Sau 4 tháng liên tiếp lượng gạo xuất khẩu không đạt kế hoạch đề ra, việc trúng thầu 500.000 tấn gạo 25% tấm mà Philippines vừa tổ chức, giúp “hâm nóng” thị trường lúa gạo trong nước. Nhưng khó khăn vẫn còn đó. PV Báo SGGP đã trao đổi với ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) về vấn đề này.
Gạo Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ ngang giá
- Phóng viên: Năm 2013 sắp qua, ông có thể cho biết việc xuất khẩu gạo trong thời gian tới như thế nào?
>> Ông Trương Thanh Phong: Khả năng đến cuối năm xuất khẩu 6,6 - 6,7 triệu tấn gạo, kim ngạch khoảng 2,9 tỷ USD. Nếu vậy, so với năm 2012 giảm 13% về lượng và 18% về giá trị. Điểm cần ghi nhận là lượng gạo thơm năm 2013 có khả năng xuất khẩu trên 800.000 tấn, chủ yếu là Jasmine với 600.000 tấn, tăng trên 70% so với năm 2012, chiếm 14% tổng lượng gạo xuất khẩu năm 2013, năm 2012 là 7%.
Trong đó có thị trường tỷ lệ gạo thơm của Việt Nam lên đến 42%. Đây là điều tích cực trong bối cảnh bị cạnh tranh gay gắt. Việc tiêu thụ lúa gạo hàng hóa vụ đông xuân 2013 - 2014 sẽ đỡ bị áp lực hơn khi lượng hợp đồng đã ký giao hàng quý 1-2014 lên đến 700.000 - 800.000 tấn gạo, cao gần gấp đôi so với quý 1-2013, trong khi lượng gạo tồn kho thấp hơn cùng kỳ khoảng 50%.
- Việc Thái Lan mở kho và giảm giá bán gạo tác động thế nào khi thị trường gạo thế giới cung vượt cầu?
Ai cũng biết Thái Lan sẽ “xả hàng” khi lượng gạo tồn kho quá lớn, nhưng việc Thái Lan giảm giá nhanh và quá thấp là điều khá bất ngờ. Nếu đầu tháng 8 giá gạo Thái Lan vẫn ở mức 480 USD/tấn thì sang các tháng 9, 10, 11 liên tục sụt giá, chạm mức 400 USD/tấn. Hiện giá gạo của Thái Lan, Ấn Độ và Việt Nam gần ngang nhau. Nếu ở thời điểm khác, đây là điều phấn khởi, nhưng giai đoạn này lại làm hạt gạo Việt Nam bị thất thế trong bối cảnh cung vượt cầu, do chi phí vận chuyển cao hơn, làm giảm lợi thế cạnh tranh gạo Việt Nam, đặc biệt là châu Phi, thị trường lớn thứ 2, chiếm đến 25%, chỉ sau thị trường chính là châu Á chiếm 59% tổng lượng gạo Việt Nam xuất khẩu.
- Thị trường gạo Việt Nam có những chuyển động thế nào, thưa ông?
Năm 2013 là năm thứ 2 liên tiếp Trung Quốc nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. 11 tháng nhập chính ngạch gần 2 triệu tấn, bằng cả năm 2012, chưa kể gần 1,4 triệu tấn gạo tiểu ngạch qua đường biên mậu so với năm 2012 là 400.000 tấn. Trong khi các hợp đồng liên chính phủ giảm mạnh, còn 13% so với 44% năm 2012 tổng lượng gạo xuất khẩu. Do gia tăng sản xuất lượng lúa gạo nội địa, nên những thị trường truyền thống nhập gạo của Việt Nam trước đây có xu hướng ngày càng hạn chế nhập khẩu. Indonesia từng có lúc nhập khẩu gạo của Việt Nam nhiều, nhưng năm nay đã ngưng nhập khẩu. Malaysia lượng nhập cũng giảm.
Với Philippines từng nhập khẩu gần 2 triệu tấn gạo/năm, nhưng trước khi mở đấu thầu 500.000 tấn gạo mới đây, Philippines chỉ mua của Việt Nam 362.000 tấn gạo trong năm nay. Riêng các nước châu Phi, chúng ta đã mở được 5 thị trường có thỏa thuận chính phủ, nhưng bên cạnh vướng mắc việc thanh toán và khó khăn tài chính, các quốc gia châu Phi chỉ mua khi giá gạo Việt Nam thấp hơn Ấn Độ và Pakistan, nếu ngang giá thì rất khó bán do phí vận chuyển cao hơn nhiều so với các nước này.
Sẽ không còn tạm trữ gạo?
- Ông nhận định diễn biến thị trường gạo năm 2014 sẽ như thế nào?
Thế giới tiếp tục khủng hoảng thừa lúa gạo và còn kéo dài vài năm nữa. Các nước xuất khẩu gạo tăng sản lượng và tăng tồn trữ lớn như Thái Lan, Ấn Độ. Một số nước nhập khẩu đã tự lực như Indonesia, Philippines giảm 50%, trừ Trung Quốc. Vì vậy, thị trường gạo năm 2014 tiếp tục bị cạnh tranh gay gắt, khó có khả năng giá tăng cao như năm 2012 trở về trước. Thị trường sôi động nhất vẫn là châu Á và gạo Việt Nam cũng sẽ chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường này. Ngoài ra, châu Phi vẫn là thị trường lớn và có thể mở rộng thêm. Riêng Trung Quốc hy vọng tiếp tục là thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam trong năm 2014.
- Vậy chúng ta có biện pháp gì để ứng phó với tình trạng này?
Như đã nhận định, do sự cạnh tranh giữa các nước nên năm 2014 muốn xuất khẩu được thì phải tìm cách giảm giá thành, đây là điều cần làm. Việc sản xuất lúa gạo phải đi vào hướng chất lượng cao mới có thể tiếp tục chen vào và nâng thị phần ở thị trường mà Thái Lan độc quyền trước đây. Hiện nay Thái Lan bán bằng giá gạo Việt Nam, nhưng với lợi thế là gạo tươi, mới nên được khách hàng ưa chuộng hơn. Lúa thơm cũng là mặt hàng nên tập trung sản xuất nhiều. Lợi thế cạnh tranh lớn nhất hiện nay của loại gạo này là giống Jasmine, nhờ phù hợp thời tiết, thổ nhưỡng và chớp lấy thời cơ khi Thái Lan giảm diện tích trồng giống này và gạo Mỹ giá quá cao. Ngoài ra, nếp cũng là mặt hàng nên mở rộng sản xuất nhưng phải trồng chuyên canh, không xen để đảm bảo chất lượng.
- Thưa ông, sau hơn chục năm tạm trữ, năm 2013, giải pháp này tỏ ra kém hiệu quả. Năm 2014, khi mà dự báo trước khó khăn vẫn còn, vậy việc tạm trữ sẽ còn tiếp tục?
Giải pháp tạm trữ trước đây ít nhiều đã có những tác động tích cực trong việc tiêu thụ hết lúa gạo hàng hóa và giữ giá khá ổn định, nhưng với bối cảnh hiện nay không còn phù hợp. Vì vậy, bên cạnh việc sửa đổi Nghị định 109, nhiều khả năng sẽ có cách làm khác với nhiều biện pháp kết hợp. Có thể hỗ trợ đầu vào cho người trồng lúa, như mỗi hécta sản xuất bà con nông dân có thể được hỗ trợ một khoản tiền, giảm các khoản phí ở nông thôn. Bên cạnh đó, Nhà nước cần quản lý giá vật tư ổn định, không bị làm giả; cung cấp giống đảm bảo chất lượng...
CÔNG PHIÊN