Thơ tự thắp sáng mình và thắp sáng mọi người

Ngày 25-8-2006, Hội Nhà văn TPHCM tổ chức một buổi hội thảo về thơ. Quan tâm đến thơ ngoài những bài nghiên cứu thấu đáo về lý luận thơ phương Đông, phương Tây của giáo sư Trần Thanh Đạm, là những nhận định về thực trạng của dòng thơ tại TPHCM...

  • Mới không phải là “mốt” thời thượng

Đề dẫn cho hội thảo, nhà thơ Chim Trắng nêu 4 vấn đề, trong đó ông nhấn mạnh hai ý nghĩa trọng tâm khá thú vị. Thứ nhất: “Cách tân, làm mới thơ mình là nhu cầu thiết yếu của mỗi thi sĩ. Tự giẫm lên mình là một bi kịch. Cách tân và thơ phải hay...”. Thứ hai: “Văn chương nói chung và thơ nói riêng là vì mọi người, cho mọi người. Đích ngắm của thơ, đường đến của thơ là đến mọi người. Thi sĩ trước tiên hãy tự thắp sáng mình mới mong thắp sáng cho người” (Một ngọn đèn không cháy không bao giờ thắp sáng được ngọn đèn khác - Tagore).

Quan tâm đến sự đổi mới như cuộc cách mạng thơ, nhà thơ Inrasara nêu 4 yếu tố: các nhà thơ là những người sáng tác cùng thời, cùng quan điểm sáng tạo, có khả năng xây dựng một trường phái thơ; phải lập ngôn cho hệ mỹ học sáng tạo của nhóm, của phong trào mình; và cuối cùng là phải có lớp độc giả chuẩn bị tinh thần và tri thức để sẵn sàng đón nhận tác phẩm của họ. Xét trên 4 yếu tố này, Inrasara thừa nhận các cuộc cách mạng thơ trong Thơ Mới, thơ Cách mạng giai đoạn chiến tranh và trào lưu sáng tác mang tính sử thi giai đoạn 1975-1985 đều có những thành tựu. Hiện nay tuy có nhiều dòng sáng tác nhưng họ vẫn không thể tạo được sự thay đổi nào cho thơ ca.

  • “Giải mã ảo giác thơ trẻ”

Ít nhiều các ý kiến trong hội thảo đều nêu vấn đề sự phát triển của thơ ca hiện nay. Thơ không thể để đánh mất công chúng (theo phân tích của nhà thơ Khánh Chi). Nhà thơ Lam Giang cũng nêu một số nguyên nhân công chúng “ngán thơ” trong đó cũng có lỗi của nhà xuất bản khi cho in nhiều tập thơ dở.

Về thơ trẻ hiện nay, sự tìm kiếm cái hay thì ít mà “gây sốc” lại nhiều! Tôn Nữ Thu Thủy cũng phân định rõ hiện tượng trong số một cây bút trẻ hay đề cập vấn đề tính dục trong thơ. Phân tích tình trạng bát nháo của thơ trẻ, nhà thơ trẻ Lê Thiếu Nhơn tự “giải mã ảo giác thơ trẻ”.

Anh nhận xét: “So với lớp người đi trước, nhà thơ trẻ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để tiếp xúc thế giới rộng lớn. Tuy nhiên, trên xa lộ Internet không bờ không bến, không ít bạn trẻ đã bị ngộ độc thông tin. Nhiều bạn trẻ đồng hành của tôi mải mê dồn sức dồi dào và quý giá nhất đời người vào những cách tân đã lỗi thời ở nước ngoài...

Cuộc hội thảo vẫn chưa hẳn đã chấm dứt những vấn đề đang đặt ra. Một buổi hội thảo ngắn gọn gần như là “hâm nóng” phong trào thơ, bàn bạc lại đôi nét về tình hình thơ thành phố. Nói như nhận xét khái quát có tính tổng kết của nhà lý luận phê bình Mai Quốc Liên: “Thơ là mênh mông. Từ lý luận phương Đông, phương Tây đến thực tế Việt Nam, chúng ta đã nói vỡ vạc những vấn đề. Tuy nhiên, mỗi người sẽ có cách riêng, sẽ suy nghĩ và tự biết công việc mình sẽ làm…”. 

KIM ỬNG

Tin cùng chuyên mục