
Gần đây, nhiều bàn tròn văn học xoay quanh những tác phẩm mới của các cây bút trẻ đã thu hút sự quan tâm của bạn đọc. Các cây viết trẻ đang có khuynh hướng tìm kiếm những ý tưởng mới trong quá trình sáng tác. Thế nhưng, thơ văn trẻ hiện đại dường như vẫn còn chông chênh trên con đường nhận diện chính mình.
Xu hướng khai thác nhục cảm

Nhà văn Đoàn Thạch Biền trong buổi tọa đàm văn học Thơ trẻ hôm nay. Ảnh: T.T.
Trong tập truyện “Vũ điệu thân gầy”, NXB Trẻ đã tập hợp các tác phẩm của 12 cây bút: Lynh Bacardy, Cấn Vân Khánh, Trương Quế Chi…. Khi vừa được tung ra thị trường, tác phẩm đã nhận được nhiều ý kiến khen chê trái ngược nhau.
Những truyện ngắn đầu tiên của Từ Nữ Triệu Vương tiếp cận bạn đọc bằng các cảm giác khi viết: “Em. Mắt to ẩm ướt, môi gợi mở, mũi tẹt da vàng. Mái tóc bị trận mưa đá đập tan tác trên đường phố, nhờn nhợt màu môi, màu vú thâm lại tím tái” (truyện “Rỗng”). Có thể thấy hầu hết các truyện ngắn đều đi vào khai thác nhục cảm của con người.
Phải chăng họ muốn cổ súy cho một lối sống mà ở đó, giá trị thực của sống đã bị nhấn chìm bởi thứ được gọi là tình yêu thời hiện đại? Lâu nay, người đọc luôn chờ đợi sự mới mẻ trong các tác phẩm văn học mà ở đó, giá trị nhân bản, hướng về con người là tiêu chí hàng đầu. Mới đây, NXB Boys Mills Press (Mỹ) đã loại bỏ bộ truyện “Wimmel” ra khỏi kế hoạch xuất bản của mình. Bởi họ cho rằng “Wimmel” chứa những hình ảnh không thích hợp với lứa tuổi thiếu nhi dù nó đã làm mưa làm gió thị trường sách thiếu nhi Đức và 13 nước khác nhau trên thế giới. Điều này cho thấy rằng những đề tài thuộc loại nhạy cảm vẫn được kiểm duyệt chặt chẽ ngay cả trong làng xuất bản hiện đại như Mỹ.
Trong đời sống văn học của chúng ta nhiều năm trước từng xuất hiện hiện tượng thơ nữ với những cây bút tên tuổi như: Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Kim, Đoàn Thị Lam Luyến… Họ đã khám phá thế giới ngôn từ bằng nét nhìn trong sáng, giản dị với tâm hồn yêu cuộc sống. Ở họ chất chứa một trái tim đàn bà nhưng rất mực duyên dáng. Nơi đó, giá trị của truyền thống vẫn còn lưu giữ, trước sự xâm nhập của nhiều nền văn hóa trong thời kỳ đổi mới.
Và... sự tìm kiếm dang dở
Trong một số tác phẩm hiện nay, dường như các cây bút trẻ mượn đề tài về tính dục, sex để thể hiện, khoa trương ngôn ngữ của mình. Các tác phẩm này đã tạo nên hiệu ứng với nhiều luồng khen chê trái ngược nhau. Phải chăng những cây viết trẻ tự cho mình là… sáng tạo, là hiện đại với vỏ bọc bằng những ngôn từ sex. Họ khắc họa chân dung một thế hệ mới bằng những đau khổ, bằng khai thác những nhục cảm, mượn danh tình yêu.
Ngày ngày, chúng ta vẫn chứng kiến rất nhiều thanh niên, sinh viên tình nguyện đang đến với bà con vùng sâu vùng xa, đóng góp sức mình cho sự phát triển của đất nước. Thế nhưng những tác phẩm của văn chương trẻ còn thiếu chất liệu của cuộc sống và chưa khắc họa được hình ảnh của chính thế hệ mình.
Có thể nói hiện nay chúng ta đang thiếu những tác phẩm có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến thế hệ trẻ. Hiện tượng những cuốn nhật ký chiến tranh: “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, “Mãi mãi tuổi hai mươi”… chiếm được tình cảm sâu sắc của bạn đọc là một vấn đề mà các cây viết trẻ cần tìm hiểu. Hay một số tiểu thuyết hiện đại của nước ngoài như: “Cô đơn trên mạng”, cũng khai thác đề tài trên nhưng đem đến cho bạn đọc một góc nhìn mới về tình yêu của con người trong xã hội hiện đại. Họ đã kéo thế giới gần lại với nhau khi tình yêu là chất xúc tác của tâm hồn, để nơi ấy tồn tại yêu thương, sự sẻ chia và đồng cảm.
Đã đến lúc văn chương trẻ phải bước đồng điệu giữa quá khứ và hiện tại và cả tương lai, giữa một xã hội Việt Nam đang phát triển trong xu thế hội nhập với thế giới. Chúng ta đang khát khao sự sáng tạo để cho ra đời những tác phẩm mang giá trị đích thực và bạn đọc vẫn đang tin yêu, chờ đợi một sự mới mẻ đúng nghĩa của văn chương.
NGUYỄN THÙY DUNG