Thiếu tác phẩm văn hóa nghệ thuật về thương binh - liệt sĩ

Tác phẩm cũ - hay nhưng chưa đủ
Thiếu tác phẩm văn hóa nghệ thuật về thương binh - liệt sĩ

Vài năm lại đây, công chúng ít được thưởng thức những tác phẩm văn hóa nghệ thuật mới sáng tác về hình ảnh người thương binh, gia đình liệt sĩ. Phải chăng đề tài này thiếu sự quan tâm?

Phim Ngã ba Đồng Lộc được HTV phát sóng lại trong dịp 27-7 này.

Phim Ngã ba Đồng Lộc được HTV phát sóng lại trong dịp 27-7 này.

Tác phẩm cũ - hay nhưng chưa đủ

Cứ vào ngày 27-7 hàng năm, ngày đền ơn đáp nghĩa với những anh hùng, liệt sĩ, thương binh, khán giả có dịp được nghe lại những giai điệu hào hùng, xem lại những bộ phim đề tài cách mạng từng gây tiếng vang. Năm nào, hai đài truyền hình lớn là VTV và HTV đều có những cầu truyền hình được thực hiện công phu; thể hiện tình cảm, sự tri ân đối với bao lớp người hy sinh để bảo vệ Tổ quốc.

Trong những chương trình ấy, luôn có những ca khúc đã trở thành “tượng đài” của âm nhạc cách mạng Việt Nam, như: Màu hoa đỏ (Nguyễn Đức Mậu - Thuận Yến), Đồng đội (Hoàng Hiệp), Tình ca (Hoàng Việt), Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn (Hoàng Hà), Biết ơn chị Võ Thị Sáu (Nguyễn Đức Toàn), Vết chân tròn trên cát (Trần Tiến)…

Gọi là tác phẩm mới, nhưng cũng được sử dụng vài năm nay, có: Tổ quốc gọi tên mình (Đinh Trung Cẩn) và Linh thiêng Việt Nam (Lê Quang). Nhạc sĩ Phan Hồng Sơn, Trưởng ban Ca nhạc Đài Truyền hình TPHCM, cho biết: “Tác phẩm mới về đề tài người chiến sĩ, về truyền thống cách mạng cũng có, nhưng rất ít bài hay và có chiều sâu”.

Kỷ niệm ngày Thương binh - liệt sĩ 27-7 năm nay, tại TPHCM gần như không có một chương trình nghệ thuật nào lớn, ngoại trừ chương trình Xanh xanh Côn Đảo và Linh thiêng Việt Nam do Sở VH-TT-DL TPHCM phối hợp với Hội Âm nhạc TPHCM và Đài Truyền hình TPHCM thực hiện tại Côn Đảo vừa qua và sẽ phát lại trên HTV7, HTV9 vào ngày 27-7. Những ca khúc truyền thống nổi tiếng lần nữa sẽ “sống” lại trong hai chương trình này và hai chương trình cầu truyền hình của VTV vào tối 26, 27-7.

Mảng phim truyện cũng không khá hơn. Bộ phim Mùi cỏ cháy (đạo diễn Hữu Mười) được chọn là “tác phẩm đinh” chiếu trong đợt kỷ niệm 27-7 này. Trên sóng truyền hình, bộ phim truyện nhựa Chớp mắt cùng số phận (đạo diễn Lê Ngọc Linh) sẽ được phát lại vào hai tối 24, 25-7 trên VTV1. Trên HTV cũng phát lại bộ phim truyện nhựa Ngã ba Đồng Lộc, Sống như anh và phim truyện truyền hình Cuộc vượt ngục thần kỳ. Mảng phim tài liệu trên HTV, ngoài phim mới Nghĩa tình đồng đội nói về cuộc sống hôm nay của những cựu binh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia của Trung đoàn 429, Sư đoàn 302, QK7; hãng phim TFS phát lại 16 tập phim Bà mẹ Việt Nam anh hùng. “Trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, nhà nước không đầu tư làm phim về đề tài này, chẳng hãng phim tư nhân nào chịu làm. Đó chính là lý do, hàng năm có rất ít tác phẩm mới về đề tài thương binh liệt sĩ, vì thế chúng tôi phải chiếu và phát sóng lại những phim cũ”, cán bộ một đài truyền hình tâm tư.

Cạn cảm hứng hay thiếu đầu tư?

Cuộc kháng chiến thần thánh của quân và dân Việt Nam với chiến thắng lẫy lừng năm châu, luôn là đề tài và nguồn cảm hứng vô tận cho các nghệ sĩ. Tuy nhiên, vẫn chỉ có thể là lớp nghệ sĩ đã từng đi qua chiến tranh, từng trải nghiệm qua những niềm vui, nỗi đau, sự mất mát, hy sinh mới có thể vắt từ trong tim - óc ra những vần thơ, lời ca, giai điệu và những chất liệu phong phú, đa chiều cho các tác phẩm nghệ thuật. Thế hệ trẻ hôm nay, sống trong hòa bình, trong sự pha trộn của các nền văn hóa, khó có thể đòi hỏi họ có sự chiêm nghiệm sâu sắc như lớp cha, ông.

Nhạc sĩ Phan Hồng Sơn cho rằng: “Các nhạc sĩ bây giờ thích viết cái mới hơn vì nghĩ đề tài này quá cũ rồi. Phần khác theo họ, viết về đề tài này chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn (dịp kỷ niệm nào đó). Tôi nghĩ, các cơ quan quản lý như Hội Âm nhạc, các trung tâm văn hóa, các sở VH-TT-DL các tỉnh thành, cùng các ban ngành liên quan nên có những đợt vận động sáng tác về đề tài này để tìm ra những tác phẩm mới và hay”.

Ở lĩnh vực sân khấu, các tác phẩm đề tài truyền thống cách mạng, hình tượng về người thương binh còn thưa vắng hơn. Tác giả Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, nhận định: “Đây là đề tài mà người làm sân khấu phải làm để tri ân, là trách nhiệm với các thế hệ đi trước. Đặc biệt, trong thời bình, hình ảnh nhiều thương binh tham gia lao động, sản xuất, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn là những hình tượng rất cao đẹp, nếu được đưa lên sân khấu càng có tính giá trị, giáo dục cao. Nhưng tiếc là sân khấu chưa khai thác được. Cho nên, nếu muốn có được những tác phẩm nghệ thuật về hình tượng những thương binh, gia đình liệt sĩ… cần phải có kế hoạch chuẩn bị và đầu tư thỏa đáng của Nhà nước”.

Phim điện ảnh và phim truyện truyền hình cũng không ngoại lệ. Nếu không có sự đầu tư, định hướng tốt từ nhà nước, khó mong sẽ có những bộ phim mới thật sự có giá trị, chất lượng về đề tài này được sản xuất hàng năm. Ghi nhớ, tri ân các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, các mẹ Việt Nam anh hùng là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn xã hội. Trong đó, những tác phẩm nghệ thuật đóng một vai trò quan trọng, hiệu quả, dễ đi vào lòng người và có đời sống lâu bền nhất đối với mọi thế hệ, mọi thời đại.

Bình – Hoa – Hạnh

Tin cùng chuyên mục