Nói ấp đảo Thiềng Liềng (huyện Cần Giờ, TPHCM) là nơi hạt muối phải cắn làm đôi cũng không ngoa, bởi nghề làm muối chỉ làm được 6 tháng nắng, còn 6 tháng mưa thì phải đi làm mướn nơi xa. Ai kêu gì làm nấy. Có khi gom được ít tiền làm lộ phí ra xã, ra huyện tham gia vào “chợ cửu vạn”, ngồi mãi không ai thuê, ăn hết “lộ phí” lại ngược con nước về đảo; vào ra chờ trời nắng lại ra ruộng làm muối.
Trao học bổng cho học sinh ở đảo Thiềng Liềng
Hết lòng với bà con nghèo
Chuyến đi đến Thiềng Liềng của đoàn chương trình Mùa xuân biên giới (MXBG) rơi vào ngày nước rút bất thường. Tàu BP 14-04-02 của Hải đội 2 (của Lực lượng Biên phòng TPHCM) chở chúng tôi cùng nhiều tấn quà tết phải buông neo ngoài khơi xa và tăng bo bằng thuyền lá vào đảo. Nhóm bác sĩ và các thùng thuốc ưu tiên vào đảo trước vì bà con đợi khám bệnh đã lâu. Nhiều người trong đoàn khi lội qua vùng đá đầy hàu sắc trước khi tiếp đất đã lật cổ chân, ngã nhoài, tay bị hàu cắt đổ máu... Rất khó khăn chúng tôi mới chuyển hết 200 thùng mì, gần 2 tấn gạo, gần 2.000 hộp sữa nước, mấy trăm phần quà tết tặng người dân và bộ đội biên phòng, gồm: dầu ăn, nước tương, bột ngọt, đường, mùng, bột ngũ cốc... Nhiều người dân từ rừng vào loay hoay ở khu khám bệnh mà không dám vào vì “tụi tui ở ngoài tán rừng, không có phiếu, khám được không?”. Nghe vậy, anh Lương Cường, Bí thư Đoàn Viện Tim, ân cần mời tất cả vào khám bệnh. Mấy năm nay mới lại có đoàn bác sĩ bệnh viện lớn của TP đến khám bệnh, phát thuốc miễn phí nên bà con đến rất đông. Cầm trên tay một túi thuốc đặc trị huyết áp và khớp trị giá nhiều triệu đồng và lời hẹn gặp lại ông tái khám tại Viện Tim, ông Năm Cho mặt đỏ lừ vì huyết áp đang cao run tay, lắp bắp cảm ơn mãi. Không chỉ một ông Năm Cho mà có đến 70% số người đến với chúng tôi bị cao huyết áp, có đến gần 80% bị bệnh khớp và 90% bị đau dạ dày.
Số thuốc đặc trị về huyết áp, thuốc khớp và đau dạ dày, lần đầu tiên được các bác sĩ Viện Tim và Bệnh viện Tâm Đức dùng hết cơ số thuốc mang theo. Vì sao dân xứ biển mà huyết áp cao nhiều thế? BS Nguyễn Thanh Huy, khoa Cấp cứu Viện Tim, người gắn bó gần 10 năm với đoàn MXBG thở dài nói với tôi: “Số người dân ở Thiềng Liềng và Lý Nhơn đến khám, hỏi vì sao bị huyết áp cao thế. Họ kể, cơm của họ thường thì chỉ ăn “món” muối hột đâm ớt và cá khô ướp mặn”.
Bà Lê Thị Mến, kinh tế gia đình bà trông cả vào những gánh muối mặn chát, than: “Nghề gánh muối thuê cũng cực thân lắm. Mỗi gánh muối 80kg, gánh từ ruộng muối ra bến tàu được trả 2.000 đồng tiền công. Cả nhà tui mần được hơn 50.000 đồng/ngày”. Khi chúng tôi vào xin quay phim, chụp ảnh, bà bảo chờ chút để “sắm bữa cho tươm tất”. Tươm tất của bà là một bát đậu hũ kho muối và một dĩa nhỏ rau hái ngoài vườn cho có “món này món kia”. Khó khăn là thế nhưng bà vẫn cố nuôi cô cháu nhỏ ăn học để “nữa lớn lên có việc làm khác, không phải oằn lưng vì gánh muối”. Chẳng trách, khám bệnh ở hai nơi Lý Nhơn và Thiềng Liềng với gần 500 người thì hết 70% bị đau khớp, đặc biệt có những người đốt sống lưng gồ hẳn lên. “Hình như, vai họ cứ bên thấp bên cao, nhìn thật khổ”, anh Dương Vũ Thông, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TPHCM, cùng tham gia chuyến đi, nói như thế khi nhìn người dân lam lũ vùng biển đến khám bệnh, nhận quà. Chẳng nề hà nặng nhẹ, anh cũng trở thành người bốc vác quà tết và xách quà giúp người già như các thành viên trong đoàn. Anh bảo: “Những hoạt động ấm tình người thế này, thật ý nghĩa và các câu lạc bộ nghề báo nên quan tâm tổ chức. Các nhà báo trẻ cần có những vốn sống, cần những xúc động thật tự tâm như thế này để bài viết ấm áp hơn là cứ loanh quanh trong phố”.
BS Nguyễn Thanh Huy đề nghị: “Mình nấu nước để pha sữa cho bà con uống với thuốc xổ giun vì sợ về nhà họ vứt thuốc hoặc uống quá liều”. Cu Đen uống xong một ly sữa, liếm mép thật kỹ rồi quay lại xin uống thêm viên thuốc nữa vì “sữa ngon mà thơm quá” ?! Nhìn thằng bé còm cõi uống ừng ực ly sữa thứ hai (không thêm thuốc) một cách ngon lành, chúng tôi thấy hạnh phúc chẳng quá xa xôi. Vũ Ninh (Tập đoàn Tôn Hoa Sen), Quỳnh Nga (Bí thư Đoàn của HOSE) và Cường (Công ty TNHH DB) - những nhà tài trợ tham gia chuyến đi đã không giấu được cảm xúc khi thấy những cụ già, em nhỏ khệ nệ ôm, xách gói quà hàng trị giá gần 600.000 đồng/ phần cười nói rất vui: “Tết này nhà tui khỏi mua thứ gì nữa, có đủ thứ rồi”.
Giấc mơ thương hiệu Thiềng Liềng
Bác sĩ Viện Tim và Bệnh viện Tâm Đức khám sức khỏe miễn phí cho người dân
Ở đây, đất mặn đồng khô, nên có người mang cả giấc mơ đổi đời đặt vào tên con - Nguyễn Thành Tỷ Phú. Mà cậu bé Tỷ Phú cũng rất nỗ lực để đổi đời bằng việc học, trong chương trình MXBG lần thứ 13, cậu là một trong 70 học sinh được nhận học bổng (trị giá 400.000 đồng/phần). Giữa trưa, trời nắng gắt, hai bà cụ loay hoay ngoài sân nắng nhìn chúng tôi như muốn nói điều gì đó. Mai Hạnh, chuyên viên ĐH Luật TPHCM và BS An (BV Tâm Đức) bước tới hỏi mới hay, bà không có tên lãnh quà tết vì là hộ ghép, bà cụ khác thì sống đơn chiếc ngoài bìa rừng. Hai cụ và một cậu thanh niên bị thiểu năng đều được nhận quà tết dù không có tên trong danh sách. Nhìn họ ôm phần quà tết trị giá hơn 500.000 đồng/phần trong tay đi hối hả, không ngoái lại, cứ như sợ chúng tôi thay đổi ý; chúng tôi ước mình có nhiều hơn nữa những món quà để chia sẻ niềm vui ngày tết với bà con nghèo...
Và cũng như bao nhiêu chuyến công tác khác, đối ứng hỗ trợ nhiệt thành nhất cho Đoàn MXBG vẫn là các cán bộ, chiến sĩ biên phòng. Năm nay, Lực lượng Biên phòng TPHCM đã hỗ trợ và tổ chức cho chúng tôi, những nhà báo, bác sĩ, điều dưỡng, doanh nhân trẻ của Đoàn MXBG thăm, tặng quà tết đồn Biên phòng Long Hòa, Trạm biên phòng Lý Nhơn, Thiềng Liềng và một đêm giao lưu “vui hết biết” với những người lính biên phòng đen sạm vì nắng gió của Hải đội 2 bên bãi biển vàng ánh trăng, ầm ì sóng vỗ... Dù đã giao công việc đối ứng đoàn cho Thiếu tá Trà và Thượng úy Minh Tiến, nhưng Đại tá Nguyễn Duy Thắng, Phó Chính ủy Biên phòng TP vẫn quan tâm đến khi chúng tôi chuẩn bị lên tàu của Hải đội 2 ra đảo rồi quay trở về TP giữa đêm cho kịp công việc ngày mai.
****
Chia tay đảo nhỏ chơi vơi chúng tôi rất vui khi thấy nhiều cột điện đang được các sà lan chuyên dụng chở lên đảo. Anh Sáu Yến cười khoe: “Tháng 5 này đảo tui có điện lưới rồi”. Nhưng nụ cười anh tắt rất nhanh. “Sao mới vui đó, buồn nhanh vậy?”. Anh Sáu Yến nói: “Tây Ninh, đất liền, không có ruộng muối, tôm cũng phải đi mua mà họ có đặc sản “muối tôm” nổi tiếng cả nước, biết bao nhiêu hộ gia đình sống tươm tất no đủ nhờ sản phẩm muối tôm; còn Thiềng Liềng có muối, có tôm cạnh nhà mà không thể mần được món muối tôm cho dân có việc làm cả năm, thoát nghèo; thoát cảnh 6 tháng bỏ xứ đi mần thuê lang thang. (Anh thở dài). Không ai chịu về đây đầu tư nhà máy vì không nước ngọt, không có đường đi... Không chỉ tui mà bà con đảo này đều ước có con đường nối với xã Thạnh An để xấp nhỏ không đánh đu với con nước dữ đi học mỗi ngày, để không còn cảnh nửa đêm mượn cano biên phòng cấp cứu người bệnh, để mấy doanh nghiệp “tiện đường” ra đây đầu tư nhà máy cho dân Thiềng Liềng tui đổi đời...” Chúng tôi rời đảo với ước mong, mai này, nhiều đặc sản vùng biển bày bán trên cả nước có thương hiệu “Thiềng Liềng”.
PHẠM THỤC