Thoái trào

Chưa bao giờ cuộc họp G8 (Mỹ, Canada, Nhật Bản, Nga, Pháp, Anh, Đức và Ý) lại diễn ra trong bối cảnh nặng nề như cuộc họp năm nay. Nếu như các kỳ họp trước đây, có thể xem cuộc họp là sự “dạo chơi của các nước giàu” thì giờ đây sức ép của hàng loạt vấn đề đã thổi hơi nóng vào cuộc họp. Các vấn đề nổi cộm nhất mà G8 phải giải quyết lần này là cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu và khủng hoảng tại các nước Arab và Bắc Phi.

Chủ nhà Pháp có lẽ muốn làm cho không khí bớt căng thẳng khi họ chọn khu nghỉ mát bên bờ biển Deauville để tổ chức cuộc họp. Là một trong những đầu tàu châu Âu, Pháp cùng với Đức và Anh đang phải vật lộn để giải quyết hậu quả cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu.

Tại cuộc họp năm nay, G8 chứng kiến thêm một thành viên khu vực đồng euro phải nhờ đến gói cứu trợ từ IMF và EU. Đó là Bồ Đào Nha, vừa nhận 78 tỷ EUR để giải quyết nợ công. Trước đó, Hy Lạp nhận 110 tỷ EUR vào tháng 5-2010, Ireland nhận 85 tỷ EUR tháng 11-2010.

Sắp tới có thể đến lượt Tây Ban Nha và cả Ý (thành viên G8) khi mà nợ công hai nước này đang tăng. Điều đáng nói là các gói cứu trợ cho tới nay vẫn chưa mang lại hiệu quả nào.

Các chuyên gia kinh tế tại Hy Lạp đều cho rằng, nước này vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục kinh tế và có thể phải khất nợ tiếp tục khi đến kỳ đáo hạn. Chưa hết, các biện pháp khắc khổ của các nước đi vay đã dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình phản đối, gây bất ổn xã hội khi mà tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao. Nhiều nhà phân tích cho rằng, cuộc khủng hoảng nợ châu Âu ngày càng trầm trọng đe dọa đến nền kinh tế đang phục hồi của Mỹ.
Vấn đề giải quyết nợ nần chưa có lối ra thì G8 lại phải lo thêm tiền tài trợ cho các nước Arab vừa trải qua biến cố. Ai Cập đang trông chờ khoản vay 25 tỷ USD trong khi Tunisia muốn viện trợ ngay 12 tỷ USD. Tây Âu và Mỹ sau khi cổ súy cho phong trào dân chủ ở các nước Arab không thể làm ngơ yêu cầu của họ.

Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe nói trước Quốc hội nước này rằng “Chúng ta phải hành động nhanh vì các phong trào dân chủ có thể bị tổn hại do các khó khăn kinh tế gây ra”. G7 (chưa có Nga) từng hứa hẹn rất nhiều các khoản vay cho các nước nghèo nhưng đó vẫn chỉ là lời hứa.

Nước Pháp còn có nhiệm vụ nặng nề hơn nữa vì sau 3 tháng dẫn đầu cuộc không kích vào Libya nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Gaddafi, kết quả vẫn chưa đâu vào đâu. Hơn nữa, cuộc khủng hoảng tại các nước Arab và Bắc Phi vẫn đang tiếp tục đẩy dòng người tị nạn về châu Âu, tạo thêm khó khăn cho châu lục này.

Thực tế từ nhiều năm qua, vai trò của G8 đang dần mờ nhạt trong bối cảnh ngày càng có nhiều nền kinh tế mới nổi thách thức địa vị của G8. Giờ đây, xuất hiện thêm những khó khăn nói trên, xem ra G8 đang đi vào giai đoạn thoái trào.

Đã qua rồi cái thời một nhóm nhỏ các nước quyết định số phận của kinh tế toàn cầu. Người ta đang nói nhiều hơn đến nhóm G20, trong đó đáng chú ý là các nước Brazil, Trung Quốc, Nam Phi. Sự chuyển đổi dần trọng tâm kinh tế thế giới từ G8 sang G20 nên xem là một tín hiệu đáng mừng.

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục