Chuyến thăm của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon tới Hy Lạp hôm 18-6 được kỳ vọng sẽ mang đến những hỗ trợ của LHQ dành cho nước này trong việc giải quyết khủng hoảng di cư, bởi Athens đang là một trong những quốc gia tuyến đầu của người tị nạn. Lúc này, thỏa thuận giữa Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào bế tắc.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon thăm người tị nạn ở đảo Lesbos (Hy Lạp)
Thách thức của Hy Lạp
Nơi Tổng thư ký Ban Ki-moon đến là đảo Lesbos - một cửa ngõ chính vào châu Âu của người tị nạn. Năm 2015, hơn nửa triệu người nhập cư đã đổ vào Lesbos để hy vọng tiếp tục tìm đường tới các nước Tây Âu. Năm 2016, theo số liệu của LHQ, hòn đảo của Hy Lạp đã nhận gần 90.000 người tị nạn, trong đó 1/3 là trẻ em. Còn theo số liệu từ Chính phủ Hy Lạp, hiện nước này đang cưu mang hơn 57.000 người di cư chủ yếu đến từ Trung Đông sau khi một loạt các nước vùng Balkan đóng cửa biên giới. Khoảng 8.400 người trong số này muốn được nộp đơn xin tị nạn khiến cho Hy Lạp bị quá tải.
Trọng tâm của các cuộc thảo luận giữa ông Ban Ki-moon với lãnh đạo Hy Lạp là cuộc khủng hoảng tị nạn và những hỗ trợ của LHQ dành cho nước này. Theo Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, điều này đang là một thách thức rất lớn đối với Hy Lạp vì những vấn đề khó khăn về kinh tế cũng như xã hội khi Athens nhận trách nhiệm tiếp nhận người di cư.
Chuyến thăm của người đứng đầu LHQ diễn ra 1 tuần sau khi Hy Lạp đưa ra những thủ tục đăng ký mới về bảo hộ tị nạn hợp pháp cho những người di đang bị mắc kẹt nhằm tạo thuận lợi cho các nước thành viên EU sẵn sàng tiếp nhận và tái định cư cho người nhập cư Syria theo thỏa thuận đã ký giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 3 trước đó. Quy trình mới được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tiến độ quá trình đoàn tụ của các gia đình, cũng như việc tái định cư cho người di cư tới các quốc gia châu Âu khác.
Hạn chót tháng 10
Chuyến thăm của Tổng thư ký LHQ diễn ra trong bối cảnh thỏa thuận vừa đạt được hồi tháng 3 giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề người nhập cư đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Theo thỏa thuận, hai bên đã nhất trí quá trình xem xét để Ankara trở thành thành viên EU sẽ được tăng tốc, khoản tiền hỗ trợ người tị nạn tăng gấp đôi lên 6,8 tỷ USD và miễn thị thực đi lại cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ đến khu vực Schengen ở châu Âu từ 1-7. Đổi lại, Ankara phải nhận trở lại người bị bác đơn tị nạn ở EU từ tháng 6-2016, đồng thời kiểm soát tốt hơn đường bờ biển của nước này và chống lại các đường dây buôn người.
Tuy nhiên, theo các quan chức châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa thực hiện đầy đủ tất cả các điều kiện quy định của Ủy ban châu Âu (EC) về thỏa thuận thị thực, bao gồm thay đổi luật chống khủng bố của Ankara nhằm đáp ứng mối quan tâm của EU về nhân quyền.
Hôm 11-6 vừa qua, Bộ trưởng Nội vụ châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ Omer Celik đã chính thức thừa nhận, hạn chót để EU miễn visa du lịch (1-7) sẽ bị bỏ lỡ. Đáp lại động thái này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã ra “tối hậu thư”, yêu cầu việc miễn thị thực phải được hoàn thành chậm nhất vào tháng 10 năm nay. Nếu không, Ankara sẽ hủy bỏ thỏa thuận nhập cư với EU. Theo quan điểm của ông Erdogan, chính sách EU đang áp dụng là chính sách kiêu ngạo, đã cản trở Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện quyền tự bảo vệ mình.
Tình thế của Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đang đặt giới lãnh đạo EU vào cảnh oái oăm bởi thực tế cho thấy, châu Âu vẫn rất cần Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết làn sóng di cư. Tuy nhiên, trong khi Hy Lạp đẩy nhanh tiến độ quá trình đoàn tụ nhằm tạo thuận lợi cho các nước thành viên EU sẵn sàng tiếp nhận và tái định cư cho người nhập cư Syria theo thỏa thuận đã ký giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 3 trước đó, thì thỏa thuận này gần như đang bế tắc.
HẠNH CHI (tổng hợp)