
Trong những đợt bình bầu nông dân sản xuất giỏi của quận Thủ Đức TPHCM, chị Kiều Lệ Thu (48 tuổi) ở KP 3 phường Linh Xuân luôn nằm trong danh sách ứng cử viên sáng giá với mô hình nuôi ếch. Và chị Thu đã trở thành nữ nông dân đầu tiên nuôi ếch xóa nghèo.
Cơ duyên đến với nghề nuôi ếch của chị Thu rất tình cờ.
Đầu năm 2006, chị đến chơi nhà một người bạn ở quận 9, rất ngạc nhiên khi nhìn những hồ ếch hàng ngàn con chen nhau ken kín mặt hồ. Càng “mê” hơn khi nghe người bạn nói mỗi tháng thu lợi 5 - 10 triệu đồng, lại không bỏ công chăm sóc nhiều. Ngoài ra, chị còn được người bạn giới thiệu với những gia đình trở thành triệu phú bằng nghề nuôi ếch. Được tận mắt thấy đàn ếch, được tham quan mô hình chăn nuôi mới, trong đầu chị đã bắt đầu hình thành ý tưởng sẽ kinh doanh ếch. Nghĩ là làm, chị Thu ở lại nhà bạn học kinh nghiệm nuôi ếch trong vòng 2 tháng. Không ngại khó khăn, chị đến những gia đình nuôi ếch xin được phụ việc không công. Thấy chị đam mê với nghề nuôi ếch, những gia đình này sẵn sàng giúp đỡ. Ngày nào chị cũng đạp xe hơn 20km đến quận 9 học nghề, cuối cùng chị cũng đã có những hiểu biết bước đầu trong việc chăn nuôi khá mới mẻ này.

Chị Thu và lứa ếch sắp xuất chuồng.
Một khó khăn với chị Thu lúc này là vốn để xây dựng chuồng trại, mua ếch giống hơn chục triệu đồng. Để có số tiền lớn như vậy chị nghĩ đến việc “cầu cứu” Hội Nông dân phường Linh Xuân. Sau khi nghe chị trình bày ý tưởng nuôi ếch, Hội Nông dân phường đã quyết định cho chị “vay nóng” 15 triệu đồng để làm ăn. Chị Thu tâm sự: “Đầu tư một số tiền lớn để nuôi ếch trong khi mình chưa có kinh nghiệm, chưa có đầu ra, lúc đầu tôi cũng sợ sẽ thất bại, không đủ tiền để trả cho hội nông dân hàng tháng”. Sợ, nhưng chị vẫn quyết định làm, vì nếu thất bại cũng có được kinh nghiệm cho những đợt sau.
Lúc đầu chị chỉ dám xây dựng hai hồ xi măng rộng 12m2 để nuôi ếch, thả 2.000 con/hồ. Tiền xây hồ, mua ếch giống đã ngót hết số tiền vay, chị gom góp số tiền dành dụm được lâu nay để mua cám cho ếch ăn. Chị cho biết: “Tôi nuôi giống ếch thịt Thái Lan. Đây là giống ếch có sức khỏe tốt, thịt ngon, rất được ưa chuộng trên thị trường”. Sau 3 tháng, chị Thu cho xuất lứa ếch đầu tiên, thu lãi hơn 3 triệu đồng. Chị hồ hởi: “Các nhà hàng khan hiếm nguồn ếch nên khi tôi đặt vấn đề cung cấp hàng, họ đồng ý ngay”. Hàng xóm của chị Thu cho hay: “Ếch lớn thì chị ấy đưa vào nhà hàng, con nhỏ hơn, chị ôm mẹt ra chợ bán. Ếch chị nuôi tươi ngon, bán giá rẻ nên các bà nội trợ rất ưa chuộng”.
Thoát nghèo, trả hết nợ, có dư chút ít và thấy lứa ếch đầu tiên đem lại lợi nhuận cao, chị Thu nghĩ ngay đến việc nhập ếch bố mẹ về nuôi để sản xuất ếch giống. Kinh nghiệm chị Thu có được chỉ từ những buổi phụ việc cho các hộ nuôi ếch, học qua sách vở, xem báo, nghe đài. Chị vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm. Sau 3 tháng nuôi ếch sinh sản, lứa đầu chị Thu lời được hơn 10 triệu đồng. Số tiền có được, chị mở rộng quy mô trại nuôi ếch với 8 hồ, trên 1,5 triệu ếch thịt, 400 cặp ếch bố mẹ. Hiện nay, đàn ếch đã đem về cho chị doanh thu khoảng 50 triệu đồng/năm. Hỏi kinh nghiệm, chị Thu cho biết: “Nuôi ếch ít tốn thức ăn, chăm sóc đơn giản, nhưng lợi nhuận cao, 1kg ếch (4 con) bán ra thị trường lời 40.000 đồng. Cứ 3 năm thay ếch giống bố mẹ một lần. Một năm, mùa sinh sản của ếch từ tháng 2 đến tháng 7, chúng đẻ khoảng 5-7 lứa. Giống ếch không chịu được lạnh và nước mưa. Do đó, cần che kín mặt hồ khi mưa, giữ ấm cho ếch là nuôi được”.
Sau gần 2 năm nuôi ếch, gia đình chị Thu từ hộ nghèo đã vươn lên hộ khá. Không chỉ làm giàu cho mình, chị còn giúp cho 3 hộ dân cùng xóm nuôi ếch, hỗ trợ kỹ thuật, con giống… Hiện chị Thu vừa bán ếch giống và ếch thịt, lứa ếch nào xuất ra cũng được thương lái bao mua trọn gói. Năng động, sáng tạo, vượt gian khó để làm giàu chính đáng là những nhận xét của chị Phạm Thị Nhắc, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Linh Xuân, khi nói về chị Thu. Các hộ nông dân nếu muốn học mô hình nuôi ếch, có thể tham quan mô hình tại nhà chị Thu, số 56/19 KP3 phường Linh Xuân quận Thủ Đức TPHCM.
HOÀNG MAI