Thỏa ước mơ người dân xã Nhâm

Hơn 400 hộ dân ở xã Nhâm, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế kiếm sống bằng nghề trồng trọt và làm rẫy, nhưng cuộc sống vô cùng bấp bênh vì sự đỏng đảnh của thiên nhiên và giá cả thị trường. Đồng bào các dân tộc Tà Ôi, Pa Cô, Vân Kiều, Ka Tu sinh sống ở đây nhiều đời mơ về sự no đủ và nước sạch, trường lớp, trạm xá…
Thỏa ước mơ người dân xã Nhâm

Hơn 400 hộ dân ở xã Nhâm, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế kiếm sống bằng nghề trồng trọt và làm rẫy, nhưng cuộc sống vô cùng bấp bênh vì sự đỏng đảnh của thiên nhiên và giá cả thị trường. Đồng bào các dân tộc Tà Ôi, Pa Cô, Vân Kiều, Ka Tu sinh sống ở đây nhiều đời mơ về sự no đủ và nước sạch, trường lớp, trạm xá…

  • Mảnh đất chết

Nhâm là xã mới thành lập sau ngày giải phóng. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, A Lưới nói chung, xã Nhâm nói riêng được xem là điểm nút đường Trường Sơn với vô vàn cung, nhánh đường bộ cơ giới, đường vòng qua đất nước bạn Lào. Nhằm chặn đứng tuyến chi viện chiến lược đường Trường Sơn qua vùng đất này với chiều dài hơn 100km, không lực Hoa Kỳ đã huy động hàng vạn tấn bom đánh phá, kể cả dùng vũ khí hóa học, chất độc da cam, chất phát quang, nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng.

Hòa bình lập lại, đồng bào các dân tộc ở xã Nhâm bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh trên mảnh đất khô cằn đầy rẫy hầm hố và bom đạn, núi rừng trơ trọi do chất độc da cam... Đồng bào các dân tộc thiểu số ở đây sống du canh du cư, đói nghèo triền miên, sắn cũng không đủ ăn chứ nói gì đến hạt gạo. Bệnh tật, đói rét luôn vây bủa.

Người dân sống rải rác ở các bản làng sâu tít trong dãy Trường Sơn, đường sá đi lại khó khăn, bà con các bản làng muốn đi lại với nhau phải mất hàng ngày đường. Cuộc sống tự cung tự cấp, thiếu thốn đủ bề... Con đường từ Huế lên Nhâm trước đây có khi đi mất cả ngày, muốn nhanh phải quay ra Quảng Trị, lên đường 9, qua cầu Đakrông với quãng đường xa gấp 5 lần.

Phó Chủ tịch UBND xã Nhâm, Hồ Viết Rưng, tâm sự: “Từ khi tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua huyện A Lưới hoàn thành, cơ cấu kinh tế cũng có sự thay đổi, thương mại, du lịch, dịch vụ phát triển mạnh hơn. Nhưng giải bài toán thoát nghèo của bà con xã Nhâm vẫn nan giải lắm. Cả xã có 467 hộ với 2.022 nhân khẩu nhưng có hơn 30% hộ thuộc diện nghèo, khả năng tái nghèo của những hộ còn lại rất cao khi đồng bào chủ yếu sống dựa vào cây cà phê, phụ thuộc vào nước trời, được mất trời cho”.

  • Hiện thực ước mơ

Hai bên đường từ trung tâm huyện A Lưới đi xã Nhâm dài 10km, nhà dân thưa thớt, nghèo nàn, thỉnh thoảng mới có vài ngôi nhà kiên cố. Cuộc sống vất vả khiến ai nấy đen đúa, khô gầy, chỉ có đôi mắt trong veo. Đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt và rừng xanh sạch trơn do chất độc hóa học nên có căng sức ra làm quần quật cả ngày cũng không đủ ăn. Gia tài cả xã có được để triển khai xây dựng nông thôn mới chỉ là con đường bê tông liên xã nối với trung tâm huyện A Lưới; nhà phục vụ cộng đồng rộng chưa đầy 100m2 xập xệ nhưng phải gánh chức năng làm trạm xá, nơi học tập và cũng là nơi tập trung sinh hoạt cộng đồng của bà con...

Đó là lý do mà Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên - Huế giới thiệu mảnh đất này với Ban Tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP, nhằm kêu gọi các mạnh thường quân giúp đỡ địa phương xây dựng một phòng máy vi tính dành cho học sinh tiểu học, trạm xá quân dân y và các công trình dân sinh.

Lễ khởi công xây dựng Trạm xá quân dân y xã Nhâm (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế) do Hội Golf TPHCM tài trợ thông qua Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP.

Lễ khởi công xây dựng Trạm xá quân dân y xã Nhâm (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế) do Hội Golf TPHCM tài trợ thông qua Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP.

Lẫn trong đám đông đến dự lễ khởi công xây dựng Trạm xá quân dân y xã Nhâm ngày hôm đó, chúng tôi nhận ra đầy đủ những người đã có mặt trong ngày khảo sát địa điểm dự án. Từ Đại tá Nguyễn Văn Lưu, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên – Huế đến các đồng chí cán bộ chiến sĩ đồn Biên phòng Nhâm và đại diện Ban Tổ chức chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP, đại diện lãnh đạo các ban, ngành của tỉnh Thừa Thiên - Huế và huyện A Lưới… Họ là những người nặng nợ với Nhâm, nhiều năm đau đáu với giấc mơ xây dựng một trạm xá tại vùng rừng núi heo hút này.

Trung úy Lê Tuấn Linh, y sĩ Đồn Biên phòng Nhâm, tâm sự: “Từ lúc Ban Tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP về cùng Bộ đội Biên phòng tiến hành khảo sát, chọn địa điểm xây dựng Trạm xá quân dân y xã Nhâm đến nay, anh em cán bộ chiến sĩ trong đồn cũng như bà con quanh đây đếm từng ngày, mong đến ngày trạm xá khởi công”.

Cùng chung tâm sự, bà Khăn Nhâm vui mừng khôn xiết: “Mừng lắm, đêm qua không sao ngủ được, chỉ mong trời mau sáng. Tận mắt thấy lễ khởi công, chúng tôi tin chắc rằng từ nay không còn phải đi xa hơn chục cây số để đến trung tâm y tế khám bệnh như trước nữa… Ước mơ của chúng tôi đã thành hiện thực rồi!”.

Ông Võ Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Thừa Thiên – Huế bày tỏ, địa bàn xã Nhâm là khu vực thường bị chia cắt với các trạm xá trong khu vực và nhất là cách Trung tâm Y tế huyện A Lưới đến 10km, đường sá đi lại rất khó khăn. Việc xây dựng Trạm xá quân dân y xã Nhâm sẽ phục vụ tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc ở vùng sâu vùng xa, khu vực biên giới khó khăn. Đây cũng là nơi giao lưu, gặp gỡ, tuyên truyền, vận động đường lối, chính sách của Đảng đến với đồng bào các dân tộc. Qua đó, góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới.

Trạm xá quân dân y xã Nhâm do Hội Golf TPHCM tài trợ với kinh phí 1 tỷ đồng thông qua Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP. Công trình có tổng diện tích 560m2, trong đó diện tích xây dựng 163m² với các hạng mục: phòng khám, 3 phòng bệnh, phòng họp giao ban và các hạng mục phụ trợ khác.

VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục