Năm 2008, trong tổng số 4,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản, con tôm sú đạt 1,6 tỷ USD, kế đến là cá tra (cá ba sa) gần 1,5 tỷ USD. Đây là 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung.
Để đạt con số kim ngạch cao nhất về xuất khẩu thủy sản, diện tích mặt nước nuôi tôm sú lên đến khoảng 60.000 ha, trong khi con cá tra chỉ có 6.000ha. Chưa có loại vật nuôi nào có thể tạo ra giá trị trên một đơn vị diện tích cao như vậy.
Nhưng nói như Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hữu Dũng, chúng ta đang độc quyền mặt hàng cá tra nhưng lại bán như với tư cách của người yếu thế. Đó là một mâu thuẫn đầy bức xúc.
Sau thời gian tăng trưởng mạnh mẽ, giờ đây thị trường Nga bị ách tắc, nhiều doanh nghiệp (DN) đã nhanh chóng tìm ra thị trường mới: Ai Cập. Đây không chỉ là thị trường đầy tiềm năng và có tốc độ phát triển cao mà còn có thể giúp tạo ra sự đột biến đối với con cá tra. Nếu làm tốt, đây còn có thể là cửa ngõ vào nhiều nước khác thuộc cộng đồng thế giới Hồi giáo với khoảng 1,5 tỷ người.
Năm 2008, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Ai Cập tăng đến 87% (đạt 55 triệu USD). Tuy nhiên, sự đột biến này đang tạo ra nhiều điều lo ngại hơn là vui mừng: một số DN cạnh tranh lẫn nhau đã giảm giá đến mức rẻ như bèo làm mất vị thế và thương hiệu cá tra mà Việt Nam đang độc chiếm trên thị trường thế giới. Giá cá tra được nhập vào Ai Cập trước đó là 2,7 USD/kg nay chỉ còn khoảng 1,5 USD/kg.
Để giảm giá, các DN nâng cao tỷ lệ mạ băng (lớp bảo vệ) lên đến 20%-30% thay vì 10%. Cách làm này đã từng được “áp dụng” những năm trước ở thị trường Nga, và kết quả là trong năm 2008, nhiều nhà nhập khẩu Nga đã phải lên tiếng: “mua cá tra phi lê chứ không phải mua nước đá”.
Với cách làm cũ khi đi khai phá thị trường mới, hậu quả từ thị trường Nga liệu có lặp lại ở thị trường mới này?
ĐÔNG PHONG