Bằng việc tham gia vào mô hình hợp tác xã (HTX), sản xuất ra những sản phẩm “rau an toàn, muối trải bạt”, nhiều hộ nông dân vùng ven và ngoại thành TPHCM thoát nghèo, trở nên khấm khá…
Thu nhập tăng 10 lần
Trước đây, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn TPHCM là địa bàn thuần nông với trên 90% diện tích đất nông nghiệp chủ yếu trồng lúa xen lẫn hoa màu nên thu nhập bà con nông dân thấp do phương thức canh tác truyền thống, manh mún, tự phát. Khi HTX Nông nghiệp dịch vụ Ngã Ba Giòng ra đời (năm 2004) với nhiều phương thức tổ chức, làm ăn quy củ đã thu hút được các hộ gia đình tham gia. Từ đó, nhiều bà con nông dân nhanh chóng thoát nghèo, cuộc sống ngày càng khấm khá.
Ông Phạm Văn Thái, ấp 1 xã Xuân Thới Thượng cho biết, gia đình có 7.000m2 đất, trước đây một năm trồng lúa 1 vụ, 1 vụ hoa màu. Dù làm lụng vất vả, quần quật suốt ngày đêm nhưng mỗi năm sau khi trừ đi toàn bộ chi phí chỉ còn chừng 2 - 3 triệu đồng nên gia đình luôn thiếu trước hụt sau. Bước ngoặt đổi thay của gia đình là khi nghe lời kêu gọi của cán bộ, xã viên đi trước, năm 2010 ông chính thức là xã viên của HTX. Ngay buổi đầu khi chân ướt chân ráo tham gia HTX, dù còn bỡ ngỡ nhưng ông mạnh dạn bỏ hẳn trồng lúa, chuyển qua canh tác 3 vụ/năm, trong đó chủ yếu trồng củ và quả (khổ qua, bầu, bí, dưa leo...).
Kết quả thật bất ngờ, chỉ với 1.000m² đất nhưng đã cho 7,5 tấn sản phẩm/năm, tương đương 35 - 45 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, phần lợi thu về còn khoảng 50%, gấp gần 10 lần trước đây. “Lúc đầu tôi mới tham gia vào HTX nên không quen do phải mất thời gian họp hành, nhưng sau vài lần thấy bổ ích, lại được hỗ trợ kỹ thuật, vốn và đầu ra sản phẩm nên yên tâm canh tác, từ đó đạt hiệu quả cao”, ông Thái nhắc lại.
Tương tự, cũng tại ấp 1, nông dân Trần Văn Hưng, chuyên trồng rau ăn lá (rau dền, mồng tơi...) cho biết, gia đình gồm 4 nhân khẩu và có tổng cộng gần 4.000m² đất chuyên trồng rau. Khi chưa tham gia HTX cuộc sống gia đình khá bấp bênh do không am hiểu kỹ thuật dẫn đến năng suất thấp, lại cung cấp chủ yếu cho chợ đầu mối nên giá cả lên xuống thất thường. Tuy nhiên, sau thời gian tham gia HTX cuộc sống gia đình ông đã có của ăn của để. Hiện tại, mỗi tháng gia đình ông cung cấp cho HTX 7 tấn rau các loại, với giá bình quân 5.000 đồng/kg, thu về khoản ứng 35 triệu đồng, trừ chi phí còn khoảng 40% - 50%. Nếu tính kỹ, 1.000m² trồng rau mỗi năm cho ra sản lượng khoảng 2 tấn, tương đương 160 triệu đồng/năm. Đây là khoản thu nhập chênh lệch khá xa so với trồng lúa trước đây.
Nhân rộng mô hình HTX
Theo ông Trần Văn Hợt, Chủ nhiệm HTX Ngã Ba Giòng, hiện nay xã viên đã tăng lên 35 thành viên. Những hộ nông dân tham gia HTX đều được hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, phân bón và đầu ra cho sản phẩm là rau sạch vào trực tiếp các siêu thị nên thu nhập khá ổn định, gấp nhiều lần so với trồng lúa và canh tác nhỏ lẻ trước đây. HTX cũng chuẩn bị kết nạp thêm 30 thành viên không góp vốn. Đối với những hộ chưa muốn tham gia, HTX vẫn hỗ trợ về mặt tư vấn kỹ thuật nếu bà con có nhu cầu. Tuy nhiên, về lâu dài bà con nên tham gia vào HTX để được hỗ trợ tối đa các điều kiện, từ đó giúp ổn định và yên tâm canh tác. Nguyên nhân, khi tham gia HTX quy trình được kiểm soát rất chặt chẽ, phải theo tiêu chuẩn VietGAP nên một số bà con còn bỡ ngỡ chưa muốn tham gia. Dù vậy, cái khó hiện nay đối với HTX vẫn là điệp khúc được mùa mất giá, bên cạnh là giá cả đầu ra bị khống chế, trong khi HTX luôn mua cho nông dân cao hơn 25% giá thị trường. Nếu tháo gỡ được những vướng mắc này, mô hình HTX sẽ là điểm tựa cho bà con trở nên khấm khá.
Mới thành lập từ năm 2008, nhưng HTX thương mại muối Tiến Thành hiện cũng đang dẫn dắt bà con nông dân làm nghề muối ở huyện Cần Giờ TPHCM từng bước ổn định sản xuất, thoát nghèo nhờ thu nhập căn cơ hơn, thậm chí còn khá giả. Ông Phan Thành Thuộc, Chủ nhiệm HTX Làng nghề muối Tiến Thành cho biết, hiện nay HTX có 53 xã viên, với tổng diện tích sản xuất muối là 100ha, sản lượng tiêu thụ muối và các sản phẩm từ muối đạt 6.600 tấn/năm. Sản phẩm xã viên làm ra luôn được tiêu thụ ổn định và bán giá cao nên làm tăng thu nhập cho xã viên, trong đó chủ yếu cung cấp muối i ốt, muối tinh sấy, muối xay và muối hạt. HTX đã hỗ trợ xã viên và các hộ dân vùng sản xuất muối chuyển từ phương pháp sản xuất muối truyền thống (kết tinh trên nền đất) sang phương pháp sản xuất muối sạch (kết tinh trên nền ruộng trải bạt), đã góp phần tiết kiệm chi phí lao động, nâng cao năng suất và chất lượng muối. Đồng thời, HTX thu mua muối trải bạt cao hơn 12% so với giá muối nền đất. Đến thời điểm này, với sự hỗ trợ của HTX, trên 90% diện tích sản xuất muối của xã viên HTX đã chuyển sang sản xuất muối theo phương pháp kết tinh trên nền ruộng trải bạt, góp phần tiết kiệm chi phí lao động, nâng cao năng suất và chất lượng muối, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tiêu thụ sản phẩm đem lại hiệu quả cao trong việc sản xuất kinh doanh.
Để phát huy tính hiệu quả và tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất muối kết tinh trên nền bạt, cũng như khắc phục tình trạng bà con phải bán “muối non” (chưa thu hoạch) cho thương lái, HTX tiếp tục đầu tư bạt trả chậm cho xã viên và bà con trong xã, đồng thời ký bao tiêu sản lượng muối của diêm dân, đầu tư mở rộng nhà xưởng chế biến muối, nâng cao công suất chế biến muối lên 50 - 100 tấn/ngày. Ngoài ra, HTX còn đẩy mạnh xuất khẩu muối chế biến và muối kết tinh trên nền bạt ra thị trường nước ngoài.
Lạc Phong