Thoát nghèo mùa nước nổi

Hàng năm, từ tháng 7 đến hết tháng 10, mực nước trên sông Gumani dâng cao, gây lũ lụt tại ở ngôi làng Charbhangura, quận Pabna, phía Đông Bắc Bangladesh. Với mực nước cao đến gần 4 mét, hơn 2.500 người dân sinh sống ở làng chỉ biết mong sao cho lũ rút nhanh để hoa màu không bị tàn phá và sớm quay lại trồng trọt.

Hàng năm, từ tháng 7 đến hết tháng 10, mực nước trên sông Gumani dâng cao, gây lũ lụt tại ở ngôi làng Charbhangura, quận Pabna, phía Đông Bắc Bangladesh. Với mực nước cao đến gần 4 mét, hơn 2.500 người dân sinh sống ở làng chỉ biết mong sao cho lũ rút nhanh để hoa màu không bị tàn phá và sớm quay lại trồng trọt.

Nhưng mọi chuyện đã thay đổi trong thời gian gần đây, khi Shidhulai Swanirvar Sangstha, một tổ chức phi lợi nhuận của Bangladesh, hướng dẫn cư dân làng Charbhangura trồng trọt lẫn chăn nuôi trên những vùng canh tác nổi. Đây là kỹ thuật canh tác không sử dụng đất trên những bè nổi. Nông dân cắm các thân cây tre để làm điểm cố định cho những bè có diện tích khoảng vài chục mét, phủ lên lớp mùn đất hay bùn hữu cơ và cuối cùng là lớp đất giàu dinh dưỡng và trồng các loại rau, củ như cà chua, củ cải, cà rốt, gừng, tỏi… gần như không nhiễm sâu bệnh và cũng không cần tưới nước hay bón thêm phân. Theo cơ quan nông nghiệp của Bangladesh, sản lượng của những vùng có vườn canh tác nổi cao gấp 10 lần so với canh tác trên cạn.

Ngoài trồng trọt, người dân có thể nuôi vịt, gà, trên những chiếc bè tre có hàng rào vây kín hay nuôi cá, tôm trong các bè mùa nước nổi. Trên những chiếc bè chăn nuôi đều gắn một bảng điều khiển năng lượng Mặt trời để thắp sáng nguồn điện bên trong. Lượng tôm, cá nuôi trong các bè cũng phát triển rất nhanh.

Gia đình chị Khatun, một bà mẹ trẻ có 2 con, là một trong những gia đình đã thoát khỏi cái nghèo trong mùa nước nổi ở ngôi làng này. Với mức vốn bỏ ra khoảng 10.000 taka (125 USD), gia đình chị Khatun có thể thu về khoảng 130.000 taka (1.700 USD) hàng năm. Thu nhập này trước đây vốn chỉ là mơ ước ở những vùng chịu nhiều thiên tai phía Đông Bắc Bangladesh. Mô hình vườn canh tác nổi được nhân rộng tại nhiều ngôi làng khác đã giúp thêm hàng ngàn người dân không còn phải sống trong cảnh khốn khó vì thiên tai. Số tiền thu nhập từ những vườn canh tác nổi đã giúp chị Khatun cũng như nhiều phụ nữ Bangladesh khác trang trải cuộc sống gia đình, đưa các con tới trường và dành dụm tiền để gửi ngân hàng.

Ông Rezwan đã sáng lập Shidhulai Swanirvar Sangstha từ năm 22 tuổi, sau khi tốt nghiệp đại học năm 1998. Cũng vào năm này, trận lũ kinh hoàng đã giết 700 người ở Bangladesh và khiến 21 triệu người sống trong cảnh không nhà. Thời gian đầu khi hoạt động, Shidhulai Swanirvar Sangstha đã xây dựng thành công ý tưởng lập trường học trên những con thuyền lớn nhằm giúp trẻ em vẫn có thể được học hành trong mùa nước lũ. Đến nay, Shidhulai Swanirvar Sangstha quản lý 22 trường học và 10 thư viện đều có thể di chuyển trên các con sông. Hiện đã có 70.000 trẻ em đã tham gia học trên những ngôi trường di động này ở Bangladesh. Mô hình trường học nổi đã được áp dụng tại nhiều nước như Campuchia, Philippines, Nigeria, Zambia…

Vườn canh tác nổi, hay những trang trại nổi, được Shidhulai Swanirvar Sangstha nghĩ ra từ 4 năm trước. Trải qua thời gian nghiên cứu và thử nghiệm, việc mô hình này được áp dụng thành công khiến ông Rezwan cảm thấy rất hài lòng. Mục tiêu của ông Rezwan là tiếp tục phát triển mô hình để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu được dự báo sẽ gây khó khăn cho nền kinh tế nông nghiệp ở Bangladesh.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục