Báo Financial Post của Canada ngày 26-12 đã dẫn dự báo của Ngân hàng Deutsche Bank (Đức) về những diễn biến có thể “biến đổi” các thị trường thế giới trong năm 2013. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo các nền kinh tế hàng đầu thế giới còn có nguy cơ rơi vào cuộc chiến tranh tiền tệ mới trong năm 2013 khi nhiều nước tìm cách giải quyết vấn đề kinh tế bằng cách thao túng tiền tệ nhằm đạt được lợi thế thương mại.
Thay đổi thị trường thế giới
Xu hướng đầu tiên được đề cập đến trong dự báo của Deutsche Bank là việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) bắt đầu mua chứng khoán như một biện pháp chính sách tiền tệ không bình thường. Với việc khu vực nhà đất Mỹ đã vượt qua giai đoạn khó khăn, thị trường chứng khoán mạnh hơn có thể là liều thuốc cần thiết để tăng thêm sự giàu có của các hộ gia đình cũng như thúc đẩy đầu tư. Tiếp theo, đó là trữ lượng khí đốt được phát hiện dưới đáy biển Địa Trung Hải của Hy Lạp ước tính có thể lên tới 600 tỷ USD, có trị giá cao hơn số nợ công hiện nay của họ.
Khả năng các ngân hàng trung ương khắp thế giới có thể hạ lãi suất tiền gửi xuống mức âm và giá chứng khoán tăng khắp thế giới cũng có thể làm thay đổi thị trường. Động thái này có thể được bắt đầu tại Đan Mạch và Thụy Sĩ, sau đó là Nhật Bản để tránh cho việc đồng nội tệ của họ bị định giá cao quá mức. Ngoài ra, các yếu tố như châu Âu có thể được cung cấp điện Mặt trời từ sa mạc Sahara và tình trạng biến đổi khí hậu cũng góp phần làm biến đổi thị trường năm 2013.
Nguy cơ cuộc chiến tiền tệ
Trong khi đó, giới phân tích kinh tế nhận định các ngân hàng trung ương thuộc nhóm 10 quốc gia thành viên của Hiệp ước những dàn xếp chung về cho vay (G-10) cũng nỗ lực hơn nhằm kìm giá nội tệ. Các thành viên G-10 gồm các nước: Bỉ, Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Hà Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Anh và Mỹ đã phát ra những tín hiệu rằng họ sẽ can thiệp thị trường nhằm ghìm giá nội tệ trước làn sóng nới lỏng định lượng toàn cầu.
Hai nhà kinh tế Adam Cole và Elsa Lignos thuộc Ngân hàng Hoàng gia Canada (CIBC) cho biết có nhiều bằng chứng cho thấy tỷ giá hối đoái đóng vai trò lớn hơn trong quyết định chính sách của các ngân hàng trung ương. G-10 nhiều khả năng sẽ theo chân các nước mới nổi tăng cường can thiệp thị trường tiền tệ hoặc ít nhất điều chỉnh chính sách hối đoái.
Thực tế khảo sát cho thấy, ngoài Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ áp trần tỷ giá đồng franc với euro, Ngân hàng trung ương Na Uy có chỉ số can thiệp cao nhất khi luôn đưa ra liên hệ giữa đồng krone mạnh với khả năng hạ lãi suất để ghìm giá nội tệ.
Trong khi đó, Ngân hàng trung ương New Zealand nhạy cảm nhất với những biến động của nội tệ - trái ngược hoàn toàn với Ngân hàng trung ương Australia với mức độ lo ngại thấp nhất. Mỹ đã bơm lượng tiền khổng lồ vào nền kinh tế, tiếp đó là đến Ngân hàng trung ương châu Âu và hiện thị trường đang trong tình trạng cảnh giác cao khi tân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là người có chủ trương nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ để ghìm giá đồng yên.
Theo số liệu từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), lượng dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã tăng từ 6.700 tỷ USD trong năm 2007 lên 10.500 tỷ USD vào giữa năm 2012 – tăng 57% trong vòng chưa đến 5 năm. Trong đó, Thụy Sĩ là nước ghi nhận mức tăng mạnh nhất. Đây chính là dấu hiệu cho thấy các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đang tích cực dự trữ ngoại tệ để ngăn chặn xu hướng tăng giá của đồng nội tệ.
Các nền kinh tế hàng đầu thế giới có nguy cơ rơi vào cuộc chiến tranh tiền tệ mới khi nhiều nước tìm cách giải quyết vấn đề kinh tế bằng cách thao túng tiền tệ nhằm đạt được lợi thế thương mại. Chiến tranh thương mại cũng có thể sẽ bùng nổ trong năm 2013.
Hạnh Chi