Thời điểm chín muồi

Nếu như mặt hàng gạo Việt Nam còn có đối thủ cạnh tranh là Thái Lan khi đi trước chúng ta một thời gian dài về việc xây dựng cơ sở hạ tầng sau thu hoạch thì với mặt hàng cá tra, Việt Nam đã chiếm hơn 95% thị phần thế giới. Mặt hàng cá tra đi trước hầu như mọi mặt: con giống, công nghệ nuôi và chế biến, thị trường…

Do vậy, việc chấn chỉnh lại hoạt động xuất khẩu mặt hàng này mà Tổng cục Thủy sản đang lấy ý kiến để xây dựng dự thảo nghị định về quản lý và tiêu thụ cá tra nằm trong tổng thể về quy hoạch, nuôi, chế biến và tiêu thụ là cần thiết.

Tại buổi góp ý về dự thảo nghị định đầu tháng 12, các doanh nghiệp (DN) thuộc Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, một trong những việc cần phải làm là xây dựng và thống nhất giá sàn xuất khẩu để áp dụng và từ đó định giá mua cho người nuôi sao cho bà con có lời, chấm dứt tình trạng không ai quản lý được giá bán và có biện pháp chế tài những DN cố tình giảm giá vì bán sản phẩm chất lượng kém ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh cá tra Việt Nam.

Ngày 10-12, 20 DN hàng đầu xuất khẩu cá tra đã họp tại TPHCM nhằm thống nhất về một giá sàn xuất khẩu chung cho mặt hàng này. Các DN đã ký cam kết thực hiện giá sàn xuất khẩu áp dụng từ đầu năm 2011 là 3 USD/kg đối với cá tra thịt trắng và 2,05 USD/kg đối với cá tra thịt đỏ (trừ thị trường Mỹ, hiện ở 3,8 USD/kg).

Theo ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch VASEP, với giá này hy vọng sẽ đảm bảo giữ giá mua cá nguyên liệu của bà con nông dân từ 21.000 đồng trở lên. So với cách đây 2 tháng, giá này tăng bình quân 20% - 25%. Khi các DN xuất khẩu cá tra lớn đồng thuận áp dụng giá sàn từ tháng 9 nhiều DN làm ăn chụp giật đã phải “chấp nhận” bỏ cuộc, từ 350 DN xuất khẩu cá tra giảm còn trên 120 DN, loại dần những DN không đủ năng lực, mua đi bán lại, gia công… không thể tham gia để chào bán giá thấp. Những DN ký hợp đồng giá thấp, gặp phải giá đầu vào cao, không thể thực hiện hợp đồng, khách hàng sẽ loại dần.

Đây là xu hướng tốt, giúp bình ổn giá bán để ổn định giá mua sao cho bà con có lời. VASEP sẽ trình Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT và Hải quan để tính biện pháp kiểm soát giá thấp và củng cố chất lượng hàng hóa. Có thể nói, đây là thời điểm chín muồi để làm cho được điều này, khi tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu cá chế biến đã đẩy giá xuất khẩu cá tra phi lê lên cao và nhà nhập khẩu phải chấp nhận và người tiêu dùng của các nước đã quen dần với món cá tra của Việt Nam.

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục