Xuất khẩu gạo trong 2 tháng trở lại đây có nhiều tín hiệu lạc quan. Song nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lo lắng áp lực trữ gạo trong kho ngày càng đè nặng lên vai. “Đến thời điểm này, chúng ta không có gì lo lắng. Thị trường xuất khẩu gạo sau quý 2 sẽ tốt hơn” – ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nhận định như vậy tại Hội nghị sơ kết xuất khẩu gạo tháng 4 và kế hoạch xuất khẩu quý 2 ngày 6-5.
- Doanh nghiệp chia sẻ khó khăn
Theo VFA, trong 4 tháng đầu năm 2010, Việt Nam đã xuất khẩu gần 2 triệu tấn gạo, giá trị đạt gần 1 tỷ USD, giá xuất khẩu tăng bình quân 44,22 USD/tấn. Đáng chú ý là trong tháng 4-2010, số lượng xuất khẩu gạo tăng hơn 18%, tăng 16,74% về giá trị FOB so với tháng 3 và cùng kỳ. VFA nhận định, xu hướng thị trường gạo thế giới trong quý 2 tiếp tục sụt giảm, người mua thận trọng trong giao dịch để tránh rủi ro. Trước hết là vấn đề tài chính đối với các thị trường chịu ảnh hưởng của đồng EUR (đang giảm mạnh) tác động đến nội tệ, làm giá hàng hóa nhập khẩu tăng cao, hạn chế sức mua.
Ngoài ra, Thái Lan, Việt Nam và Pakistan đang có gạo tồn kho nhiều, nên nếu nhu cầu không khôi phục, đặc biệt từ châu Phi, giá sẽ tiếp tục giảm. Do Thái Lan ứ đọng, nên lúa gạo từ Campuchia cũng tràn vào Việt Nam làm tăng thêm áp lực. Dù vậy, nhiều đại biểu cho rằng: thị trường đang tìm sự ổn định hơn là biến động giá thấp; sự ổn định cho phép thương mại phục hồi ở mức giá hợp lý.
Tại hội nghị, hầu hết các doanh nghiệp đều lo lắng và kiến nghị cần phải xem xét đến việc hỗ trợ lãi suất. Theo tính toán của ông Phan Xuân Huế, Phó Tổng Giám đốc Công ty Lương thực miền Bắc: Các khoản chi phí cho 1 tấn gạo trữ trong kho khoảng 7 - 8 USD/tháng, áp lực giải phóng kho trữ ngày càng lớn.
Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, lý giải: “Trong văn bản chỉ đạo, Thủ tướng cho rằng, trong quá trình tạm trữ chờ xuất khẩu, doanh nghiệp có gặp khó khăn thì báo cáo với các bộ rồi trình Thủ tướng có ý kiến nhưng hiện chưa bán ra nên chưa đánh giá tình hình. Nhưng theo tôi, trong 6 tháng đầu năm chưa nhất thiết xin hỗ trợ lãi suất. Các doanh nghiệp cần phải góp phần gánh vác khó khăn cùng Chính phủ”.
- Trữ gạo đông-xuân để “khắc chế” gạo hè-thu!
Hiện nông dân ĐBSCL đã xuống giống khoảng 900.000 ha lúa hè-thu, trong tháng 5-2010 sẽ xuống giống dứt điểm 1,6 triệu ha. Một số nơi ở ĐBSCL bắt đầu thu hoạch. Với sản lượng lúa hàng hóa khoảng 3 triệu tấn, việc tiêu thụ là một thách thức.
“Số lượng gạo còn trữ trong kho doanh nghiệp gần 2 triệu tấn, hợp đồng xuất khẩu còn hơn 2 triệu tấn, việc tồn kho không đáng ngại trong quý 2. Nhưng vấn đề là chuyện điều hành tiêu thụ lúa hàng hóa trong vụ hè-thu tới đây. Nguyên nhân do đầu vụ sản xuất nông dân chịu ảnh hưởng nặng từ hạn hán, chất lượng thu hoạch sẽ thấp. Đây là khó khăn đối với nông dân và doanh nghiệp” – ông Trương Thanh Phong nhận định.
Cây lúa gặp hạn dẫn đến gạo bạc bụng, hạt không no. Nông dân thu hoạch rộ vào thời điểm mưa rất khó để xứ lý ẩm độ. Các doanh nghiệp đang lo lắng “kịch bản” hàng trăm tấn lúa IR 50404 tồn đọng sẽ tái diễn – nếu nông dân cứ trồng tiếp giống lúa này trong vụ hè-thu.
“VFA đưa ra giá bảo hiểm mua lúa cho nông dân là 4.000 đồng/kg trong vụ hè-thu. Đây là giá bảo hiểm, còn giá mua phải theo thị trường. Lúa đông-xuân chưa cần hỗ trợ nhưng vụ hè-thu Chính phủ cần can thiệp hỗ trợ các doanh nghiệp” – ông Trương Thanh Phong cho biết.
Trao đổi với PV Báo SGGP về việc “xử lý lúa hè-thu có chất lượng không cao”, ông Phong cho rằng: “Bằng mọi cách phải trữ 1 triệu tấn gạo đông-xuân trong kho để đấu trộn với gạo hè-thu”. Đây được xem là cách “cân bằng” lại chất lượng lúa gạo hè-thu, sẵn sàng xuất khẩu khi nhu cầu thế giới tăng trở lại
CAO PHONG
Xử lý các doanh nghiệp “xé rào” Các doanh nghiệp đều nhận định: Giá xuất khẩu gạo hiện nay đã chạm đáy, giá sàn xuất khẩu 350 USD/tấn là hợp lý và không còn đường lùi! Tuy nhiên “bóng ma” chào bán phá giá lại xuất hiện. Ông Trương Thanh Phong kể: Một doanh nghiệp chào giá xuất khẩu cho Brazil có 330 USD/tấn. Mức giá này dưới giá thành sản xuất gạo thường của Việt Nam (gạo xuất vào Brazil tiêu chuẩn rất cao). Thực tế các “đại gia ngành gạo” không bán phá giá vì họ biết đây là lợi ích chung, chỉ có doanh nghiệp nhỏ lâu lâu nhảy vào phá đám. Ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu, đề xuất: “Cần phải kiểm soát chặt và xử lý nghiêm các doanh nghiệp xé rào chào hàng giá thấp ở các thị trường tập trung”. VFA đang theo sát diễn tiến chuyện xuất khẩu gạo qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch để có hướng xử lý. |