Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung Liên hiệp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP-21) khai mạc tại Paris ngày 30-11 và sẽ diễn ra đến ngày 11-12. Dự báo những cam kết của Mỹ, EU, Trung Quốc, Ấn Độ và các nước tại COP-21 sẽ tạo một sự thay đổi lịch sử, mở ra một sự bùng nổ đầu tư vào công nghệ mới và năng lượng tái tạo, có thể đưa nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi bẫy tăng trưởng chậm.
Sự bùng nổ đó trị giá 30.000 tỷ USD vào năm 2040, báo cáo của các nhà kinh tế tại Barclays cho biết. Ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch, gồm than, khí đốt và dầu mỏ, có thể bị giảm 1/4 thu nhập, tức 34.000 tỷ USD, trong 1/4 thế kỷ tới nếu thỏa thuận Paris dẫn tới một loạt đánh giá nghiêm khắc hơn mỗi 5 năm trong lộ trình giảm lượng khí thải CO2 theo đề nghị của LHQ và Pháp.
Bởi theo đó, tiêu thụ dầu thô và nhu cầu dầu thô sẽ giảm nhanh. Hầu hết các công ty nhiên liệu hóa thạch sẽ phải đối mặt đóng cửa trừ khi có thể tự thay đổi như Shell, Total và Statoil đã và đang làm.
Mục tiêu LHQ đã đồng ý là giới hạn sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu 2°C so với mức tiền công nghiệp vào năm 2100, được coi là giới hạn an toàn nếu không trái đất phải gánh chịu hậu quả không thể đảo ngược.
Tuần hành vì khí hậu ở Paris, Pháp. Các biểu ngữ ghi: Nói không với tình trạng khẩn cấp. Sự khẩn cấp chính là xã hội và khí hậu. Ảnh: EPA
Các nhà đàm phán khí hậu nói phải quyết liệt "loại bỏ carbon", với lượng khí thải ròng âm vào năm 2070 hoặc sau đó. Điều này nghĩa là CO2 sẽ phải bị loại ra khỏi khí quyển và chôn lấp, hoặc bị hấp thụ bởi tái trồng rừng.
Một kịch bản như vậy sẽ gồm sự gần tuyệt chủng của ngành công nghiệp than, trừ khi có một bước nhảy vọt trong việc thu giữ và lưu trữ carbon. Nó cũng gồm sự chuyển đổi hoàn toàn sang xe điện, khi động cơ đốt trong trở nên lỗi thời.
Barclays dự báo cần 21.500 tỷ USD đầu tư cho hiệu quả năng lượng vào năm 2040 theo sự cam kết hiện tại của 155 quốc gia, chiếm 94% kinh tế toàn cầu. Thêm 8.500 tỷ USD chi cho phát triển năng lượng mặt trời, gió, thủy điện, lưu trữ năng lượng và năng lượng hạt nhân.
Nhưng đó mới là một kịch bản tối giản. Trong khi các cam kết Paris đưa ra một bước ngoặt, chúng chưa đủ đáp ứng các mục tiêu của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPPC). Trái đất đã sử dụng hết 2/3 "ngân sách carbon" được phép là 2.900 gigaton (GT), và sẽ sử dụng hết 3/4 của 1.000 GT còn lại vào năm 2030.
Công cụ thực thi chính sẽ là tăng giá khí thải carbon lên khoảng 140 USD/tấn vào năm 2040, trong hình thức một dạng thuế hoặc trong kế hoạch buôn bán khí thải. Công cụ khác là tấn công vào các khoản trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch, khoảng 550 tỷ USD/năm, ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Michael Jacobs, Ủy ban Toàn cầu về Năng lượng và Khí hậu (GCEC), cho biết trên The Telegraph, thỏa thuận Paris là tín hiệu kinh tế với các thị trường và các nhà đầu tư về một cơ hội lớn trước mặt họ.
Chưa chắc chắn sẽ có một thỏa thuận mang tính ràng buộc. Có thể vẫn còn các tranh cãi về cam kết hỗ trợ 100 tỷ USD/năm cho các nước đang phát triển. Nhưng Hội nghị Paris năm nay hoàn toàn khác so Hội nghị Copenhagen năm 2009, lúc còn sự chia rẽ "Bắc - Nam" giữa những người có trách nhiệm, rằng ai sẽ trả tiền để làm sạch di sản khí nhà kính.
"Điều đã thực sự thay đổi mọi thứ chính là chi phí năng lượng tái tạo đã giảm, những gì dường như không thể cách đây 6 năm ở Copenhagen nay đã có thể", theo Mark Lewis, tác giả chính của báo cáo Barclays. Năng lượng tái tạo chiếm một nửa trong số toàn bộ năng lượng mới được bổ sung trên toàn thế giới trong năm ngoái.
"Chi phí trung bình của năng lượng mặt trời là 400 USD/mWh trên toàn thế giới trong năm 2010, nhưng đã giảm xuống 130 USD trong năm 2014 và bây giờ chỉ còn dưới 60 USD tại các địa điểm tốt nhất. Hầu như không ai có thể tưởng tượng giá này 6 năm trước", Lewis cho biết.
Theo Lewis, đột phá lớn tiếp theo, khoảng trong vòng 5 năm, sẽ là lưu trữ năng lượng giá rẻ, tăng tốc một hiệu ứng quả cầu tuyết không thể ngăn cản được thúc đẩy bởi sức mạnh thị trường. IEA dự báo công suất năng lượng mặt trời và gió sẽ tăng gấp 8 lần.
Bước ngoặt lịch sử là thỏa thuận giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm ngoái. Trung Quốc, hiện phát thải lượng CO2 bằng Mỹ và EU cộng lại, đã thay đổi so với ở Hội nghị Copenhagen, đã tích cực phát triển năng lượng xanh, tăng tốc làm sạch các thành phố ô nhiễm. Trung Quốc sẽ giới thiệu một hệ thống thu giữ và buôn bán khí thải trong năm 2017. Các nhà máy than ô nhiễm nhất đang được đóng cửa. Khoảng 200 GW công suất năng lượng mặt trời sẽ được lắp đặt vào cuối thập niên này.
Kêu gọi cứu gấu Bắc cực ở Hồng Công (Trung Quốc). Ảnh: REUTERS
Jacobs của GCEC cho biết, thỏa thuận Paris rất có khả năng vì "đã đi qua những bước ngoặt ở Mỹ và Trung Quốc, cả 2 nước đã đi đến nhận thức rằng có thể giảm lượng carbon mà không gây tổn hại tăng trưởng kinh tế".
Thỏa thuận Paris sẽ không mang tính ràng buộc pháp lý, nhưng được dự kiến có tác dụng tương tự khi mỗi quốc gia chuyển đổi các tiêu chí thành pháp luật của mình. Tại Mỹ, thỏa thuận sẽ được thực thi thông qua các cơ chế pháp lý của Đạo luật Không khí sạch, không cần Thượng viện phê chuẩn.
Thế giới xuống đường bảo vệ khí hậu:
Tuần hành vì khí hậu ở Oslo, Na Uy. Ảnh: REUTERS
Tuần hành vì khí hậu ở Canberra, Australia. Ảnh: AAP
Tuần hành vì khí hậu ở Sydney, Australia. Ảnh: AAP
Một người hóa trang thành gấu Bắc cực trong cuộc tuần hành bảo vệ khí hậu ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: EPA
Tuần hành vì khí hậu ở Manila, Philippines. Ảnh: REUTERS
Tuần hành vì khí hậu ở Melbourne, Australia. Ảnh: AAP
Người dân tràn ngập đường phố trong cuộc tuần hành vì khí hậu ở Melbourne, Australia. Ảnh: AAP
Tuần hành vì khí hậu ở Berlin, Đức. Ảnh: REUTERS
THIỆN NGUYỄN