(SGGPO).- Sáng nay 24-11, tại TP Hội An (Quảng Nam), Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) thông qua Sáng kiến Rừng ngập mặn cho tương lai (MFF) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam và UBND TP Đà Nẵng tổ chức Đối thoại bàn tròn cấp cao về Quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và vùng bờ Đà Nẵng – Quảng Nam: Một cách tiếp cận “Từ đầu nguồn xuống biển”.
Mục đích của đối thoại bàn tròn lần này là nhằm tăng cường phối hợp giữa các bên liên quan, đặc biệt là cơ chế phối hợp liên vùng, liên tỉnh giữa tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng để áp dụng thử nghiệm phương thức quản lý tổng hợp lưu vực sông và vùng bờ biển; chia sẻ thông tin, các bài học kinh nghiệm giữa các nhà khoa học, quản lý trong và ngoài nước...
Do chưa có sự quản lý tổng hợp từ đầu nguồn xuống biển nên biển Cửa Đại (Hội An) bị thiếu hụt lớn lượng cát do thủy điện, việc khai thác cát làm mất cân bằng nguồn cát, gây sạt lở. Ảnh: Nguyên Khôi
Lưu vực sông và vùng bờ biển là hai hệ thống tự nhiên liên kết với nhau về mặt không gian và có tầm quan trọng đặc biệt đối với tài nguyên nước và các dạng tài nguyên thiết yếu khác phục vụ sự phát triển của quốc gia và đời sống con người. Cách quản lý truyền thống, thiếu liên ngành, liên vùng và chưa xem xét ảnh hưởng của lưu vực sông tới vùng bờ biển hiện nay đang đẩy các lưu vực sông và vùng bờ biển vào thế phát triển thiếu bền vững.
Trước tình hình đó, quản lý tổng hợp lưu vực sông và vùng bờ biển với cách tiếp cận “Từ đầu nguồn xuống biển” đã được khởi xướng và được nhiều tổ chức quốc tế trong đó có IUCN thúc đẩy và áp dụng thí điểm. Đây là phương thức quản lý nhấn mạnh đến hai nguyên tắc then chốt, đó là: tính phụ thuộc lẫn nhau của hệ thống lưu vực sông, vùng bờ biển; tính lồng ghép về thể chế và cơ chế chính sách, tính liên vùng, liên tỉnh trong quản lý lưu vực sông và vùng bờ biển.
Tại Việt Nam, lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ biển Quảng Nam - Đà Nẵng được lựa chọn nghiên cứu nhằm áp dụng thử nghiệm phương thức quản lý mới này với sự trợ giúp kỹ thuật của IUCN thông qua Chương trình Rừng ngập mặn cho tương lai.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: “Lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn là một trong số lưu vực sông lớn ở nước ta có ảnh hưởng trực tiếp xuống vùng bờ biển Quảng Nam - Đà Nẵng. Các hoạt động phát triển kinh tế mạnh mẽ cùng với cách tiếp cận quản lý tài nguyên nước hiện nay chưa hoàn toàn phù hợp với lưu vực sông Vu Gia -Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng. Đây chính là nhân tố làm suy giảm chức năng và sự sống của lưu vực, gây trở ngại cho phát triển KT-XH của TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam trong tương lai”.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, cần tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp giữa tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng, giữa các ban, ngành và các bên liên quan để quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ biển Quảng Nam - Đà Nẵng. Nếu thực hiện tốt đây sẽ là mô hình nên nhân rộng cho các lưu vực sông khác có điều kiện tương tự ở nước ta".
Biển Cửa Đại bị xói lở nghiêm trọng do thiếu nguồn cát từ thượng nguồn. Ảnh: Nguyên Khôi
Với những nỗ lực không ngừng từ phía IUCN cũng như từ phía chính quyền tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng, bước đầu các bên liên quan đã đạt được sự đồng thuận về dự thảo Thỏa Thuận Phối hợp giữa UBND TP Đà Nẵng và UBND tỉnh Quảng Nam về áp dụng thử nghiệm “Quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ biển Quảng Nam - Đà Nẵng”.
Dự kiến lễ ký kết thỏa thuận sẽ sớm được tổ chức sau đối thoại với sự tham gia của đại diện lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng, UBND tỉnh Quảng Nam và các bên liên quan. Thỏa thuận được ký sẽ là căn cứ cho các nhà tài trợ tiếp tục đồng hành cùng 2 địa phương trong giai đoạn 3 năm áp dụng thử nghiệm.
Đây cũng là bước tiến quan trọng tăng cường phối hợp và chia sẻ thông tin giữa tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng và các bên liên quan để quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ biển Quảng Nam - Đà Nẵng, tiến tới hài hòa giữa phát triển kinh tế, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, các hệ sinh thái và các nguồn tài nguyên tái tạo trên lưu vực sông và vùng bờ biển.
Nguyên Khôi