(SGGP).- Tình hình tôm chết kéo dài ở các tỉnh ĐBSCL đã gây thiệt hại nặng nề cho nông dân. Chiều 15-5, ông Võ Văn Chồi, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), cho biết: “Nạn tôm chết dai dẳng từ giữa tháng 3-2011 đến nay vẫn chưa dứt. Toàn xã thả nuôi được 800ha thì tỷ lệ thiệt hại từ 85%-90%, trong đó nhiều hộ thả đi thả lại mấy lần nhưng tôm vẫn chết. Hiện tại người nuôi rất lo lắng vì đây là lần đầu tiên tôm chết nhiều, kéo dài nhưng chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh và phương pháp phòng trị hiệu quả”.
Theo ước tính của các nhà chuyên môn, với hàng chục ngàn ha tôm chết ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre… trong những ngày qua đã làm thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng. Mặc dù Bộ NN-PTNT đã thành lập các đoàn công tác trực tiếp khảo sát những vùng tôm chết và chỉ đạo các ngành liên quan vào cuộc tìm nguyên nhân gây dịch bệnh, tuy nhiên vẫn chưa thể khống chế được nạn tôm chết.
Tại Kiên Giang, nhiều hộ nuôi cá bống mú ở xã Bình An, huyện Kiên Lương cũng đang mắc nợ vì tình trạng cá chết hàng loạt. Theo Hợp tác xã nuôi thủy sản Đức Trí (xã Bình An) rất nhiều xã viên đã nuôi cá bống được 11 - 12 tháng, trọng lượng từ 0,9 - 1kg/con, sắp thu hoạch thì cá ngã bệnh và chết sạch. Giá cá bống hiện nay khoảng 250.000 - 270.000 đồng/kg, ước thiệt hại hơn 4 tỷ đồng.
H.Lợi – N.Thanh