Thị trường Tết Bính Thân 2016: Hàng bình ổn chi phối về lượng và giá bán

Hài lòng với 9 nhóm hàng thiết yếu
Thị trường Tết Bính Thân 2016: Hàng bình ổn chi phối về lượng và giá bán

Mùa kinh doanh cao điểm Tết Bính Thân 2016 đã khép lại với sự vào cuộc mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp (DN), đặc biệt là các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn TPHCM. Với sản lượng hàng hóa bình ổn cung ứng tăng 2-3 lần so với tháng thường, tăng bình quân khoảng 10% so với kế hoạch TP giao và tăng 40% so với kết quả thực hiện cùng kỳ năm ngoái; giá bán ổn định liên tục trong 2 tháng trước và sau tết, hàng bình ổn đã tạo ra sự lan tỏa chung về mặt bằng giá hàng tết.

Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt (bìa trái) đang giới thiệu các loại trứng gia cầm bình ổn thị trường với lãnh đạo TPHCM. Ảnh: Cao Thăng

Hài lòng với 9 nhóm hàng thiết yếu

Trong 3 năm gần đây, cùng với việc chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho thị trường tết, các DN bình ổn đã có nhiều nỗ lực trong việc đa dạng hóa mặt hàng. Để hỗ trợ cho người tiêu dùng có nhiều thời gian nghỉ ngơi, hệ thống Co.opmart đã đưa thêm nhiều sản phẩm đặc trưng tết, trong đó nồi thịt kho tàu đúng khẩu vị xưa đã được đơn vị này đưa vào danh mục cần chuẩn bị. Chị Nguyễn Minh Châu, ngụ tại quận Bình Thạnh, cho biết, kể từ khi Co.opmart nhận đặt nồi thịt kho tàu, năm nào gia đình chị cũng đặt nấu trước tết khoảng 1 tuần. Đến ngày 28 tháng Chạp, cả gia đình chị sẽ đi siêu thị tết, vừa nhận thịt kho, vừa mua sắm các mặt hàng rau củ quả, thịt gia súc, thịt gia cầm, trái cây, bánh mứt… là mâm cỗ tết đã khá đầy đủ. Chị Châu cho biết, bố mẹ chị rất hài lòng khi TPHCM đưa ngày càng nhiều sản phẩm vào bình ổn giá. Hiện tất cả các nhóm hàng bình ổn thị trường đều đã có mặt trong mâm cỗ ngày tết của gia đình chị. Với cách làm này, TPHCM thực sự góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn cho mỗi gia đình, giúp gia tăng tài khoản tiết kiệm trong tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn.

Cùng quan điểm trên, chị Kim Chung, nhân viên kế toán của một hệ thống trường tiểu học quốc tế, cho rằng, những năm gần đây, gia đình chị đã không còn phải dự trữ quá nhiều thực phẩm trong những ngày tết vì ngay sáng mùng 2 Tết, nhiều cửa hàng, siêu thị và các chợ đã mở cửa hoạt động trở lại. Không giống như những năm trước, giá hàng hóa sau tết, đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm tươi sống thường có biến động do tâm lý “làm giá” của nhiều tiểu thương, nhưng tết năm 2016 tình hình đã khác. Giá bán hầu hết các mặt hàng vẫn tiếp tục ổn định, thậm chí một số mặt hàng như rau củ quả còn giảm nhẹ do mức cầu còn thấp, có thể kể đến các mặt hàng như đậu cove, dưa leo, bầu… do lượng hàng về nhiều khiến giá giảm 2.000-8.000 đồng/kg. Điều quan trọng, cảnh người mua xếp hàng dài chờ tính tiền tại các quầy kệ của siêu thị vào những ngày giáp tết đã không còn.

Nguyên nhân chính khiến mặt bằng giá chung trên thị trường ổn định là do tất cả các nhóm hàng bình ổn đều đã được chốt giá liên tục trong 2 tháng trước và sau tết. Mặt khác, ngoài mức giá luôn thấp hơn so với giá thị trường 5%-10%. Trong tháng tết, các DN trong chương trình bình ổn thị trường tiếp tục liên kết để giảm giá bán sâu hơn đối với nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống, đã tác động mạnh mẽ, sâu rộng đối với giá bán trên thị trường, từng bước đẩy lùi tình trạng “té nước theo mưa” trong mỗi dịp tết đến tại các chợ bán lẻ. Theo đó, các DN cũng phối hợp với các nhà phân phối, tổ chức đồng loạt các chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu các mặt hàng thuộc chương trình trong tuần cận tết, cụ thể, giá trứng gia cầm giảm 1.000-2.000 đồng/chục liên tục trong 10 ngày trước tết; giá thịt gia súc giảm 5%-10%, tương ứng mức giảm 8.000 đồng/kg trong 3 ngày trước tết và 4 ngày sau tết; giá thịt gia cầm giảm 10%; đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến giảm 5%-7%; thủy hải sản giảm 15%-20%...

Ở nhóm các mặt hàng rau củ quả, các DN như Saigon Co.op, HTX Anh Đào, Công ty TNHH Thảo Nguyên, HTX Phước An… cung ứng đầy đủ lượng rau VietGAP cho các siêu thị, cửa hàng và điểm bán hàng lưu động với giá cả thấp hơn giá thị trường 10%-20%… Chính nhờ giá bán ổn định và luôn thấp hơn thị trường nên giá các mặt hàng bình ổn như trứng gia cầm, thịt heo, thịt gia cầm tiếp tục trở thành giá tham chiếu đối với đại đa số người tiêu dùng TPHCM.

Áp đảo về lượng

Năm 2015 và Tết Bính Thân 2016 là năm thứ 3 liên tiếp TPHCM không thực hiện việc ứng vốn ngân sách cho DN vay với lãi suất 0% để chuẩn bị hàng hóa, phục vụ tết. Nhưng với sự vào cuộc mạnh mẽ, kịp thời của các ngân hàng thương mại, thông qua việc cung ứng vốn với lãi suất ưu đãi (ngắn hạn 5%-6%/năm, trung và dài hạn 7% - 9%/năm), cộng với nguồn vốn sẵn có của mình, các DN trong chương trình bình ổn đã thực hiện rất tốt công tác chuẩn bị hàng hóa, đảm bảo cung - cầu thị trường với giá bán ổn định.

Theo đó, lượng hàng hóa thiết yếu chuẩn bị tăng 15% - 20% so với mùa tết năm ngoái. Tổng giá trị hàng hóa các DN chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng trước và sau Tết Bính Thân 2016 là 16.208,8 tỷ đồng, tăng 462 tỷ đồng (2,9%) so với nguồn vốn chuẩn bị của Tết Ất Mùi 2015 (15.746,8 tỷ đồng), trong đó giá trị hàng hóa dành riêng để bình ổn thị trường tết năm nay là gần 6.900 tỷ đồng. Lượng hàng chuẩn bị tăng bình quân 10% so kế hoạch TP giao và tăng 40% so với kết quả thực hiện dịp Tết Ất Mùi 2015. Trong số đó, nhiều nhóm hàng bình ổn có sản lượng lớn, chi phối 35% - 52% nhu cầu thị trường như thịt gia cầm chiếm 51,7%, dầu ăn 31,3%, đường 47,4%, thực phẩm chế biến 38,9%, trứng gia cầm 44,6%, thịt gia súc 25,9%...

Nhằm góp phần ổn định thị trường TPHCM và khu vực thông qua Chương trình hợp tác thương mại, các DN của TP đã tăng cường mở rộng sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ kết nối và tiêu thụ sản phẩm cho các địa phương. Qua 4 năm thực hiện kết nối cung cầu đã có 1.238 hợp đồng nguyên tắc được ký kết, tổng vốn giao dịch hơn 20.000 tỷ đồng. Nhiều sản phẩm DN các tỉnh, thành đã vào hệ thống phân phối, làm nhãn hàng riêng cho các siêu thị, nhờ vậy lượng hàng cung ứng cho thị trường TP, đặc biệt là vào các dịp Tết Nguyên đán luôn đa dạng, phong phú, đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa. Tại 3 chợ đầu mối, lượng hàng hóa nhập chợ hàng ngày đạt bình quân trên 8.000 tấn/ngày, vào thời điểm cận tết lượng hàng này tăng đến 80% so với ngày thường (14.000-15.000 tấn/ngày). Nhiều mặt hàng như trứng gia cầm, thịt gia cầm, thịt gia súc, thực phẩm chế biến,... đã đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm vào cao điểm tết và có xu hướng áp đảo thị trường.

Tết 2016, TPHCM cũng đã tiến hành đưa hàng hóa trong chương trình bình ổn thị trường đến các địa phương để tiêu thụ. Đến nay, 16 DN sản xuất và phân phối trong chương trình đã phát triển mạng lưới cung ứng hàng hóa khắp các tỉnh, thành như Saigon Co.op, Vissan, Cầu Tre, Saigon Food, Colusa - Miliket, Lotte, Maximart… đều đã thực hiện bình ổn thị trường tại các tỉnh, thành. Bên cạnh nguồn hàng, lãnh đạo TP đã yêu cầu các DN trong chương trình tập trung phát triển nhanh và mạnh mạng lưới phân phối đến với mọi tầng lớp người dân, trong đó ưu tiên cho khu vực ngoại thành, KCN, KCX. Tại các kênh phân phối hiện đại, hàng bình ổn cũng đã xuất hiện dày đặc trên các quầy kệ. Ngay cả siêu thị có yếu tố nước ngoài như Aeon, Lotte mart, Giant, Big C,… hàng bình ổn cũng được bố trí thành những khu vực riêng, dễ nhìn, dễ thấy.

Nhìn nhận về kết quả triển khai chương trình bình ổn thị trường Tết Bính Thân 2016, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, nhìn chung thị trường tết năm nay ổn định, hàng hóa cung ứng dồi dào, phong phú; Nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá góp phần nâng sức mua, giúp gia tăng mãi lực, đúng với dự báo của các doanh nghiệp. Người tiêu dùng tiếp tục có xu hướng thay đổi dần tập quán mua sắm, tiêu dùng thay cho “ăn tết” bằng “chơi tết” và không còn thói quen mua sắm, dự trữ hàng hóa.

Qua kinh nghiệm thực tiễn của nhiều năm tổ chức, Sở Công thương cùng các sở - ngành, UBND quận - huyện và DN Bình ổn thị trường đã có sự chuẩn bị từ rất sớm công tác cân đối cung cầu và phân phối hàng hóa. Kế hoạch tết được xây dựng kỹ lưỡng, chi tiết, triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và được theo dõi, kiểm tra sát sao giúp cho thị trường tết năm nay diễn ra theo như dự báo và đúng kế hoạch chuẩn bị của thành phố, đảm bảo cho người dân TP nói chung và người lao động thu nhập thấp có điều kiện hưởng Tết Bính Thân 2016 “Đoàn kết, vui tươi, an toàn, tiết kiệm”.

Thành quả trên là nhờ vào sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và sát sao của lãnh đạo Thành ủy, UBND TPHCM, các sở, ngành tham mưu đầy đủ để thực hiện nghiêm túc và quan trọng hơn hết là sự tích cực, đầy trách nhiệm trong thực hiện kế hoạch của các DN bình ổn thị trường. Qua đó đã thể hiện được sự lớn mạnh, bản lĩnh của các DN, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bình ổn thị trường của thành phố và cả nước.

HẢI HÀ

Tin cùng chuyên mục