Thoát nghèo để giúp người nghèo

23 hộ đồng bào thiểu số tự viết đơn xin thoát nghèo ở huyện rẻo cao Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình) là một câu chuyện đẹp. Cuộc sống vùng núi tuy còn khó khăn nhưng họ làm được việc ấy là vì lòng tự trọng không thể là gánh nặng cho xã hội. 

Niềm vui thoát nghèo

Anh Cao Xuân Lực cùng vợ là chị Cao Thị Liên ở bản Ón vừa bán gỗ keo được 50 triệu đồng đã bàn với nhau viết đơn xin thoát nghèo. Anh Lực vui vẻ kể: “Hồi mới ra riêng khó khăn lắm, chúng tôi được Nhà nước quan tâm hỗ trợ diện hộ nghèo, vợ chồng cần cù lao động dựng được 3ha rừng trồng, nay mỗi năm đã nuôi 5 con trâu/bò, 3 con heo. Như vậy, so với bà con người Rục ở địa phương thì không thể cho là mình nghèo, nên tôi viết đơn xin thoát nghèo. Bán gỗ keo thu vô 50 triệu đồng mà cứ hưởng chính sách diện hộ nghèo thì kỳ cục lắm”.

Kế hoạch sau khi thoát nghèo được chị Liên vạch ra rõ ràng: “Thoát nghèo rồi thì phải vươn lên, nếu chủ quan dẫn đến tái nghèo thì không còn mặt mũi nào nhìn dân bản. Do đó mà vợ chồng em đã lên chương trình phát triển cuộc sống, vay ngân hàng làm ăn thêm để kinh tế khấm khá hơn, có cách làm ăn mạnh dạn để có điều kiện cho con cháu học hành tốt hơn và giúp những người nghèo”.

Thoát nghèo để giúp người nghèo ảnh 1 Các thanh niên ở bản Ón bàn chuyện sản xuất nông nghiệp, làm kinh tế gia đình để thoát nghèo

Anh Trần Xuân Vinh cùng ở bản Ón cũng mạnh dạn viết đơn ra khỏi hộ nghèo, anh nói: “Trước đây tôi phụng dưỡng cha mẹ già, thu nhập bấp bênh từ cái rẫy trên núi đá vôi. Được tạo điều kiện vay vốn, nay tôi đã có rừng trồng, nuôi heo, gà, trâu, bò và dựng được nhà ngói chắc chắn, nên tôi viết đơn xin ra hộ nghèo để thanh niên trong bản noi theo học tập”. 

Những tấm gương đẹp

Sâu trên bản Cha Cáp xã Trong Hóa có ông Hồ Đon (60 tuổi) bị cụt tay cũng vừa quyết định làm đơn ra khỏi diện hộ nghèo. Anh Phạm Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã, kể: “Ông Hồ Đon tuy cụt tay, khuyết tật, nhưng giỏi đan lát các vật dụng bản địa như mâm cơm, dụng cụ đánh bắt cá. Mỗi tháng ông Hồ Đon thu nhập hơn 3 triệu đồng, ở bản như vậy là sống khỏe, nên ông nói thoát nghèo để nhường suất cho hộ khác, chứ đan lát có tiền thu nhập mà lại kêu nghèo thì không coi được”.

Ông Bùi Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, nhận xét: “Những lá đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của bà con là tín hiệu tích cực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Điều này chứng tỏ người nghèo trên địa bàn huyện Minh Hóa có ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo. Đây thực sự là những tấm gương đẹp, góp phần làm thay đổi nhận thức, xóa dần tư tưởng trông chờ ỷ lại và cũng là động lực để các hộ nghèo khác trong huyện nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Ông Hồ Ta Long (63 tuổi) ở bản Tà Vờng, thường về xuôi mua đồ lên miền núi bán lại cho bà con dân bản, nhờ vậy mà đời sống đã khấm khá hơn.

Ông tâm sự: “Với tôi, thoát nghèo là nhiệm vụ chứ không phải thành tích. Gia đình 3 nhân khẩu, mình chăm làm ăn, nhà được Nhà nước làm, hỗ trợ con giống nhiều năm, cấp đất làm rừng, giờ cứ kêu nghèo là xấu hổ với bạn bè. Mình buôn bán được mà còn thuộc diện nghèo thì không ai chơi với mình. Phải thoát nghèo để còn buôn bán nhiều hơn nữa, chứ dừng lại ở mức nghèo cũng không khá lên được”. 

Ở bản Ông Tú, Bí thư chi bộ Hồ Chui và trưởng bản Hồ Đăm đã cùng nhau thống nhất thoát nghèo với lý do: “Mình làm cán bộ, có cái tay, có cái sức lao động chuyên cần, trồng rừng, làm được cả bản đoàn kết giữ rừng nguyên sinh, mình không gương mẫu thoát nghèo là không được trong mắt dân bản. Do đó chúng mình thoát nghèo, vì gạo có ăn, con cái có học hành, thu nhập tuy không nhiều nhưng ổn định thì thoát nghèo thôi.

Tin cùng chuyên mục