Các nhà máy đường ở Hậu Giang đang đứng trước cảnh “dở khóc, dở cười” khi phải ngưng hoạt động cục bộ vì thiếu nguyên liệu. Mà nguyên nhân chủ yếu do nông dân “neo mía” chờ giá bán tăng thêm!?
Từ đầu tháng 10-2016 đến nay giá mía luôn ở mức cao. Người trồng mía ở Hậu Giang sau khi thu hoạch, bán, trừ đi chi phí có thể thu về lợi nhuận từ 50 – 100 triệu đồng/ha. Tuy nhiên hiện tại người dân ở địa phương này vẫn chưa chịu bán mà còn chần chừ chờ giá tăng lên thêm, khiến cho các nhà máy đường đã đi vào hoạt động nay phải tạm ngừng vì không có mía để ép.
Nông dân Hậu Giang thu hoạch mía. Ảnh: Cao Phong
Sáng ngày 13-10, ông Trần Quang Trí - chuyên chở mía thuê ở vùng mía huyện Phụng Hiệp cho biết: “Ghe tui có tải trọng gần 30 tấn. Mọi năm vào thời điểm này, thương lái liên tục thuê chở mía từ vùng nguyên liệu về các nhà máy đường. Vậy mà năm nay, từ đầu vụ đến giờ chỉ chở được vài chuyến do người dân chưa chịu thu hoạch mía để bán”.
Hậu Giang có vùng mía nguyên liệu lớn nhất ở ĐBSCL. Ở vụ mía này, toàn tỉnh có gần 11.000 ha, đạt 104% kế hoạch. Trong đó, gần 5.000 ha mía được trồng với giống chín sớm, chủ yếu là giống mía ROC 16 đã đến kỳ thu hoạch cho chữ đường khá cao. Tuy nhiên, hiện toàn tỉnh mới thu hoạch được hơn 1.500 ha mía. Người trồng mía Hậu Giang lý giải nguyên nhân chưa chịu thu hoạch mía bán là do năm nay diện tích mía toàn vùng ĐBSCL giảm nên sắp tới sẽ xảy ra tình trạng khan hiếm mía nguyên liệu khi các nhà máy trong vùng đồng loạt vào vụ ép.
Vắng lũ, không bị áp lực thu hoạch chạy lũ vì vậy nông dân cứ chần chừ “neo” mía chờ chữ đường cao hơn cũng như chờ giá tiếp tục nhích lên. Ông Võ Văn Phường ở ấp Mỹ Hiệp, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp cho biết: Vụ này ông trồng 2 ha mía giống ROC K16. Hiện mía đã đạt chữ đường và thương lái tìm đến trả với giá 1.200 đồng /kg nhưng ông vẫn chưa chịu bán. Ông đang chờ giá mía nhích lên khoảng 1.300 đồng – 1.400 đồng/kg mới bán.
Tình trạng người dân chưa chịu bán mía trong lúc này mà cố gắng chờ giá lên đã làm cho nguồn mía nguyên liệu cung ứng về cho các nhà máy đường ở Hậu Giang ngày một ít, đẩy các nhà máy này vào tình trạng khó khăn do thiếu mía ép. Theo lãnh đạo Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ (CASUCO): Từ cuối tháng 9-2016, hai nhà máy của công ty là Nhà máy đường Vị Thanh và Nhà máy đường Phụng Hiệp đã chính thức đi vào hoạt động. Tuy nhiên từ đó đến nay, mỗi ngày, hai nhà máy đường thuộc CASUCO chỉ tiếp nhận từ 1.000-1.200 tấn mía cây, trong khi công suất ép của mỗi nhà máy là 3.000 và 3.500 tấn mía cây/ngày. Hiện tại do không có mía nên công ty đã tạm ngưng hoạt động cả hai nhà máy trong mấy ngày qua để chờ mía. Dự kiến đến ngày 15-10 mới ép lại.
Trong khi đó, Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát (LOSUCO) đã đưa nhà máy đường vào hoạt động từ ngày 10-9, tuy nhiên đến nay vẫn chưa ép hết công suất. Ông Võ Văn Chính, Phó Giám đốc LOSUCO cho biết: Nông dân thấy giá mía, giá đường cao, nên neo mía, gây khó khăn cho các nhà máy. Công suất nhà máy là 2.200 tấn/ ngày, mà hiện tại nhà máy chạy sản xuất chỉ 1.500 tấn/ ngày, chỉ đạt 70% theo thiết kế.
Nông dân xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang thu hoạch mía. Ảnh: T.L
Hiện nay mối lo ngại lớn nhất của các nhà máy đường trong vùng ĐBSCL là thiếu nguồn mía nguyên liệu để ép trong thời gian tới, bởi toàn vùng, vụ này chỉ còn hơn 42.200ha mía, giảm hơn 6.000ha so với vụ mía trước và giảm khoảng 60.000ha so với năm 2000. Trước đây, ĐBSCL có 10 nhà máy đường. Hiện tại chỉ còn 9 nhà máy, nhà máy đường Kiên Giang phải bán tháo di chuyển về Tây Ninh do thiếu nguyên liệu mía để hoạt động. Trong số 9 nhà máy đường còn lại, khả năng sẽ có thêm 1-2 nhà máy đường ngừng hoạt động chuyển đi nơi khác do thiếu nguyên liệu để hoạt động.
Theo lãnh đạo một nhà máy đường, tình hình vùng mía nguyên liệu ở ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ “phá sản” nghiêm trọng. Trong đó, tác động không nhỏ hiện nay là thiếu trầm trọng nguồn nhân công thu hoạch mía. Cần nói thêm khâu thu hoạch mía hiện nay vẫn làm thủ công. Trong khi đó, các chính sách về thuế, nguồn đường nhập khẩu chưa rõ ràng đã làm giảm tính cạnh tranh của các nhà máy đường trong nước. Để tồn tại, các nhà máy buộc phải có nguồn nguyên liệu để sản xuất. Trong khi diện tích mía giảm mạnh, nông dân lại chủ động “neo mía” chờ giá tăng… Dự báo, “cuộc chiến” tranh giành mua mía nguyên liệu ở ĐBSCL sẽ tái diễn với mức độ khốc liệt hơn những năm trước đây.
Cao Phong