Thỏa thuận Anh - EU: Sự nhượng bộ công bằng

Ngừng tham gia sâu hơn vào EU
Thỏa thuận Anh - EU: Sự nhượng bộ công bằng

Theo BBC, sau 2 ngày đàm phán căng thẳng tại Brussels (Bỉ), Anh và các nước thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận cải cách trao cho Anh quy chế đặc biệt để giữ chân nước này ở lại.

Ngừng tham gia sâu hơn vào EU

Thỏa thuận mà Thủ tướng Anh David Cameron đạt được sau các cuộc thương lượng với các nhà lãnh đạo EU đề cập hầu hết các yêu cầu cải cách mà London đặt ra trước đó. Thỏa thuận mới bao gồm cắt giảm phúc lợi cho con của những người di cư EU đang sống ở nước ngoài, có hiệu lực ngay lập tức đối với những người di cư mới đến Anh, từ năm 2020 sẽ áp dụng với 34.000 người xin tị nạn hiện tại. Thỏa thuận cũng bao gồm điều khoản sửa đổi các hiệp ước của EU, để khẳng định rõ ràng rằng yêu cầu các thành viên phải tham gia sâu hơn vào liên minh không áp dụng đối với Vương quốc Anh.

Cuộc đàm phán giữa Anh với các nhà lãnh đạo EU tại Brussels (Bỉ)

Về đề xuất dừng khẩn cấp việc chi trả phúc lợi cho những lao động nhập cư đang làm việc, đối mặt với sự phản đối từ Ba Lan và các nước thành viên Đông Âu khác, Thủ tướng Cameron đã buộc phải nhượng bộ. Ý định của Anh đóng băng phúc lợi ngoài lương của người lao động EU nhập cư trong 13 năm sẽ chỉ thực hiện trong thời hạn 7 năm và sẽ chỉ áp dụng với những công dân EU nhập cư mới chứ không phải với những công dân EU hiện đã làm việc tại Anh. Ông Cameron cũng không thể thực hiện được ý định chấm dứt tất cả các khoản thanh toán phúc lợi trẻ em mà công dân EU làm việc ở Anh nhận được để gửi cho con cái họ vẫn ở quê nhà. Thay vào đó, các khoản phúc lợi trẻ em sẽ được điều chỉnh phù hợp với mức sinh hoạt ở nơi mà đứa trẻ đó đang sống và quy định này cũng sẽ chỉ có hiệu lực từ ngày 1-1-2020. 

Một thỏa thuận không kém phần quan trọng là cho phép nước Anh thực hiện các biện pháp bảo vệ khẩn cấp để bảo vệ Khu tài chính London. Các nhà lãnh đạo EU cũng đã chấp thuận cho phép một quốc gia bên ngoài eurozone được phép buộc các nhà lãnh đạo EU phải thảo luận về luật của eurozone. Chủ tịch EU Donald Tusk khẳng định thỏa thuận vừa đạt được củng cố vị thế đặc biệt của Anh tại EU và có giá trị ràng buộc pháp lý và không thể đảo ngược. Thủ tướng Đức Angela Merkel thì gọi thỏa thuận là một sự nhượng bộ công bằng.

Còn nhiều rào cản

Về cải cách EU nêu trên mới chỉ là bước đầu nhằm thực thi những cải cách EU theo đề xuất của Anh cho cuộc trưng cầu ý dân ở nước này. Các bước tiếp theo của việc cải cách còn rất nhiều rào cản. Trong ngày 20-2, ông Cameron giới thiệu thỏa thuận này trong cuộc họp nội các của mình. Cuộc họp nhằm thảo luận tiến trình khó khăn tiếp theo là thuyết phục người dân Anh chấp thuận những nội dung đàm phán đã đạt được với EU. Dự kiến ngày 23-6 tới, nước Anh sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về việc có tiếp tục là thành viên EU hay không.

Nhiệm vụ của Thủ tướng Cameron là phải tìm cách tranh thủ sự ủng hộ của những người theo quan điểm hoài nghi châu Âu trong đảng của mình và cả người dân Anh đối với thỏa thuận gây tranh cãi trên. Thăm dò dư luận cho thấy người dân Anh hiện đang chia rẽ trong việc liệu có ủng hộ Anh rời khỏi EU hay không. Nguyên nhân một phần là bởi vấn đề nhập cư, bao gồm dòng người tị nạn chạy trốn chiến tranh từ Syria. Người dân lo ngại rằng số lượng người nhập cư gia tăng sẽ khiến thuế tăng lên, cũng như giành lấy việc làm của họ và có thể sẽ nhận lương thấp hơn mức mà một công dân Anh yêu cầu. Ngoài ra, lòng tự tôn dân tộc cũng là một nguyên nhân. Người dân cũng tỏ ra ngại ngần khi phải từ bỏ chủ quyền quốc gia của mình để hòa nhập với EU.


THANH HẰNG (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục