu hút các công ty niêm yết trên sàn giao dịch. Mặt khác, thị trường chứng khoán TP cũng là nơi niêm yết và giao dịch các loại trái phiếu chính quyền địa phương, chứng chỉ quỹ đại chúng và các loại trái phiếu chính phủ. Giai đoạn 2011 - 2014, số lượng công ty niêm yết mới sụt giảm đáng kể do bị thua lỗ liên tiếp. Tuy số lượng công ty niêm yết mới sụt giảm nhưng giá trị huy động vốn của các DN sau khi niêm yết giai đoạn này tăng cao, đạt 110.000 tỷ đồng với 460 đợt cổ phiếu phát hành thêm, chiếm khoảng 66% tổng giá trị huy động toàn thị trường kể từ lúc mở cửa.
Các định chế tài chính khác cũng được gia tăng trong giai đoạn này. Thị trường bảo hiểm ngày càng khẳng định vai trò của mình trong thị trường tài chính, dần trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, bổ sung vào nguồn vốn đầu tư dài hạn trong xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế TP. Cơ cấu vốn đầu tư của thị trường này đang chuyển mạnh từ đầu tư ngắn hạn sang đầu tư dài hạn: mua trái phiếu chính phủ, đầu tư trực tiếp kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất kinh doanh. Thị trường cho thuê tài chính của VN nói chung và của TP nói riêng vẫn là thị trưởng nhỏ, chưa phát triển. Quỹ đầu tư và công ty quản lý quỹ là loại hình kinh doanh còn mới và đang phát triển tại VN. Các dịch vụ hỗ trợ phát triển thị trường tài chính như dịch vụ kiểm toán, thẩm định giá đang được hình thành và phát triển mạnh. Các dịch vụ này hiện nay không chỉ phát triển phục vụ cho thị trường trong nước, mà còn phục vụ cho thị trường ở các nước khác trong khu vực và thế giới.
Thị trường công nghệ từng bước hình thành, phát triển, góp phần hỗ trợ DN tiếp cận công nghệ mới, nâng cao năng lực sản xuất; đã hình thành và tổ chức triển khai đề án thử nghiệm Sàn Giao dịch công nghệ TP để tăng cường kết nối chuyển giao công nghệ. Đến nay, đã tổ chức tư vấn kết nối thành công 18 dự án giao dịch công nghệ thuộc lĩnh vực cơ khí chế tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp, chế biến, vật liệu xây dựng… Thiết lập mạng lưới hợp tác với 21 cơ quan đơn vị tại địa phương và một số tỉnh phía Nam; xây dựng cơ sở dữ liệu với hơn 900 công nghệ thiết bị, 290 nhà cung cấp và 80 khách hàng. Đẩy mạnh thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, xác định danh mục 66 sản phẩm nghiên cứu có tiềm năng thương mại hóa, hỗ trợ đầu tư hoàn thiện công nghệ, tiếp cận thị trường và chuyển giao cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hàng hóa phục vụ cộng đồng, xã hội...
5 năm là khoảng thời gian không dài. Song thị trường hàng hóa và dịch vụ tại TP đã có bước phát triển, theo hướng văn minh, hiện đại. Một số loại hình dịch vụ mới đã bắt đầu hình thành, với sự gia tăng các định chế tài chính tạo cho bức tranh thị trường ngày càng sinh động, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP phát triển đúng hướng.
Thúy Hải