Thoát “gọng kềm”

Tại hội nghị về lúa gạo thế giới tổ chức tháng 11-2014 ở Bangkok (Thái Lan), một chuyên gia lúa gạo Thái Lan phát biểu “Đừng bao giờ để con em chúng ta trở thành nông dân!”. Người Thái Lan còn nói như vậy thì nông dân Việt Nam càng khó có cửa khi diện tích bình quân trên đầu người quá thấp. Vậy nhưng, nông dân chính là những người có vai trò quyết định trong đảm bảo an ninh lương thực.

GS-TS Nguyễn Văn Bộ, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, phải đối xử lại thế nào với những người mang đến an sinh xã hội, khi một thời gian dài chỉ nhìn vào năng suất và sản lượng nhưng chưa chú ý đến nông dân.
 
Với việc tồn kho trên 15 triệu tấn gạo, Thái Lan tìm mọi cách để xả hàng, vì vậy các chuyên gia đều nhận định, giá gạo trên thế giới trong ngắn hạn khó tăng cao, mặc dù trong dài hạn sẽ tăng trở lại vì vẫn còn 1/6 dân số thế giới thiếu lương thực. Tuy nhiên, nếu vẫn tiếp tục sản xuất giống lúa chất lượng không cao, không có thương hiệu để bán thì nghịch lý vẫn tiếp tục xảy ra, người dân trong nước ăn gạo giá cao hơn hạt gạo xuất khẩu.

Chi phí đầu vào và giá bán đầu ra của hạt gạo được ví như hai “gọng kềm”, kẹp chặt nông dân. Nếu như giá bán là do thị trường quyết định, nằm ngoài khả năng của nhà kinh doanh hay mong muốn của mọi người, thì vẫn có cách “nới” hai gọng kềm này, đó là nâng giá bán với hạt gạo thơm và giúp cho bà con giảm thêm giá thành hạt lúa.

Một điều bất ngờ khi Viện Lúa quốc tế - IRRI khảo sát lúa gạo các nước ở châu Á cho thấy, chi phí sản xuất lúa của Việt Nam thấp nhất so với Thái Lan, Indonesia, Philippines, Trung Quốc, kể cả Ấn Độ là nước có chi phí thấp gần bằng Việt Nam. Nhưng vì lúa chất lượng không cao nên giá bán ra vẫn thấp, kéo theo đó lợi nhuận của người trồng lúa thấp. Nhưng nhà khoa học có thể giúp bà con thoát ra “gọng kềm” giá thấp với giống lúa thơm.

Thị trường gạo dù xuất khẩu hay bán ở nội địa, gạo thơm luôn được mọi người ưa chuộng nên có giá cao hơn gạo thường 2 - 3 lần. Không ngạc nhiên khi các nước xuất khẩu gạo dẫn đầu như Thái Lan, Ấn Độ luôn tìm cách củng cố ưu thế xuất khẩu gạo thơm. Và gạo thơm đang là hướng đi của nhiều nước sản xuất lúa không chỉ ở khu vực Đông Nam Á.

Tất nhiên gạo thơm Việt Nam sẽ rất khó chen chân vào thị trường gạo thơm cao cấp của Thái Lan với giống Hom Mali hay của Ấn Độ với giống Basmati có giá bán lên đến trên 1.000 USD/tấn do đây là giống dài ngày, mỗi năm trồng 1 vụ so với giống lúa ngắn ngày, 3 vụ/năm ở đồng bằng sông Cửu Long.
 
Theo GS-TS Bùi Bá Bổng, chuyên gia cao cấp Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO), việc tạo giống lúa thơm không dễ dàng, đòi hỏi thời gian để tạo ra giống vì nguồn gen bố mẹ lúa thơm thường có khả năng phối hợp thấp, chưa kể liên kết với tính nhiễm sâu bệnh. Nhưng nước Mỹ thành công việc nghiên cứu tạo giống lúa thơm đạt chất lượng cao hơn và đưa một số giống vào sản xuất. Giống Jazzman-2 được cho có chất lượng gạo gần giống Hom Mali của Thái Lan và năng suất đạt 7 tấn/ha, đang khiến Thái Lan quan ngại.

Kinh nghiệm của Ấn Độ và Mỹ cho thấy, có thể tạo giống lúa thơm cao sản đạt chất lượng như gạo thơm đặc sản. Việt Nam có điều kiện để phát triển lúa thơm theo hướng chất lượng Jasmine, đây cũng là loại gạo thơm có nhu cầu gia tăng trên thị trường thế giới. Việt Nam đã nâng tỷ lệ gạo thơm xuất khẩu năm 2014 lên 20,6%, tăng 31,6% so với năm 2013. Nhưng để thành công, cần có đầu tư ưu tiên và dài hạn trong nghiên cứu tạo ra giống lúa thơm có giá trị xuất khẩu cao.

Cần sớm ban hành tiêu chuẩn quốc gia gạo thơm Việt Nam (Vietnam Aromatic Rice) ứng dụng cho nhóm giống lúa thơm xuất khẩu hiện nay và sẽ được bổ sung các giống mới trong tương lai, đồng thời ban hành nhãn chứng nhận “Vietnam Aromatic Rice” để cấp cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo thơm đáp ứng được tiêu chuẩn.

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục