Không còn hình ảnh người mua tấp nập ở các cửa hàng hoa kiểng vào mỗi dịp cận tết. Nhiều chủ cửa hàng kinh doanh hoa kiểng cho biết, sức mua năm nay tiếp tục giảm sút, thị trường chưa bao giờ trầm lắng như lúc này...
Sức mua giảm mạnh
Chị Trần Kim Chi, chủ cửa hàng cây cảnh Thảo Phong tại làng hoa kiểng Gò Vấp, cho biết: “Nhiều cửa hàng bán lẻ đến chỗ tôi lấy sỉ về bán ở các chợ, lề đường. Tôi bán nhiều chủ yếu nhờ vào họ. Họ bán được mới đến chỗ tôi lấy hàng, nhưng năm nay họ lấy hàng rất ít. Ai đến lấy hoa kiểng cũng than năm nay làm ăn khó khăn, sức mua hoa kiểng chỉ bằng 50% so với năm trước”.
Theo nhiều chủ vựa tại làng hoa kiểng Gò Vấp, thời điểm hoa bán chạy nhất trong năm bắt đầu từ giữa tháng 11 âm lịch kéo dài đến khoảng 20 tháng chạp. Sau thời điểm đó, người mua sẽ thưa dần và một số điểm bán hoa cảnh sẽ lần lượt đóng cửa nghỉ tết. Nếu trong tháng cao điểm này không bán được, xem như “trắng tay” mùa tết. “Lúc này đã bước sang những ngày đầu tháng chạp nhưng tình hình kinh doanh không khả quan. Chưa năm nào sức mua xuống thấp đến như vậy” - chị Chi than thở.
Nhiều vựa khác cũng cùng chung số phận. Vựa hoa kiểng Út Gốc trên đường Phan Huy Ích (quận Gò Vấp) của chị Lý Thị Ngọc Phượng rộng khoảng 200m² nhưng chỉ lác đác vài người đến xem. Chị Phượng cho biết: “Mọi năm, khách hàng vào vựa tôi rất đông, có những lúc lựa hoa kiểng phải chen lấn nhau. Khách vào mua sỉ có, mua lẻ có. Người làm công phải làm quần quật, chủ cửa hàng cũng không được ngơi tay. Nhưng năm nay khách chỉ vào lác đác”.
Một số chủ vựa hoa kiểng tại làng hoa kiểng Gò Vấp cho biết, sức mua hoa kiểng bắt đầu đi xuống từ tết năm 2010 và liên tục giảm qua từng năm. Lý giải nguyên nhân của hiện tượng này, các chủ vựa cho rằng do thị trường bất động sản đóng băng và kinh tế khó khăn, nhiều người không mua nhà, không làm ăn được nên cũng ít ai mua cây kiểng.
Thất thu
Sức mua giảm một nửa, lượng khách thưa thớt khiến nhiều người kinh doanh cây cảnh lo lắng. Nguy cơ thất thu, lỗ vốn trong mùa tết năm nay rất lớn.
Cửa hàng của chị Kim Chi (Gò Vấp) kinh doanh các loại cây kiểng lá, dùng trang trí cho văn phòng, cao ốc như cây danh dự, đại phú, đại hoàng đế… Chị lấy hàng từ nhà vườn, bán giá sỉ lại cho cửa hàng bán lẻ mỗi cây chênh lệch khoảng 5.000 đồng. Chị Chi cho biết dù ế ẩm nhưng chị cũng không thể bán giá thấp hơn, vì chênh lệch 5.000 đồng/cây là mức tối thiểu để duy trì các chi phí thuê mướn lao động, nước, phân bón… Doanh thu bán dịp tết tính đến thời điểm này của chị đã giảm gần một nửa so với cùng thời điểm năm trước.
Các vựa bán sỉ ế ẩm, các cửa hàng bán lẻ càng ế hơn. Phần lớn mặt bằng của các vựa bán sỉ là đất nhà nên không tốn chi phí thuê mướn. Trong khi đó, các cửa hàng bán lẻ hầu hết phải thuê mướn mặt bằng. Chị Nguyễn Thị Thùy Dương, chủ cửa hàng cây cảnh Bát Tiên trên đường Trường Chinh, cho biết: “Mỗi tháng, chi phí thuê mặt bằng hết 8 triệu đồng. Trừ các khoản, tôi lời khoảng 20 triệu đồng trong tháng bán tết năm trước. Năm nay, tôi quyết định đầu tư thêm cho đợt bán hàng tết nhưng không ngờ lại ế ẩm như vậy. Mùa tết năm 2013, 100 cây lan tôi chỉ bán trong vòng 3 hay 4 ngày là hết. Năm nay, đã nửa tháng trôi qua tôi chỉ bán được hơn 50 cây. Bán buôn như thế chắc chắn sẽ lỗ”.
Hoa kiểng là mặt hàng thứ yếu nên người dân không ưu tiên trong chi tiêu của mình. Bước ra khỏi cửa hàng với chậu hồng môn trên tay, anh Lê Tấn Trung hớn hở nói: “Tôi mua vài chậu hoa trưng trong nhà cho có không khí tết. Một chậu cũng chỉ vài chục ngàn. Tết đến, món gì cũng tăng giá, tôi ưu tiên mua thực phẩm tết, có dư mới mua hoa kiểng”.
Xuân về, tết đến, người người nô nức vui xuân, đón tết. Nhưng năm nay, niềm vui của những người trồng và kinh doanh hoa kiểng dường như không vui…
NGỌC QUÝ