Cuối tháng 3, 77 người con của thủ đô Hà Nội - các chiến sĩ của Trung đoàn 209 (thuộc Quân khu Thủ đô) đã được đón về an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Sa Thầy sau 43 năm nằm lại ở cao điểm 996 Chư Tan Kra (thuộc địa bàn xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum). Để đón các anh về, cán bộ, chiến sĩ Đội K53 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum), cùng đồng đội và người thân đã lặn lội tìm kiếm, quy tập hơn một tháng ròng...
Gian nan hành trình tìm kiếm
Thượng tướng Nguyễn Thế Trị, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng, Trưởng ban liên lạc Trung đoàn 209 kể rằng: Trong kháng chiến chống Mỹ, Trung đoàn 209 là một trong những đơn vị chủ lực với đa số chiến sĩ là con em Hà Nội, tuổi đời mới chỉ mười tám, đôi mươi. Đầu năm Mậu Thân 1968, sau thời gian dài hành quân, Trung đoàn 209 đến mặt trận Kon Tum và trận Chư Tan Kra là trận đánh đầu tiên của đơn vị trên chiến trường Tây Nguyên. Trong trận này, Trung đoàn 209 đã tiêu diệt hàng trăm tên địch. Song do tương quan lực lượng có sự chênh lệch lớn, hơn 200 cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn đã anh dũng hy sinh dưới chân dãy núi Chư Tan Kra vào rạng sáng ngày 26-3-1968.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng trong tâm khảm mỗi cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 209 luôn day dứt vì chưa tìm được hài cốt của những đồng đội mình đang nằm lại trên chiến trường. Vì vậy, trong những năm qua, Ban liên lạc của trung đoàn đã không quản gian khó, phối hợp với địa phương tìm kiếm các anh. “Chúng tôi luôn tâm niệm một điều rằng, dù vất vả, gian khó đến mấy, chỉ cần có một tia hy vọng thì cũng phải cố gắng tìm được hài cốt của các đồng chí, đồng đội còn đang nằm rải rác trên các chiến trường năm xưa để đưa các anh về với đất mẹ, khi ấy chúng tôi mới hoàn thành được nhiệm vụ người lính”, Thượng tướng Nguyễn Thế Trị bày tỏ.
Công việc tìm kiếm, quy tập hài cốt các chiến sĩ Trung đoàn 209 năm xưa không hề đơn giản bởi sau 43 năm, địa hình, địa vật đã thay đổi nhiều. Trong khi đó, những thông tin rất ít nên ngay việc xác định đúng nơi các anh ngã xuống cũng khó. Mặt khác, năm đó, quân đội Mỹ đã đào hố chôn tập thể rồi đổ xăng đốt nên thi hài cũng như những tư trang, hành trang của các anh đều bị cháy, khiến việc tìm kiếm càng trở nên khó khăn. Nhưng với quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao, cán bộ, chiến sĩ Đội K53, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Sa Thầy và các cựu chiến binh của Trung đoàn 209 đã quy tập được 81 hài cốt liệt sĩ sau hơn 1 tháng trời lặn lội tìm kiếm.
Trung úy Lê Đức Mỹ (Ban Chỉ huy Quân sự huyện Sa Thầy) – Thành viên của đội tìm kiếm cho biết: Chỉ với thông tin duy nhất là các chiến sĩ Trung đoàn 209 ngã xuống ở dãy Chư Tan Kra do các cựu chiến binh của trung đoàn cung cấp, các anh em trong đội đã cố gắng lần tìm theo từng dấu vết, từng chi tiết nhỏ nhất. Nhưng công việc tìm kiếm rất khó khăn bởi địa hình phức tạp và đã thay đổi nhiều do chiến tranh, do thời gian, song với quyết tâm phải tìm cho được các anh, anh em chúng tôi đã bám đất, bám rừng, vượt qua nhiều trở ngại. Cuối cùng, công sức và tấm lòng của anh em đã được đền đáp. Sau hơn một tháng ròng, chúng tôi đã tìm thấy hài cốt của các anh được chôn trong hố tập thể ở độ sâu 3m. Nhưng do xương, di vật hầu như đã bị cháy hết, chỉ còn lại một vài chi tiết nhỏ cùng với một vài di vật như chiếc bút máy Trường Sơn hay chiếc bình uống nước mini nên rất khó xác định được danh tính. Do vậy, trong số 81 hài cốt được tìm thấy, chúng tôi chỉ xác định được danh tính của 4 anh là Nguyễn Đình Tâm, Lê Văn Xuyên, Lưu Văn Cập, Nguyễn Văn Tạo (quê ở Gia Lâm – Hà Nội) và các anh đã được gia đình đón về an táng tại quê nhà. 77 hài cốt còn lại được an táng tập thể tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Sa Thầy.
Nghẹn ngào ngày trở về
Ngày 25-3, Nghĩa trang liệt sĩ huyện Sa Thầy đông kín người. Đông đảo cán bộ, nhân dân trong tỉnh Kon Tum, các đồng chí, đồng đội, người thân của các chiến sĩ đã tập trung thành kính đón các anh về. Những tiếng khóc vỡ òa sau hơn 40 năm chờ đợi. Trên lễ đài, các anh nằm dưới cờ Tổ quốc, xung quanh là những bó hoa huệ trắng, những nén nhang thơm thể hiện lòng kính trọng, biết ơn dành cho các anh.
Bà Nguyễn Thị Vân – chị gái của liệt sĩ Nguyễn Thế Thuyết (ở phố Đội Cấn, Hà Nội) nghẹn ngào kể: Năm 1967, khi ấy cậu Thuyết mới 19 tuổi đã xung phong lên đường nhập ngũ. Một năm sau, gia đình tôi nhận được tin cậu Thuyết hy sinh, mẹ tôi đã khóc rất nhiều; cho đến ngày về với tổ tiên, lòng bà vẫn canh cánh một điều là chưa tìm được hài cốt của con trai. Hơn tháng trước, khi được Ban liên lạc Trung đoàn 209 báo tin đã biết được nơi cậu Thuyết hy sinh, gia đình tôi mong ngóng từng ngày để được vào tận nơi, được tự tay đón hài cốt của em tôi. Tôi còn đưa cả các cháu vào để chúng biết được nơi an nghỉ của cậu, của chú mình để sau này sẽ thay chúng tôi đến lo nhang khói.
Còn với bà Phạm Thị Mạc (ở 20 Ấu Triệu, Hà Nội) - em gái của liệt sĩ Phạm Văn Dong đã vượt hơn 1.000km, lặn lội vào tới tận căn cứ Chư Tan Kra chỉ với mong muốn được tận tay cất bốc hài cốt của anh trai mình. Bà Mạc tâm sự: Từ năm 1967, sau ngày anh Dong lên đường nhập ngũ, gia đình tôi không nhận được một lá thư nào của anh. Đến tháng 9-1969, gia đình nhận được giấy báo tử. Dẫu đau xót, nhưng gia đình tôi thấy tự hào bởi sự hy sinh của anh đã góp phần cho ngày toàn thắng. Ngày biết tin các đồng đội đang tìm kiếm hài cốt anh, cha tôi đã giục chúng tôi lên đường để đưa anh về. Tiếc rằng, không thể xác định được hài cốt của anh, nhưng dù sao gia đình tôi cũng cảm thấy an ủi bởi sau nhiều năm nằm ở giữa núi rừng, sương gió, giờ anh đã được về nơi an nghỉ thiêng liêng và trang trọng cùng với các đồng chí, đồng đội và trong tình yêu thương của người dân Tây Nguyên.
Đức Trung – Minh Hải