(SGGP).- Nhu cầu xuất khẩu gạo đã có, nhưng phức tạp. Đó là nhận định của ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tại buổi họp báo chiều 9-4. VFA nhận định, những thị trường truyền thống của Việt Nam như Philippines, Malaysia vẫn còn, nhưng sẽ khó có hợp đồng tập trung lớn (thông qua đấu thầu) như trước khi diễn biến thị trường không lợi cho nhà xuất khẩu (cung nhiều). Trong khi thị trường Ấn Độ chưa rõ ràng.
Vì vậy, theo ông Phạm Văn Bảy, VFA phải điều hành xuất khẩu gạo với giá hết sức linh hoạt khi đàm phán, sao cho đảm bảo giá mua của bà con nông dân vẫn có thể lời 30% (khoảng 4.000 đồng/kg lúa khô). Đồng thời doanh nghiệp (DN) giữ được khách hàng và có thể ký được các hợp đồng thương mại, duy trì hoạt động và tạo ra sự lưu thông lúa gạo trên thị trường.
Điều quan trọng hiện nay là DN phải chủ động tìm kiếm hợp đồng thương mại, để giảm bớt áp lực về lượng gạo tạm trữ hiện nay, trên 1,8 triệu tấn gạo. Đó là chưa kể Thái Lan hiện đang trữ trong kho khoảng 7 triệu tấn gạo, và dù gạo Thái Lan vẫn cao hơn Việt Nam, khoảng 465-470USD/tấn (gạo 5% tấm) so với gạo Việt Nam cùng loại là 390USD nhưng không loại trừ “đòn gió”. Diễn biến hiện nay có thể kéo dài thêm vài tháng nữa mới thật sự rõ nét.
Thị trường gạo thế giới không suôn sẻ nên VFA vẫn tiếp tục mua tạm trữ 500.000 tấn gạo vào tuần tới sau khi 33 doanh nghiệp hàng đầu đã mua tạm trữ đợt 1 khoảng 1,2 triệu tấn, chưa kể các DN khác cũng đã mua để dự trữ cho các hợp đồng thương mại.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, vụ đông xuân 2009-2010 cơ bản đã thu hoạch xong diện tích (trên 1,5 triệu ha), với khoảng 6 triệu tấn lúa hàng hóa (tương đương 3 triệu tấn gạo).
Trả lời câu hỏi của báo chí, nếu mua tạm trữ xong 500.000 tấn gạo đợt 2 mà vẫn còn lúa hàng hóa và dân có nhu cầu bán, Phó Chủ tịch Thường trực VFA cho biết: Sẽ tiếp tục mua gạo tạm trữ, vì Thủ tướng đã chỉ đạo phải mua hết lúa hàng hóa trong dân. Quý 1-2010, các DN xuất khẩu 1,292 triệu tấn gạo, giảm 18,54% về lượng nhưng giá xuất bình quân cao hơn cùng kỳ 66,42USD/tấn.
Tuy vậy, thời điểm hiện tại giá xuất có xu hướng giảm. Theo kế hoạch, quý 2 các DN sẽ xuất khẩu khoảng 2 triệu tấn gạo.
C.Phiên
Các tin, bài viết khác
-
Độc đáo lễ hội nông sản lớn nhất Bình Định
-
Hoài Ân – Bình Định: Tìm hướng đi bền vững cho nông sản
-
Vận động nông dân xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ
-
Điều chỉnh dự án chăn nuôi bò ngàn tỷ ở Hà Tĩnh
-
Đa dạng công nghệ chế biến, bảo quản nông sản
-
Những “ông vua” cây ăn quả ở Hoài Ân, Bình Định
-
Tìm cách giữ vùng mía nguyên liệu
-
Nông dân trồng lan và cây kiểng gặp gỡ trong Hội chợ, triển lãm sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu TPHCM
-
Nhọc nhằn tìm vị thế gạo Việt
-
Ngày 29-5, Thủ tướng sẽ đối thoại với nông dân